Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục Xanh (từ năm 2015), cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc VQG Cát Tiên đạt danh hiệu này đã đánh dấu một bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
“Sự công nhận này thể hiện cam kết của chúng tôi trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam” - ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên chia sẻ.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên cũng như 20 khu vực dự án khác điều tra đa dạng sinh học với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ các KBT ở Việt Nam tham gia tiến trình đánh giá Danh lục Xanh của IUCN. VQG Cát Tiên và các KBT thuộc dự án được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này bao gồm VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu Dự trữ Thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, và VQG Bidoup - Núi Bà.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam chia sẻ: “Danh lục Xanh đề ra những tiêu chí khắt khe nhất để đánh giá các hoạt động bảo tồn và công tác quản lý các KBT. Do vậy, việc tuân thủ những tiêu chí này sẽ giúp các KBT đo lường tiến độ và tác động của các hoạt động, từ đó xác định được các ưu tiên bảo tồn trong tương lai. Với sự hỗ trợ từ Dự án, do USAID tài trợ, thực hiện bởi WWF-Việt Nam, các KBT tại Việt Nam có thể nâng cao chất lượng quản lý nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế”.
Ông Jake Brunner, giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu sông Mekong nhìn nhận, việc đạt được chứng nhận Danh lục Xanh không chỉ là theo đuổi một danh hiệu mà thể hiện sự cam kết lâu dài và kiên trì. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao tiêu chuẩn quản lý các Khu bảo tồn.
Về Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án do Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) là chủ dự án, được thực hiện từ tháng 07.2021 - 06.2026.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học được thực hiện bởi WWF- Hoa Kỳ và các đối tác khác như: WWF-Việt Nam, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Viện Nghiên cứu Động vật Leibniz, Re:wild, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Fauna & Flora.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần (THP): THP6: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; THP7: Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; THP8: Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; THP9: Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu nhằm xác định các Khu Bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công.
Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh đảm bảo, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng bộ 17 tiêu chí toàn cầu, được đánh giá bằng 50 chỉ số bao trùm bốn hợp phần gồm quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công.