15 năm chở hàng miễn phí cho các bếp ăn từ thiện

NGUYỄN TRI |

15 năm qua, dù mưa hay nắng, anh Trần Quốc Việt (sinh năm 1970, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy để chở miễn phí rau củ quả mà các tiểu thương gửi tặng đến những ngôi chùa và bếp ăn từ thiện.

Đội nắng, đội mưa thồ hàng miễn phí

4h sáng, khi những con phố ở TP.Cần Thơ còn vắng lặng dưới ánh đèn vàng leo lét, anh Việt bắt đầu một ngày làm việc mới. Lịch trình của anh rất đơn giản: Chạy xe máy ra chợ Tân An (quận Ninh Kiều) chở rau củ quả của tiểu thương chợ này tặng đến các ngôi chùa, bếp ăn từ thiện ở TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và có khi là tỉnh Vĩnh Long.

Công việc này, anh làm đã 15 năm nay. Các tiểu thương ở chợ Tân An, ai cũng quen mặt anh Việt. Đang tất bật dọn hàng, nhưng thấy xe máy của anh Việt chạy tới, chị Phùng Kim Thảo (45 tuổi, tiểu thương ở chợ Tân An) liền nghỉ tay, rồi chỉ tay vào 1 góc sạp hàng toàn những túi nylon chứa đầy bí đao, bầu, đậu cô ve... đã chuẩn bị sẵn. “Ban đầu, tôi không biết anh Việt gom đồ đi làm từ thiện. Sau này biết rồi, tôi bắt đầu gom những thứ bán không hết, rồi có khi tự bỏ tiền ra mua thêm để anh Việt chở đi làm từ thiện” - chị Thảo nói.

Vừa chuyện phiếm mấy câu, anh Việt vừa nhanh tay bốc hàng lên chiếc giỏ buộc sau xe máy. Không ngơi tay, anh Việt di chuyển sang quầy hàng khác để tiếp tục thu gom rau củ.

Chị Lê Mậu (tiểu thương ở chợ Tân An) cho hay: “Anh Việt chăm lắm, hầu như không ngày nào nghỉ. Chợ họp chỉ đến 6h là vãn nên ngày nào anh cũng phải đến sớm để gom đồ. Lúc đầu, bà con chưa biết, anh đến xin từng quầy. Sau mọi người biết anh làm việc nghĩa, ai cho gì là tự động gói vào rồi anh ghé mang đi thôi”.

“Vác tù và” tới khi nào còn đủ sức

Chỉ một lúc, các giỏ xách trên xe anh Việt đã đầy. Sau khi rời chợ Tân An, anh Việt phóng xe đến chùa Phước Long (quận Cái Răng), rồi đến thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. “Vì hẹn với người ta rồi nên tôi phải đúng giờ, dù mưa hay nắng. Khi chở đồ đến các chùa hay bếp ăn từ thiện, thấy được niềm vui của mọi người, đó là động lực của mình để tiếp tục công việc” - anh Việt chia sẻ.

Ngoài ra, vào cuối tuần rảnh rỗi, anh Việt lại tham gia nấu cơm, cháo miễn phí cho người nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. “Cũng nhờ anh Việt nên bếp ăn có thêm gạo, thực phẩm để phát cho mọi người” - bà Nguyễn Thị Nuôi (64 tuổi, bếp trưởng bếp ăn từ thiện ở tỉnh Vĩnh Long) cho biết.

Thông thường, công việc chở thực phẩm miễn phí của anh Việt kết vào lúc 8h sáng. Sau khi về nhà nghỉ ngơi, anh lại chạy xe đến ngôi chùa nằm trên đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều) để dọn dẹp vệ sinh và giữ xe cho các phật tử đến chùa vào những buổi chiều tối.

“Một ngày của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng đến khoảng 20 giờ. Ngoài chở rau củ quả miễn phí, tôi còn chạy xe ôm, giá cả thì họ ưng trả bao nhiêu thì trả” - anh Việt tươi cười cho hay.

Nói về cơ duyên chạy xe vận chuyển thực phẩm miễn phí, anh Việt nhớ lại, hơn 10 năm trước, anh bị tai biến rồi may mắn được chữa trị khỏi. Bác sĩ nói anh không được làm việc nặng. Trong khoảng thời gian đó, anh bị stress khi không làm gì ra tiền. Sau đó, anh vào chùa nghe các sư thầy khuyên giảng, rồi xin làm công quả tại chùa.

Cũng từ đây, anh biết được một số phật tử là tiểu thương ở chợ Tân An muốn gửi tặng đồ đến các chùa nhưng không có người chở. Từ đó, anh quyết định giúp đỡ các tiểu thương chở rau củ quả miễn phí đến những ngôi chùa và bếp ăn từ thiện. Rồi cái nghiệp đó gắn bó với anh đến tận bây giờ.

“Trên đường chở thực phẩm, chuyện xe hỏng, thủng lốp phải dắt bộ là bình thường. Có lần, tôi chở đồ qua Vĩnh Long vì đường trơn nên bị ngã, thế là cả xe lẫn đồ nằm đè lên người...” - anh Việt nhớ lại.

Dù tuổi tác không còn trẻ và mang bệnh trong người, nhưng mỗi ngày, anh Việt vẫn đều đặn làm công việc “vác tù và” của mình. Anh Việt nói rằng, anh sẽ tiếp tục làm việc đến khi nào sức khỏe không cho phép. Vì với anh, việc góp chút sức để những người khó có thêm bữa cơm khiến cuộc sống của anh ý nghĩa, vui vẻ hơn.

NGUYỄN TRI
TIN LIÊN QUAN

Lớp khiêu vũ đặc biệt cho người khiếm thị

Phạm Đông |

7 tháng qua, những người khiếm thị đã cùng nhau chia sẻ một niềm vui đặc biệt trong một lớp nhảy miễn phí tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lớp học nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên, thậm chí nhiều học viên còn đạt giải cao trong cuộc thi nhảy.

Người tiếp sức cho những cử nhân nghèo thành Phó giáo sư, tiến sĩ

Lục Tùng |

Không chỉ có tầm nhìn về tiềm năng con người, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) còn táo bạo xây dựng cơ chế tài chính giúp giảng viên có thêm điều kiện hoàn thành chương trình sau đại học. Chính điều này đã giúp cho nhiều con em nông dân trở thành nhà khoa học.

“Bà tiên” giữa đời thường ở thành phố biển

NGUYÊN ANH |

Ở cái tuổi 71, đáng ra bà Xuân đã an dưỡng tuổi già bên con cháu, thế nhưng mọi việc lớn nhỏ ở địa phương, nơi nào có người cần bà đều có mặt.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Lớp khiêu vũ đặc biệt cho người khiếm thị

Phạm Đông |

7 tháng qua, những người khiếm thị đã cùng nhau chia sẻ một niềm vui đặc biệt trong một lớp nhảy miễn phí tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lớp học nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên, thậm chí nhiều học viên còn đạt giải cao trong cuộc thi nhảy.

Người tiếp sức cho những cử nhân nghèo thành Phó giáo sư, tiến sĩ

Lục Tùng |

Không chỉ có tầm nhìn về tiềm năng con người, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) còn táo bạo xây dựng cơ chế tài chính giúp giảng viên có thêm điều kiện hoàn thành chương trình sau đại học. Chính điều này đã giúp cho nhiều con em nông dân trở thành nhà khoa học.

“Bà tiên” giữa đời thường ở thành phố biển

NGUYÊN ANH |

Ở cái tuổi 71, đáng ra bà Xuân đã an dưỡng tuổi già bên con cháu, thế nhưng mọi việc lớn nhỏ ở địa phương, nơi nào có người cần bà đều có mặt.