Theo dấu cánh chim trời

Tùy bút của Vĩnh Quyền |

Ngày cuối năm. Máy ảnh lens dài trên tay, đội mũ vải rộng vành, khoác tấm choàng ngụy trang cây cỏ, mang ủng da, một mình thả bước vào biển sương trắng rừng sim đỉnh Sơn Trà, bật ghi âm giọng hót loài oanh họng đỏ xứ tuyết Siberia xa xôi, để rồi khựng người, hạnh phúc bốc ngụt trời, khi bất đồ đâu đấy cất lên tiếng hót hồi đáp mang ý nghĩa “em trở lại rồi nhé”.
Ảnh: Vĩnh Quyền
Ảnh: Vĩnh Quyền

Một tiếng chim lẻ thôi, đủ báo hiệu khởi mùa săn ảnh chim thiên di quyến rũ. Khoảnh khắc ấy tôi thấy mình choáng, khác nào vừa nốc ngụm rượu mạnh thơm.

Tiếng hót mồi tiếp tục phát huy hiệu quả: Hơn cả mong đợi, một cánh chim tìm bạn vù đỗ trên cành cây trước mặt, cách chừng năm mét, cổ “đeo” khánh ngọc màu đỏ không lẫn được, đúng như tên trong tiếng Anh: Siberian Ruby-throated Robin. Có thể gọi đây là cuộc “tái ngộ”, bởi “chúng tôi” từng gặp, làm quen từ năm 2018, rồi 2019, tất nhiên đều vào tiết cuối đông đầu xuân, mùa chim phương bắc tìm về phương nam sưởi ấm.

Từ khi được biết chim oanh họng đỏ bé bằng ba ngón tay kia phải bay giáp vòng rừng Taiga Siberia - rừng Sơn Trà Việt Nam mất 12 tuần lễ, biết rằng cái mỏ chúm chím của nó chứa tế bào giàu chất sắt sản sinh giác quan định vị, và mắt của nó sở hữu protein cryptochrome nhạy sáng có thể “đọc” từ trường trái đất, để giúp nó định hướng cung đường bay khứ hồi trên 10.000 cây số, đến đúng nơi đất khách đã chọn, và về đúng ngay chiếc tổ ở quê nhà, thì với tôi, nó không chỉ là “chim chóc”, mà là “thượng khách”.

* * *

Phố biển tôi, Đà Nẵng, là trung tâm những ngọn núi nhiều người biết đến: Non Nước-Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Hải Vân, Sơn Trà. Những danh sơn thắng cảnh này kết tạo một không gian sống đủ mênh mông cho loài chim sải cánh. Và với chim trời, đối tượng không bị ràng buộc bởi khái niệm địa hành chính, thì sinh cảnh ấy có thể mở rộng đến Cù Lao Chàm của Quảng Nam và Bạch Mã của Thừa Thiên Huế.

Trong số đó, Sơn Trà là cánh rừng thú vị nhất đối với tôi, bởi nó gần như nằm trong lòng phố, lại dầm chân xuống biển, mở tầm mắt đại dương. Ở đó tôi biết thế nào là thở thật sự với lá phổi rừng xanh bốn mùa. Ở đó tôi nghiệm ra từ thuở hồng hoang rừng và biển đã biết gối vào nhau để tôn vinh vẻ đẹp của nhau và của cả hành tinh này.

Ảnh: Vĩnh Quyền
Ảnh: Vĩnh Quyền

Ngoài cái đẹp tự nhiên, yếu tố rừng biển phối hợp còn kiến tạo vùng sinh cảnh tuyệt vời cho thảm thực vật nguyên sinh và 287 loài động vật thường trú ở Sơn Trà. Với trên một nghìn cá thế voọc vá chân nâu năm màu được các nhà động vật học xưng tụng “Nữ hoàng linh trưởng”, Sơn Trà trở thành một “thực địa” thu hút giới nghiên cứu lâm sinh. Tiến sĩ Benjamin Rawson, Giám đốc bảo tồn của tổ chức WWF tại Việt Nam đã đúc kết giá trị cánh rừng nơi phố biển này chỉ trong một câu ngắn gọn: “Son Tra is a unique place in the world.” (Sơn Trà là một nơi độc đáo trên thế giới). Và tất nhiên, đó cũng là “sân chơi đỉnh cao” cho những ai yêu thích nhiếp ảnh động vật hoang dã.

Tiểu vùng khí hậu mang tính ưu đãi của Sơn Trà góp phần thu hút sự lựa chọn dừng chân của những cánh chim thiên di, chủ yếu khu vực Bắc Á. Theo số liệu khảo sát của tổ chức Green Việt, ngoài 80 loài chim định cư, Sơn Trà hàng năm đón 30 loài chim di trú, chưa kể 20 loài chim vừa có quần thể định cư vừa có quần thể di trú.

Chỉ cần 30 phút xe máy từ trung tâm Đà Nẵng tới đỉnh Sơn Trà 700 mét cao so với mặt biển, nên đôi khi tôi nghĩ đến Sơn Trà như nghĩ đến “vườn địa đàng” của mình hơn là ngọn núi, cánh rừng, hoặc khái niệm hành chính: khu bảo tồn tự nhiên.

* * *

Tôi đã thõng tay vào rừng với mục đích duy nhất: nghỉ. Tôi tin chỉ có rừng mới giúp tôi, nếu chưa “cai” hẳn thì cũng “giãn cách” được cái màn hình vi tính, thời sự và tiểu thuyết, những thứ tôi miệt mài bao năm đến kiệt sức. Nhưng rồi “chạy trời không khỏi nắng”, dù đã vào rừng ẩn dật, những đam mê “truyền thống” còn nguyên đó, trong khi tự rước vào thân sở thích mới: nhiếp ảnh động vật hoang dã.

Máy ảnh lại trên tay như thời đó đây viết phóng sự. Bước đầu tôi chụp ảnh voọc vá chân nâu, nói theo giọng tự trào của các tay máy thâm niên ở Sơn Trà là bị “voọc hành”. Sáu tháng sau tôi nhiễm thêm món “chim hành”. Tôi chụp linh tinh, từ những loài chim quê như cò, trảu, hút mật, vành khuyên đến các loài chim thiên di được trông thấy lần đầu.

Ảnh: Vĩnh Quyền
Ảnh: Vĩnh Quyền

Sẽ nhớ mãi chim oanh mặt đỏ đến từ bắc Nhật Bản. Sự xuất hiện đơn lẻ của loài chim cực hiếm này sau hơn mười năm không trở lại Việt Nam trú đông đã thật sự gây chấn động giới birder cả nước. Những tay máy chuyên nghiệp từ Hà Nội, Sài Gòn lập tức có mặt tại Sơn Trà. Như những tay súng bắn tỉa, chúng tôi nấp sau mô đá, gốc cây, hoặc trong lều ngụy trang, hướng ống kính tele về điểm có khả năng chim sẽ xuất hiện, căng thẳng chờ đợi. Một, hai, rồi ba tiếng đồng hồ lặng lẽ trôi qua… Đã có người bắt đầu nản, nhưng đội hình được sốc lại ngay khi ai đó thì thầm: “Lỡ cơ hội này, có thể phải mười năm sau mới gặp lại nó”. Không nói ra, nhưng những người cùng lứa “cổ lai hy” như tôi nghĩ tiếp: “Biết đâu lúc đó mình đã hóa chim…”.

* * *

Hơn hai năm dõi theo đường bay của chim trời đã lưu trong tôi bao kỷ niệm đẹp. Và cuộc chơi ngày càng vui với bạn bè cùng sở thích: từ chụp ảnh chim đậu, đến “chim thì phải hót” (hé mỏ), “chim phải có mồi” (mỏ ngậm trái cây, cá, tôm, nhái, thậm chí tắc kè, rắn…) và khó hơn: “chim thì phải bay”, “vừa bay vừa săn mồi”, rồi đến cả “chim thì cũng biết yêu”…

Nói “chạy trời không khỏi nắng” thật không ngoa. Ngày phơi ngoài nội cỏ, đêm cắm mặt trước máy tính làm hậu kỳ, dần nghĩ đến chuyện viết bài cho các báo, để rồi quyết thực hiện một dự án tương đối khó: Sách song ngữ Việt-Anh Sơn Trà - Rừng trong phố biển / Son Tra – Forest in the coastal city, gồm mươi bài bút ký đường rừng và 90 ảnh minh họa, 150 trang khổ 24x29cm, đã xuất bản cuối năm 2019.

Vui là chính.

Tùy bút của Vĩnh Quyền
TIN LIÊN QUAN

Bắt giữ, thả cá thể khỉ vàng về Sơn Trà

THUỲ TRANG |

Ngày 15.1, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết vừa bắt giữ 1 cá thể khỉ vàng ở khu dân cư để tái thả về tự nhiên.

Khỉ vàng và dự báo tác hại cho thiên nhiên Sơn Trà

Trung Hiếu - Bùi Văn Tuấn |

Du khách đang làm loài khỉ vàng Sơn Trà - Đà Nẵng thay đổi tập tính kiếm ăn và mang lại tác hại khó lường cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Nhiếp ảnh gia mê cứu hộ khỉ Sơn Trà

Mai Hương - Thuỳ Trang |

Từ những nhiếp ảnh gia yêu thích chụp động vật nhưng lỡ “quấn quít” với đàn khỉ ở Sơn Trà từ năm này qua tháng nọ nên thấy những con vật bị thương, bị tai nạn đến cụt chân, cụt tay đầy đau đớn, chị Nguyễn Bình An và anh Nguyễn Công Hưng đã lập nhóm tình nguyện cứu hộ khỉ.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Bắt giữ, thả cá thể khỉ vàng về Sơn Trà

THUỲ TRANG |

Ngày 15.1, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết vừa bắt giữ 1 cá thể khỉ vàng ở khu dân cư để tái thả về tự nhiên.

Khỉ vàng và dự báo tác hại cho thiên nhiên Sơn Trà

Trung Hiếu - Bùi Văn Tuấn |

Du khách đang làm loài khỉ vàng Sơn Trà - Đà Nẵng thay đổi tập tính kiếm ăn và mang lại tác hại khó lường cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Nhiếp ảnh gia mê cứu hộ khỉ Sơn Trà

Mai Hương - Thuỳ Trang |

Từ những nhiếp ảnh gia yêu thích chụp động vật nhưng lỡ “quấn quít” với đàn khỉ ở Sơn Trà từ năm này qua tháng nọ nên thấy những con vật bị thương, bị tai nạn đến cụt chân, cụt tay đầy đau đớn, chị Nguyễn Bình An và anh Nguyễn Công Hưng đã lập nhóm tình nguyện cứu hộ khỉ.