Mỗi khi nhận được thông tin đường sá nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho người đi đường là các lão nông đến khảo sát rồi lên kế hoạch xử lý. Tự nguyện đóng góp tiền của, rồi phân công nhau phụ trách từng khâu công việc để thực hiện vá đường với mong muốn duy nhất là mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông. Tùy tuổi tác và sức khỏe mà các thành viên trong biệt đội phân công công việc hợp tình, hợp lý. Vì thế có cụ đã 80 tuổi như cụ Huỳnh Hữu Kiệt vẫn có thể tham gia đóng góp. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn biệt đội lão nông này đã nghiên cứu, tìm tòi để nấu nhựa vá đường chứ không dùng vật liệu xi măng như nhiều nơi đã làm.
Ông Lê Văn Huyền, đại diện nhóm vá đường từ thiện cho biết: Trước đây cũng từng thực hiện bằng vật liệu bê tông, nhưng sau thời gian nhận thấy vật liệu này có nhiều khuyết điểm, như nhanh bị hư hỏng, và nhất là dễ bị rong rêu bám gây trơn trợt, nguy hiểm cho người tham gia giao thông... nên sau khi hội ý, tập thể nhóm quyết định nghiên cứu cách nấu nhựa để vá đường.
Nói là vậy, nhưng để đạt kết quả là cả chặng đường đầy thách thức với những lão nông chỉ quen tay với cây lúa, dây khoai. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách làm, cuối cùng thành công cũng mỉm cười. Ông Huyền chia sẻ: “Cực so với cách làm xi măng lắm. Để có vật liệu cho đầu giờ sáng, chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để nấu nhựa. Từ đó làm việc đến tận chiều”.
Nhưng bù lại, đường do biệt đội lão nông vá được nhiều người đánh giá cao bởi chất lượng và độ an toàn. Tiếng lành đồn xa. Sau thời gian vá đường trong xã, nhóm được nhiều địa phương ngoài xã “cầu cứu”. Cứ thế, suốt 5 năm qua, những “kỹ sư cầu đường chân đất” đã làm mới, vá hơn 30km đường nông thôn với trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp bà con lưu thông thuận tiện cả 2 mùa mưa nắng. Tuy nhiên điều đáng trân trọng hơn là chính sự dấn thân của những bậc lão nông đã tạo ra sự lan tỏa về hành vi sống đẹp cho người trẻ.
Vì thế mà sau thời gian duy trì, biệt đội lão nông vá đường từ thiện ở xứ Quýt hồng Lai Vung đã có thêm người trẻ tình nguyện tham gia.
Anh Ngô Văn Tý (xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) chia sẻ: Thấy mấy chú, mấy bác làm nhiệt tình, không ngại khó, không ngại cực khổ làm từ thiện chỗ này chỗ kia cho người dân trong xóm đi lại thuận lợi, bản thân tôi rất xúc động. Vì thế dù hoàn cảnh gia đình không cho phép, nhưng mỗi khi tranh thủ được, tôi gia nhập nhóm vá đường từ thiện ngay.
Cùng gói xôi, hộp bánh của bà con xung quanh đoạn đường trao gởi và những tờ giấy khen của nhiều đơn vị dành tặng, chính sự tiếp sức của người trẻ đã tiếp thêm động lực để những lão nông quyết không chịu “hết giờ” để gắn bó với nghiệp mang lại an toàn cho những tuyến đường quê. Vì thế, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tấm lòng, tâm huyết của các lão nông vẫn đẹp long lanh và ngọt thơm, độc đáo như chính vị quýt hồng Lai Vung của Đồng Tháp.