Tới ngày 25.9, gần 1.000 cá nhân tố giác Cty Alibaba có hành vi lừa đảo
Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Cty) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc điều hành) đứng ra lập Cty Alibaba và các Cty thành viên. Sau đó, thu gom mua số lượng rất lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân thân cận với Nguyễn Thái Luyện đứng tên.
Cty Alibaba dưới sự chỉ đạo của ông Luyện đã tự vẽ ra 40 “dự án” không có thật tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án,... Nhưng lại được Cty Alibaba bán cho gần 7.000 khách hàng, thu hơn hơn 2.500 tỉ đồng. Các dự án này, Alibaba tổ chức bán cho hàng nghìn khách hàng tham gia mua theo mô hình đa cấp. Những người tham gia mua trước, sau đó đó lôi kéo bạn bè, người thân cùng tham gia vào mua để hưởng lãi suất lên đến 38%. Alibaba đã lấy tiền của người mua sau trả lãi cho người mua trước, cứ thế lượng người mua đất tại Cty Alibaba ngày càng tăng cao theo cấp số nhân. Tính đến ngày 25.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của gần 1.000 cá nhân tố giác Cty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt gần 600 tỉ đồng.
Ngày 24.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Cty CP địa ốc Alibaba) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh thi hành các lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện, 30 tuổi, Tổng Giám đốc Cty Alibaba) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra thực hiện bắt các đối tượng trên theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan cảnh sát điều tra có đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, cầm đầu vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này theo kiểu đa cấp.
Cách thức bán dự án của Alibaba
Theo điều tra của cơ quan chức năng, những lô đất trong các dự án của Cty Alibaba được chia làm 3 đợt bán. Mỗi đợt bán đều phân ra làm 2 loại khách: 1 là khách nhận nền, 2 là khách không nhận nền mà chỉ nhận tiền lãi. Theo đó, khi bán giai đoạn 1, số tiền bán được Cty Alibaba chia theo tỉ lệ 30-70. Nghĩa là 30% sẽ trích ra làm hạ tầng như đường nhựa, điện đường, cây xanh... để chiêu dụ khách hàng sau này. 70% còn lại được tính theo cách phân lô bán nền, mỗi nền đất được chia theo 100m2.
Những người mua giai đoạn 1, được xem là những người tuyến đầu mua đất nền thông qua hình thức góp vốn với giá gốc. Sau khi có hợp đồng góp vốn, người mua giai đoạn 1 có trách nhiệm dẫn dắt người khác vào mua giai đoạn 2 để hưởng lãi suất cao. Khi bán giai đoạn 2, Cty Alibaba sẽ chia theo nguyên tắc 20-80. Theo đó, 20% là khách hàng chọn nhận nền đất và 80% số còn lại chọn nhận lãi suất cao. Ai chọn nhận lãi suất sẽ có thêm điều kiện là nền đất đó được Alibaba toàn quyền sử dụng.
Giá bán đợt 2 là giá gốc đã bán đợt 1 + lãi suất phải trả cho khách hàng mua đợt 1 + 10% chi phí quản lý của Alibaba. Những người mua đợt 2 này đa phần là bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người mua đợt 1. Hay nói một cách dễ hiểu, chính người mua đợt 1 đã dẫn dắt những người mua đợt 2 vào mua để được hưởng lãi suất lên đến 36%/năm (tính theo số tiền hợp đồng của người mua đợt 2).
Cũng là lô đất “ma” trong dự án đấy, Alibaba lại tiếp tục tổ chức bán đợt 3 theo nguyên tắc 30-70. Theo đó, 30% sẽ nhận đất và 70% sẽ nhận mức lãi hấp dẫn lên đến 38%/năm. Giá bán của đợt 3 tương tự như giá bán đợt 2, theo công thức: Giá gốc của đợt 2 + lãi suất trả cho khách mua đợt 2 + 10% chi phí quản lý. Những người mua đợt 3 này đa phần đều là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người mua đợt 2 dẫn dắt vào. Cứ như thế, Alibaba tiếp tục bán đợt 4 và cách thức được lập lại như bán đợt 2 và 3. Với phương thức bán hàng theo kiểu đa cấp lừa đảo này, Alibaba ngày càng thu hút nhiều người tham gia và luôn tăng cao không ngừng theo cấp số nhân.
Đã có gần 1.000 người đến công an tố cáo với số tiền gần 600 tỉ đồng.
Triệu tập Nguyễn Thái Lực - em ruột của Chủ tịch Công ty Alibaba
Mở rộng điều tra vụ án Cty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sáng 25.9 Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã triệu tập Nguyễn Thái Lực (em ruột thứ 2 của ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Cty CP Địa ốc Alibaba). Ông Nguyễn Thái Lực giữ vị trí Giám đốc Cty Địa ốc Xanh (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Cty Địa ốc Long Thành ALI (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai). Đây 2 trong số hơn 20 Cty con do Luyện “đẻ” ra để tham gia mua bất động sản theo kiểu đa cấp.HUÂN CAO
Đồng Nai: Hàng trăm khách hàng mua đất nền dự án “ma” đến công an khai báo
Ngày 25.9, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thống kê đến ngày 24.9, đã có hơn 260 khách hàng mua phải đất nền dự án “ma” của Cty CP địa ốc Alibaba đến Công an Đồng Nai khai báo thông tin. Trong đó, có gần 20 khách hàng đã làm đơn tố cáo Alibaba. Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai đã phân công một tổ công tác riêng để tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc người dân mua phải đất nền “ảo”. Đồng thời, tổ này hướng dẫn những nạn nhân kê khai thiệt hại và cung cấp các hợp đồng, hóa đơn liên quan đến việc mua phải đất nền dự án “ma”.
Theo Công an tỉnh, ngoài việc thành lập 6 chi nhánh và văn phòng tại Đồng Nai (huyện Long Thành 3 điểm và TP.Biên Hòa 3 điểm), Cty CP địa ốc Alibaba còn thành lập 8 Cty con tại Đồng Nai để bán đất nền các dự án “ma” trên địa bàn tỉnh. Hiện Công an tỉnh vẫn tiếp tục kêu gọi các nạn nhân của Cty CP địa ốc Alibaba nên tiếp tục đến trụ sở của PC03 (số 1034, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) để tố cáo.M.C