Qua kết quả này cho thấy có quá nhiều yếu kém về năng lực đàm phán, thương thảo của các cơ quan tham mưu cho UBND TPHCM; dẫn đến hệ luỵ sai phạm hàng loạt đã xảy ra tại dự án này.
Vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối
Theo Thanh tra Chính phủ, việc kiểm tra, xác minh tố cáo trên là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Đa Phước do Cty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) làm chủ đầu tư, trên diện tích 128ha, thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM.
Đây là dự án có 100% vốn của nước ngoài, thuộc Cty California Waste Solutions (Mỹ), do ông Davis Dương làm chủ. Từ năm 2005, trước việc ông Davis Dương xin đầu tư dự án, Bộ KHĐT đã từng cảnh báo rằng “nguồn tài chính chưa rõ và yêu cầu trả phí xử lý rác quá cao (16,4USD/tấn rác). Năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án”.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao vào thời điểm đó, UBND TPHCM vẫn một mực đề nghị Chính phủ để cho VWS thực hiện dự án Đa Phước (?).
Cuối cùng, dự án Đa Phước cũng được cấp phép thực hiện. Song, khi dự án hình thành và đi vào hoạt động, mới bộc lộ hàng loạt thiếu sót. Trong đó, nổi bật là VWS áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống là chủ yếu. Quá trình triển khai áp dụng công nghệ này đã bộc lộ những mặt hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường này, năm 2016, Bộ TNMT vào cuộc kiểm tra, xử phạt VWS trên 1,5 tỉ đồng do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Về giá xử lý rác, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TPHCM đã có những thiếu sót, khi các cơ quan tham mưu còn ý kiến khác nhau (Sở Tài chính không đồng ý cách tính mức chi phí đầu tư của VWS và Sở TNMT), nhưng UBND TPHCM vẫn “thống nhất đơn giá mà chưa làm rõ các căn cứ pháp lý”.
Đặc biệt, việc định giá và ký kết hợp đồng bằng đô la (USD) và thanh toán theo tỉ giá bán ngoại tệ của Vietcombank, Thanh tra Chính phủ kết luận “về bản chất là đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ VN, là vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối”.
Trong vệt vi phạm liên quan tới “đô la hoá” nêu trên, có việc UBND TPHCM đã chi 9 triệu USD cho VWS. UBND TPHCM giải trình khoản tiền này là “chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho chủ đầu tư, đồng thời để làm giảm chi phí xử lý rác lẽ ra là 17,77USD/tấn xuống còn 16,4USD/tấn”.
Thế nhưng, theo Kiểm toán Nhà nước, thì việc chi 9 triệu USD cho VWS của UBND TPHCM là “sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện tạm ứng cho VWS (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) 9 triệu USD để thực hiện đầu tư dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định “việc trả trước cho nhà đầu tư như trên là không đúng về quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Làm trái quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ
Đề cập tới Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi), Thanh tra Chính phủ cho biết bãi rác này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030, là cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, diện tích 690ha, công suất xử lý 8.000 tấn/ngày.
Trên thực tế, Cty TNHH MTV Môi trường - Đô thị đã đầu tư trên 484 tỉ đồng (trong tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng) bằng nguồn vốn của Cty. Tuy nhiên, năm 2016, đột ngột UBND TPHCM đã yêu cầu đóng cửa Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp, bất chấp các cơ quan chức năng cảnh báo việc đóng cửa trên sẽ gây lãng phí ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND TPHCM đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là chưa đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, UBND TPHCM phải xem xét lại, xử lý các vấn đề tồn tại để sớm đưa Bãi rác chôn lấp số 3 Phước Hiệp tiếp tục đi vào hoạt động.
Riêng việc có đơn tố cáo VWS suốt 8 năm qua “toàn mang rác đi chôn, mà không làm phân compost”, theo Thanh tra Chính phủ, tại hợp đồng ký kết với VWS, có điều kiện thành phố phải phân rác tại nguồn, sau đó VWS mới có thể tái chế rác và làm phân compost. Tuy nhiên, phía Sở TNMT - đại diện cho UBND TPHCM ký hợp đồng - không lường trước khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn.
Nên sau khi ký hợp đồng, VWS lấy lý do rác chưa phân loại tại nguồn, thì không thực hiện làm phân compost. Điều này thể hiện sự yếu kém trong đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng của Sở TNMT. Nội dung hợp đồng dùng những từ ngữ khó hiểu, không rõ ràng. Sở TNMT vẫn không đề nghị thương thảo, rà soát hợp đồng đã ký kết.
Nhận định về UBND TPHCM, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong đàm phán, thương thảo hợp đồng dự án Đa Phước với VWS, UBND TPHCM “vẫn còn một số thiếu sót trong việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính; chi phí xử lý rác cao...; ứng trước 9 triệu USD cho nhà đầu tư; đô la hoá tiền tệ thanh toán; chậm triển khai phân loại rác tại nguồn; còn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường; chậm trồng cây xanh như đã cam kết; trong hợp đồng đã ký kết có một số điểm bất lợi cho phía thành phố... Tuy nhiên, thành phố chậm điều chỉnh, khắc phục”.