Trong đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (em trai của Luyện và Lĩnh) và Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) cùng 18 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài tội danh trên, 2 bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực còn bị truy tố thêm về tội “rửa tiền”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố về tội “rửa tiền”.
Cũng trong sáng cùng ngày, sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng của VKSND, tòa sẽ bắt đầu phần xét hỏi.
Trình bày đầu tiên, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng, bản thân không chiếm đoạt tài sản, cáo trạng mà VKS trình bày tại phiên tòa có nhiều nội dung chưa đúng sự thật.
"Cáo trạng truy tố bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của người khác là không đúng. Công ty tôi kinh doanh công khai, minh bạch. Tôi vận dụng Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản và Quy định tách thửa để tôi mua đất. Những điều này cũng được tôi xuất bản ra hàng trăm cuốn sách, cẩm nang, tôi đào tạo và chia sẻ cho nhân viên và khách hàng", Luyện cho biết.
Việc lấy tiền đâu để lập ra Alibaba và bán hàng loạt dự án như cáo trạng nêu, bị cáo Luyện khai nguồn vốn kinh doanh này là tiền bị cáo tích luỹ qua nhiều năm làm môi giới bất động nhiều công ty về bất động sản, ngoài ra từng làm cho công ty khác.
Ngoài ra, bị cáo Luyện còn cho rằng, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp đều làm theo đúng quy định của pháp luật về luật đất đai giống như nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác đã làm.
Về hoạt động của 22 công ty con phục vụ việc kinh doanh của Công ty Alibaba, bị cáo Luyện thừa nhận là người chỉ đạo xuyên suốt hoạt động. Tiền thu chi từ hệ thống công ty cọn này đều nộp về Công ty Alibaba. Những người đại diện pháp luật của các công ty này không được hưởng lợi từ công ty con.
Con dấu của các công ty này là do bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) quản lý. Mọi thu chi, bị cáo Luyện không trực tiếp quản lý mà giao cho vợ và người quản lý tài chính của công ty.
Hiện phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo khác.
Cáo trạng xác định, bị cáo Luyện là chủ mưu trong vụ án. Công ty CP Địa ốc Alibaba được cấp phép kinh doanh vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Đến lần thay đổi thứ ba ngày 26.9.2017, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỉ đồng chỉ trên giấy tờ. Bị cáo Luyện sau đó chỉ đạo thành lập 22 công ty, để người thân hoặc thân tín đứng tên giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Sau đó, bị cáo Luyện sử dụng hệ thống các công ty này tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật. Sau đó, công ty đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư. Nguyễn Thái Luyện còn sử dụng các thủ đoạn như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Thực tế, toàn bộ dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ ra, chưa được phép phân lô, tách thửa, không phải đất thổ cư như quảng cáo, thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Để tăng thêm sự tin tưởng về quy mô của Công ty Alibaba, thu hút khách hàng ký hợp đồng nộp tiền, Luyện đăng ký tên miền www.tapdoandiaocalibaba.com, thuê dịch vụ máy chủ rồi đăng tin quảng cáo gian dối về các dự án bất động sản không có thật.
Hơn nữa, Luyện còn chỉ đạo lập các tài khoản gồm: Tài khoản trên YouTube có tên là “Thời sự Ali24h”, fanpage Facebook có tên là “Địa ốc Alibaba”, các website là www.diaocalibaba.com... cũng với mục đích quảng cáo gian dối về các dự án không có thật để khách hàng tin tưởng đầu tư.
Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng.