Với hình dáng thon cao, mái tóc đen dài, khuôn mặt xinh tươi và nụ cười rạng rỡ nhưng ít ai biết cô Tâm đã trải qua biến cố lớn của cuộc đời mình.
Tốt nghiệp ngành sư phạm Toán trường Đại học Đồng Tháp, cô giáo trẻ Nguyễn Minh Tâm nhận công tác về dạy tại Trường THPT Tân Thành, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (huyện biên giới vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp). Những tưởng ước mơ, hoài bão từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học sẽ được thực hiện ở đây nhưng không ngờ biến cố lại ập đến cuộc đời cô như một cơn ác mộng.
Vào ngày cuối tháng 8 năm 2009, trong một lần đi vận động học sinh ra lớp, cô bị tai nạn giao thông. Trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng chân trái của cô vẫn không thể giữ được, từ đó chiếc chân giả trở thành người bạn thân thiết của cô trên mọi nẻo đường. Biết được những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho cô được về dạy gần nhà ở Trường THPT Thiên Hộ Dương tại TP Cao Lãnh.
Dù chỉ còn một chân lành lặn nhưng hằng năm cứ đến kỳ thi THPT thì cô cùng nhóm thiện nguyện đến từng trường thăm hỏi, động viên, chia sẻ những câu chuyện về ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của bản thân nhằm tiếp thêm tinh thần cho các em học sinh trong giai đoạn ôn thi căng thẳng; những câu chuyện tuy rất đời thường nhưng đối với người khuyết tật như cô lại toát lên một vẻ đẹp tâm hồn, nghị lực phấn đấu mạnh mẽ, thật sự làm lay động lòng người.
Ngoài kể những câu chuyện thì chương trình giao lưu, trò chuyện để các học sinh có cơ hội trải lòng về những ước mơ, dự định nghề nghiệp tương lai của mình; bằng những kiến thức hướng nghiệp, cô Tâm chia sẻ với các em những kinh nghiệm quý báu cho việc chuẩn bị hành trang vào đời và không quên gửi đến các em những thông điệp tích cực về cuộc sống tốt đẹp.
Trước khi kết thúc mỗi buổi giao lưu, cô luôn dành chút thời gian để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rồi ân cần đến bên từng học sinh tặng viết chì do chính tay cô và nhóm thiện nguyện quấn những lời chúc tốt lành như một sự gửi gắm tình thương và cầu mong các em luôn bình tĩnh, tự tin, làm bài thi đạt kết quả cao nhất.
Em Trần Ngọc Trinh, học sinh Trường THPT Phú Điền bộc bạch: “Cảm ơn cô người đã cho chúng em thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Nụ cười của cô làm cho em thấy ấm áp, đầy tình yêu thương và hạnh phúc”.
Em Trần Huỳnh, học sinh Trường THPT Cao Lãnh 2 khẳng định buổi trò chuyện của cô Tâm là “tiết chào cờ thời cấp 3 ý nghĩa nhất” và không quên hứa quyết tâm ôn tập thật nghiêm túc, nỗ lực hết mình để tham gia kỳ thi đạt kết quả như mong muốn.
Thầy Nguyễn Ngọc Trí Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Châu Thành 2 chia sẻ: “Không chỉ tạo động lực cho học sinh vững tâm chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn giúp truyền thông giáo dục nhà trường, cô Tâm là tấm gương sáng cho học sinh và mọi người noi theo...”.
Được biết, để đảm bảo nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra khi đến các trường vùng sâu như: Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười... cô Tâm và các thành viên phải thức dậy từ 4 giờ sáng, tự chuẩn bị điểm tâm, khởi hành bằng xe máy với quãng đường hơn 100km, có khi phải đi trong thời tiết mưa, gió, đường sá đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa. Để có được 184 suất học bổng và 3.000 cây viết chì với số tiền hơn 20 triệu đồng trao cho các em, cô Tâm phải nhắn tin, điện thoại, đến kêu gọi từng mạnh thường quân, từng nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ.
Đó là một hành trình gian nan, vất vả, nhưng vì tình thương dành cho các em quá lớn mà cô Tâm đã vượt qua tất cả để truyền cảm hứng, lan tỏa yêu thương đến các em học sinh Đất Sen hồng trước kỳ thi quan trọng của đời mình.