Trong các chất ô nhiễm đó, chất ô nhiễm PM2.5 có tác động cao nhất về tỷ lệ tử vong, với tổng số tử vong là 1.136, tiếp theo là NO2 với 172 trường hợp và 89 trường hợp bằng SO2.
Đó là thông tin được PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ tại Hội thảo "Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TPHCM (Healthy Air 2022)" chiều 8.6.
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của TPHCM năm 2019 là 58.272.149 tấn CO2eq/năm. Chỉ riêng giao thông đường bộ chiếm 13.484.958 tấn CO2eq/năm. Trong đó, xe máy đóng góp cao nhất (63%) phát thải KNK. Còn lĩnh vực công nghiệp chiếm 17.612.942 tấn CO2eq /năm.
Theo báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (EPI), do tổ chức môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam là 1 trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á. Hà Nội và TPHCM là hai thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất. PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan, chuyên gia hô hấp Đại học Y dược TPHCM, cũng thừa nhận, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, 92% người tử vong ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
"Lần đầu tiên, hướng dẫn quản lý Hen toàn cầu - 2021, cảnh báo ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông làm tăng thêm 4 triệu ca hen mới: chiếm 13% tỉ lệ toàn cầu, đặc biệt là do NO2 và SO2 và PM2.5", bà Lan nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí tại TPHCM và những hậu quả của nó rất nặng nề. Ngoài những biện pháp căn cơ của chính quyền, các bác sĩ cần thông tin về chất lượng không khí mỗi ngày ở 21 quận huyện và TP.Thủ Đức để xây dựng một ứng dụng cảnh báo trên điện thoại cho bệnh nhân.
Đề xuất giải pháp kiềm chế khí thải, PGS. TS Đoàn Thị Phương Diệp, trường Đại Học Kinh tế Luật - ĐHQG TPHCM kiến nghị, cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho việc sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới; cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng.
Trong khi đó, PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho rằng, TPHCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Về giải pháp chi tiết, cần kiểm soát được khí thải xe máy, đưa vào quy định kiểm tra khí thải xe máy, nếu xe quá cũ không đạt yêu cầu khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân phải bảo dưỡng để xe đạt tiêu chuẩn khí thải giống như đang làm với các xe cơ giới.
Ra mắt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Healthy AIR
Hiện Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG TPHCM đã cho ra mắt ứng dụng Healthy AIR - Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí, cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm ở hiện tại và dự báo ô nhiễm không khí trong 12 -24h tới. Ứng dụng chạy được trên hai nền tảng IOS và Android, hoàn toàn miễn phí.
Healthy AIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như: O3, NO2, SO2, PM2.5, CO…; Hiển thị chất lượng không khí bằng chỉ số AQI theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (QĐ1459/QĐ-TCMNT). Đồng thời, đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn…
Ứng dụng này được phát triển trong khuôn khổ dự án Healthy AIR, với sự hợp tác giữa CeADAR, Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland, có trụ sở tại University College Dublin (UCD), Ireland và ĐHQG-HCM thông qua Viện Môi trường và Tài nguyên cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật.
Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí, nhóm nghiên cứu phân tích tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ô nhiễm với hồ sơ tử vong. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ ô nhiễm không khí trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP.HCM.
Hiện tại, TPHCM đã có 6 thiết bị quan trắc không khí tự động liên tục đặt tại TP.Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 10, quận 1, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh.