Hành trình ý nghĩa
Bà Nguyễn Trúc Chi (SN 1970) là giám đốc một công ty chuyên tư vấn đào tạo ngành nhà hàng và ăn uống tại TPHCM. Khác với hình ảnh một chuyên gia tư vấn cho hàng trăm học viên là các chủ doanh nghiệp, đối diện tôi là một người phụ nữ bận chiếc áo khoác len trắng, mái tóc muối tiêu, đeo kính cận và trò chuyện khiêm tốn.
Trước đó, bà Chi mở một khóa đào tạo quản trị kinh doanh nhà hàng ở Đà Nẵng từ ngày 23-27.7. Ngày cuối cùng của khóa học là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, bà Chi đành ở lại thành phố.
Với những vị khách mắc kẹt lại ở Đà Nẵng như bà Chi, mọi người sẽ có nhiều sự lựa chọn như lên một chuyến bay về quê nhà và được đưa vào cách ly 14 ngày hoặc ở nhờ một người quen tại Đà Nẵng… Nhưng riêng bà Chi, những ngày ở Đà Nẵng là quãng thời gian ý nghĩa. Ngay khi thành phố ban hành lệnh cách ly, bà đã chủ động liên lạc với các chủ những nhà hàng ở Đà Nẵng rồi chia sẻ về ý tưởng thành lập một nhóm từ thiện chuyên cung cấp thức ăn cho các khu vực tuyến đầu chống dịch. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Danang Kitchen chính thức hoạt động từ ngày 1.8 đến nay.
Làm từ thiện nhưng muốn dài hơi, người thành lập nhóm Danang Kitchen đã chuẩn bị một kế hoạch bài bản và huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ. Cụ thể, bà Chi lên một quy trình cung ứng dành riêng cho Danang Kitchen mà ở đó, mỗi khâu cung ứng đều có một chủ doanh nghiệp, một người nhận trách nhiệm.
“Ở các khâu như lựa chọn vùng nguyên liệu, điểm tập kết, nhập hàng, điểm giao và sản xuất… đều có một người nhận trách nhiệm phụ trách. Ban đầu có một chút chuệch choạc nhưng theo thời gian, các chuỗi cung ứng đều hoạt động trơn tru và hiệu quả” - bà Chi chia sẻ.
Chung tay cùng thành phố chống dịch
Mỗi ngày, Danang Kitchen sẽ nhận thông báo về số lượng hộp cơm, địa điểm nhận cơm ở các điểm từ Sở Y tế Đà Nẵng công bố. Sau đó, ban điều hành phân bổ số lượng suất cơm phải nấu tại các bếp. Đến nay, nhóm đã cung cấp hàng vạn suất ăn để chuyển đến những người đang chống dịch ở tuyến đầu” - bà Chi cho biết.
Để vận hành một nhóm từ thiện với hàng chục chủ nhà hàng, doanh nghiệp và hàng trăm tình nguyện viên là một điều không phải dễ. Nhất là khi công việc từ thiện làm không khéo có thể gây phản ứng ngược, gây phản cảm dư luận. Chính vì thế, trong các cuộc trao đổi của ban điều hành, bà Chi thường quan niệm, làm việc cùng nhóm Danang Kitchen, mỗi tình nguyện viên, mỗi chủ doanh nghiệp cần có một cái tâm, có một tình yêu với thành phố biển Đà Nẵng. Có như thế, nhóm mới hoạt động bền vững và nhận được sự tin tưởng của xã hội.
Một điều đặc biệt là qua việc vận hành nhóm từ thiện theo một kế hoạch bài bản, có chuỗi cung ứng, mỗi người tham gia Danang Kitchen có thể học hỏi những kiến thức về quản trị, điều hành doanh nghiệp trong thực tế... Được sự ủng hộ của mọi người, Ban điều hành Danang Kitchen mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các suất cơm cùng TP.Đà Nẵng cho đến khi nào dịch bệnh kết thúc.