Cơn mưa nặng hạt bất ngờ ập xuống vào chiều ngày 9.12 đúng lúc gia đình làm nghi thức tiễn nhà báo Lê Thanh Nguyên - nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL - như một lời chia tay một người anh cả, một người thầy, một người bạn, không chỉ của tất cả cán bộ, phóng viên Báo Lao Động tại ĐBSCL mà còn của nhiều nhà báo trẻ ở Miền Tây.

Hai mươi hai năm trước, khi ngơ ngác bước chân vào làng báo, bài học đầu tiên mà tôi nhận được chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Lao Động là vậy. Không làm thì thôi, đã làm là phải làm cho tử tế!”.
Nói thì đơn giản là vậy, nhưng càng làm nhân viên của anh nhiều năm, tôi càng thấm dần với 2 từ “tử tế” mà anh muốn nói.
“Tử tế” với anh nghĩa là viết báo thì không được phép sai một dấu chấm, dấu phẩy. Không được phép có 1 câu sai ngữ pháp, không được phép dùng 1 từ không chủ đích. Vì như thế nghĩa là nhà báo không tôn trọng bạn đọc và không tôn trọng cả với tác phẩm của chính mình. Mỗi lần bảo tôi đi viết một bài thì y như rằng anh sẽ bắt đọc đi đọc lại và dành cả ngày để sửa. Với PV và CTV ở xa, sau khi biên tập bài xong, bao giờ anh cũng gọi điện thoại đọc lại toàn bộ bài viết để trao đổi với tác giả.
“Tử tế” với anh nghĩa là sẵn sàng xách xe chạy vài trăm cây số trong mùa lũ, có khi chỉ để phỏng vấn 1 câu, chụp 1 bức hình bổ sung cho bài phóng sự còn đang viết dở. Bởi với anh, không đến tận nơi, không sờ tận tay, không nhìn tận mắt thì không có cảm xúc, không đưa được “hơi thở cuộc sống” vào bài viết đến độc giả.

“Tử tế” với anh nghĩa là bất kể đường sá khó khăn thế nào, tất cả chúng tôi, và dĩ nhiên là cả anh nữa, mỗi người 1 mũi, phải chuyển hàng tấn gạo mỗi chuyến vào tận rốn lũ Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên để trao tận tay cho bà con đang bị vây giữa mênh mông nước.
Là người khai sinh và cũng là người trực tiếp kết nối các đầu mối để 16 năm liên tục lo chỗ trọ miễn phí cho thí sinh nghèo thi đại học tại Cần Thơ, triết lý “phải làm cho tử tế” của anh càng để lớp hậu bối chúng tôi học hỏi. Anh không chỉ lo chỗ trợ miễn phí như mục tiêu của chương trình, mà anh còn lo cả tổ chức xe đón các em từ quê nhà đến Cần Thơ. Anh lo cả cơm hộp, bánh mì, nước uống, chiếu, thuốc men và thậm chí lo đến từng khoanh nhang muỗi để các em ôn bài.
Cuối năm 2020, anh tập hợp một số bài viết tâm đắc của mình để xuất bản tuyển tập phóng sự với tựa đề “Ê, xe lôi…”. Đây là tuyển tập phóng sự đầu tiên của anh chính thức xuất bản sau hơn 15 năm ấp ủ với hàng trăm lần cân - đong - đo - đếm. Từ việc lựa chọn bài viết nào đến việc chọn các bức ảnh làm bìa.
9 năm trước, khi mọi việc sắp xong thì anh bất ngờ lâm trọng bệnh. Mọi việc gác lại. Bẵng đi vài năm, khi sức khỏe cải thiện, anh lại làm mọi thứ từ đầu vẫn với lý do: “Phải làm cho tử tế”. Không ai có thể ngờ, quyển sách đầu tiên cũng là quyển sách cuối cùng của anh được xuất bản.
Anh là vậy, luôn “tử tế” trong mọi phương diện. Từ trong tổ chức công việc, dạy bảo đàn em đến cả “tử tế” trong góc nhìn và đối xử với cuộc sống. Với anh, dù là việc trọng đại hay 1 tiểu tiết nhỏ nhất, khi đã làm là đều phải làm cho thật “tử tế”.
Chiều nay, anh nằm đó trước sự nấc nghẹn và bàng hoàng của tất cả người thân. Chị đặt cạnh tay anh một quyển “Ê, Xe lôi…”. Ảnh bìa được anh chọn đại diện cho sự nghiệp cầm bút của mình là hình ảnh chiếc xe lôi vun vút lao đi trong nền trời xám xịt dưới cơn mưa tầm tã. Bên ngoài trời cũng kéo mây đen mù mịt và bất ngờ trút xuống cơn mưa nặng hạt đúng thời khắc tiễn anh đi.

“Ê, Xe lôi…” 30 năm, đi, sống và viết, đó là tấm lòng, tâm huyết đời người xin được gửi lại… - những dòng cuối cùng anh viết trong tuyển tập duy nhất của sự nghiệp hơn 30 năm làm báo phải chăng là một lời chia tay!
Giờ thì anh đã bước lên chuyến xe lôi của đời mình để ra đi dưới cơn mưa chiều tầm tã nhưng lời căn dặn “Đừng cố làm nhà báo giỏi, hãy làm nhà báo tử tế” mà anh luôn nhắc đi nhắc lại vẫn ở lại với tất cả những đứa em mà không ai có thể quên.