Nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 50 vị trí nguy cơ sạt lở. Trong đó có 37 vị trí sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và 13 vị trí sạt lở bình thường.
Theo đó, tại vị trí kênh Tàu Hủ - Lò Gốm (đoạn trước kho 227-289 Bến Bình Đông, quận 8), kè cũ dễ sạt lở hơn bốn năm qua vẫn chưa được khắc phục do vướng đường dây điện.
Ngoài ra, quận 8 còn có hai vị trí là tại rạch Bà Tàng và phía trước đình Rạch Cát, thuộc công trình đê bao tường chắn ngăn triều qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, cần duy tu, sửa chữa.
Tương tự, tại huyện Hóc Môn, ở ví trí gói thầu 4A của dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn đã sạt lở 1/3 đoạn đê bao và nguy cơ tiếp tục lấn sâu vào bên trong gây bể bờ bao (khu vực này có diện tích 69 ha với 726 hộ dân).
Tại quận 12, hàng chục vị trí ở các tuyến bờ bao nội đồng phục vụ mục tiêu phòng, chống triều cường với hiện trạng đang xuống cấp, nguy cơ sạt lở, tràn bờ khi triều cường dâng cao.
Theo ghi nhận của PV Lao Động, thời điểm triều cường dâng từ đầu giờ chiều, tại nhiều tuyến đường ở TPHCM xảy ra tình trạng ngập nặng như: Đường Mễ Cốc (quận 8), đường Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thị Thập, Mai Văn Vĩnh (quận 7). Có những đoạn bị ngập sâu khoảng 40-50cm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, buôn bán của người dân.
Đề phòng nguy cơ vỡ bờ bao
Đáng chú ý, tối ngày 30.9, một đoạn bờ bao trên đường Mễ Cốc (phường 15, quận 8) bị vỡ đã khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân được cho là do triều cường vượt đỉnh lịch sử và quá trình thi công ép cọc dự án cải thiện môi trường nước TP.Hồ Chí Minh giai đoạn hai gây ra. Quá trình thi công đã gây rung chấn, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật công trình. Tuy mới chỉ vỡ một đoạn bờ bao nhưng đã khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Trực - Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với các vị trí xung yếu thành phố đã gia cố, đắp đất, dùng bao cát. Còn những nơi cần bê tông hóa thì phải báo cáo cơ quan chức năng xin đề xuất triển khai dự án.
Ông Nguyễn Văn Trực cho biết thêm, việc gia cố bờ bao xung yếu có nhiều yếu tố tác động cần lưu tâm như biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, thành phố đang lún để có các giải pháp phù hợp. Vấn đề tài chính và các quy định hiện hành cũng là một trong những điều cần lưu ý. Khi gia cố một vị trí thì chi phí có khi chỉ một tỉ đồng nhưng phải triển khai rất nhiều việc.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cho rằng, ngoài các bờ bao thì các kè lớn ở các sông cũng đang được thành phố triển khai xây dựng như kè ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (đang xây dựng), các dự án kè ở bờ hữu, bờ tả sông Sài Gòn.