Theo đó, thông qua nắm tình hình trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ tháng 4 đến nay), trên địa bàn đã có 27 nạn nhân là người địa phương đã bị lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia để làm việc tại các sòng bạc và bị cưỡng bức lao động.
Trong đó, có 19 trường hợp đã được giải cứu, 4 trường hợp phải nộp tiền theo yêu cầu mới được trả về nước, 4 người còn lại đang bị khống chế, giam giữ trái phép ở Campuchia.
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia.
Cụ thể, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo đến các ngành chức năng trong tỉnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân địa phương biết được thủ đoạn lừa đảo, rủi ro và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia. Kêu gọi người dân tố giác những đối tượng lôi kéo, môi giới, tổ chức người đi xuất cảnh lao động trái phép, mua bán người để ngắn chặn, xử lý.
Ngoài ra, cũng yêu cầu các cấp chính quyền Thanh Hóa vào cuộc kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới trái phép và không để tiếp tục xảy ra việc xuất cảnh đi lao động nước ngoài trái phép.
Đối với Công an tỉnh Thanh Hóa, cần chủ động phát hiện đấu tranh triệt phá các đường dây xuất cảnh trái phép, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia để lừa bán vào các cơ sơ sở đánh bạc trực tuyến.
Các đoàn thể trong tỉnh cần tuyên truyền sâu rộng, để người dân hiểu rõ rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang Campuchia.