3 học sinh dũng cảm
Mỗi tuần tầm 3 lần, vào buổi chiều 3 em Trần Viết Tôn, Bùi Trường Giang và Nguyễn Vĩnh An (cùng 14 tuổi, trú tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, học sinh lớp 8 Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Gio Hải số 1) cùng nhau chạy thể dục từ Gio Hải về bãi tắm Cửa Việt. Vào chiều ngày 3.4, 3 em ngồi nghỉ tại bãi tắm Cửa Việt sau khi chạy một quãng đường từ nhà đến đây thì thấy 2 học sinh nữ được một nam sinh tên Đạt kéo vào bờ trong tình trạng mặt tái mét. Đưa được 2 bạn nữ vào bờ, Đạt tiếp tục bơi ra để cứu các bạn khác.
“Ai biết bơi cứu bạn cháu với” – nghe một nữ sinh nói, nhóm của Tôn nhìn ra phía biển cách bờ khoảng 15 mét, thì thấy nhiều cánh tay chấp chới, kêu cứu.
Trên bờ lúc đó có nhiều du khách, nhưng hình như không ai biết bơi. Không kịp cởi áo quần, Tôn, An và Giang lao ngay ra biển, bơi nhanh về phía nhóm người đang bị đuối nước. Tôn tiếp cận được một người, thì bị người này ôm chặt, ghì xuống nước. Em lặp lại nhiều lần bên tai “thả ra rồi em kéo anh vào”. Một lúc, người này thả lỏng, nhờ vậy, Tôn cùng An và Giang kéo được 2 người vào bờ.
Vào đến bờ, 3 em đang thở dốc, thì thấy Đạt ngửa người, đuối sức trong lúc đang tìm cách cứu nam sinh trong nhóm gặp nạn. Thấy trên bờ có miếng xốp lớn, Tôn chạy đến lấy, rồi cùng An bơi ra biển lần 2 để cứu Đạt. Tiếp cận được Đạt, 2 em không kéo bơi ngược vào bờ, mà bơi ngang sang cồn cát ở cạnh đó. Tiếp đó, 2 em tiếp tục quay lại hiện trường để lặn tìm người còn lại, nhưng sau 15 phút không có kết quả, các em buộc phải quay vào bờ. Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy nam sinh xấu số, khi em đã tử vong.
Kinh nghiệm, kỹ năng và cả may mắn
Sau khi tham gia cứu được 3 trong số nhóm 6 người bị đuối nước, Tôn run bần bật, người lạnh. An và Giang lập tức đào hố trên cát, vùi Tôn vào đó để giữ ấm người. Khi ổn định thân nhiệt, cả 3 đi bộ về nhà. Các em xin mẹ 20 nghìn đồng, mua gói bánh và nén nhang, đi ra lại bờ biển để theo dõi quá trình tìm kiếm nam sinh xấu số.
Tôn cho biết, lúc học lớp 1, em cùng bạn ra biển tắm thì bị đuối nước. Tôn được một ngư dân cứu lên bờ, rồi được chú bộ đội hô hấp nhân tạo, đào hố cát vùi xuống nên em mới sống sót. Lên đến lớp 5, Tôn, An và Giang lại ra biển, được mọi người bày nên cả 3 học bơi rất nhanh, bây giờ có thể bơi xa bờ vài trăm mét. “Nhờ học hỏi kinh nghiệm của chú bộ đội và người lớn, nên tụi em mới biết đào hố để ổn định thân nhiệt và cách trấn an người đuối nước” – Tôn nói.
Hỏi, thì cả 3 em đều trả lời, lúc bơi ra biển cứu người là bản năng, không có chút sợ sệt, nhưng sau khi cứu rồi, nghĩ lại thì “hơi sợ”. Bởi vùng biển đó nước sâu khoảng 7 mét, người đuối nước khi được ứng cứu thường mất bình tĩnh, hay ghì chặt lấy người cứu nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Biết tin 3 học sinh của trường dũng cảm tham gia ứng cứu người đuối nước, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Gio Hải số 1 đã làm văn bản gửi các cấp. Trong sáng 7.4, UBND huyện Gio Linh, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện Đoàn Gio Linh và nhà trường đã làm lễ tuyên dương, trao thưởng và động viên các em.
Ông Nguyễn Văn Nghệ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh nói rằng, bản thân ông cũng như ngành giáo dục tự hào về hành động dũng cảm của các em. “Chúng tôi sẽ nêu gương, đẩy mạnh tuyên truyền về tấm gương các em. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tổ chức các lớp luyện kỹ năng bơi cho học sinh cũng như đưa ra các khuyến cáo để tránh tình trạng đuối nước đáng tiếc” – ông Nguyễn Văn Nghệ, cho biết.
Còn ông Ngô Văn Phước – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Gio Hải số 1 nhấn mạnh, việc 3 học sinh của trường cứu người đuối nước là hành động dũng cảm. Quá trình tuyên dương hành động dũng cảm của các em, nhà trường cũng lưu ý rằng, đây là việc làm tốt, ngoài kỹ năng, kinh nghiệm thì việc cứu được người còn có yếu tố may mắn, nên phải hết sức thận trọng.