Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nay 100% các xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên hầu hết các xã này đều không có bãi tập kết, xử lý rác thải theo quy định. Có những nơi rác thải sinh hoạt được người dân vứt tràn lan ra đường, hoặc tập kết ở những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, môi trường nước ngầm...
Cụ thể, tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình mỗi ngày có khoảng 10m3 rác thải sinh hoạt được thải ra, trong khi đó bãi rác lộ thiên của xã đã phải đóng cửa vì không đảm bảo theo quy định.
Toàn bộ lượng rác thải của xã được thu gom, vận chuyển vào Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) 3 lần/tuần. Trong khi đó, nguồn kinh phí để phục vụ cho việc thu gom, xử lý rác thải của xã rất eo hẹp.
Ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc HTX điện nước và môi trường xã Khánh Phú cho biết, hiện lượng rác thải sinh hoạt mỗi tháng của xã là khoảng trên 300m3, với lượng rác như vậy mà vận chuyển vào Nhà máy xử lý rác thải trong Tam Điệp thì mất khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó mức thu tiền rác như hiện nay là 6.000 đồng/khẩu/tháng thì mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
"Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác thu gom xử lý rác thải vệ sinh môi trường tại xã Khánh Phú đó là, ngoài việc xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày thì còn phải xử lý lượng rác thải tồn đọng tại bãi rác lộ thiên của xã. Bãi rác này đã dừng hoạt động nhưng lượng rác thải còn tồn đọng ở đây vẫn chưa được xử lý đã gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt sản xuất của người dân xung quanh" - ông Hưng cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, trong 3 năm (2021-2023) huyện đã bố trí 23,6 tỉ đồng ngân sách huyện, xã để vận chuyển rác thải tồn đọng tại các bãi rác đã đóng cửa. Hiện chỉ còn xã Khánh Phú còn khoảng 1.300m3 rác thải tại bãi rác lộ thiên của xã đã đóng cửa nhưng chưa vận chuyển đi được. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo xã Khánh Phú bố trí kinh phí vận chuyển 100% lượng rác thải tại bãi rác đã đóng cửa theo quy định.
Tương tự, tại xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), hiện trên địa bàn xã vẫn chưa có bãi chôn lấp hay bãi tập kết rác tập trung nên người dân cứ tiện đâu thì đổ đấy. Việc xử lý rác thải hiện nay được UBND xã ký hợp đồng với một đơn vị để thu gom rác thải sinh hoạt mỗi tuần 1 lần, sau đấy vận chuyển đi nơi khác để xử lý.
"Vì lượng rác thải quá nhiều trong khi một tuần, đơn vị xử lý rác thải mới thu gom một lần nên lượng rác thải ùn ứ nhiều. Hiện nay nếu đầu tư xây dựng một bãi tập kết rác thải theo đúng quy định, nằm xa khu dân cư thì kinh phí rất lớn, xã chưa có khả năng để đầu tư" - đại diện lãnh đạo xã Gia Tiến cho hay.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh Ninh Bình có 35 bãi rác lộ thiên đã được đóng cửa theo quy định. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tận dụng làm điểm thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường.
"Hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do giá dịch vụ thu gom rác thải còn thấp. Tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các địa bàn giáp ranh vẫn còn khá phổ biến" - ông Thắng cho hay.
UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85% và xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025.