Hãy làm người tử tế đi sửa những điều sai

Lê Thanh Phong |

Nhà hoạt động môi trường - nhà tái chế Mzung có câu nói rất ấn tượng: "Người trẻ ạ, sẽ đến lúc thế giới không cần người thành công nữa, mà cần người tử tế đi sửa những điều sai".

Không phải sẽ mà đã đến lúc

Có điều, xin sửa lại một chữ trong câu nói trên của Mzung, đó là "đã đến lúc", không phải "sẽ đến lúc. Bởi vì môi trường ô nhiễm đang là thảm họa trút xuống trái đất này, cả nhân loại đang mang bi kịch lớn, đó là bi kịch rác nhựa, đặc biệt là trên biển.

Không chỉ Mzung, Greta Thunberg - một nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển - có bài diễn thuyết về môi trường rất dữ dội tại Hội nghị Hành động Khí hậu lần đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, New York tháng 9.2019: “Các ngài đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng, nhưng tôi vẫn là người may mắn... Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt”.

Greta Thunberg nêu hai chữ "sụp đổ" là chính xác. Bởi vì, các nhà khoa học về môi trường tính toán, năm 2025, trên đại dương, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Nhưng đến năm 2030, đại dương chứa bì nhựa nhiều hơn cá. Các loại cá, kể cả cá voi, chim biển, rùa biển đã bị rác tấn công đến chết. Và thật đáng buồn, khi Việt Nam là một trong 4 nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Cứ mỗi phút trôi qua, một triệu túi nhựa sẽ được tiêu thụ trên toàn thế giới. Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tiêu thụ 9-10 tấn túi nylon. Ở Việt Nam, mỗi hộ sử dụng 223 túi nylon/tháng, tương đương 1kg/tháng. Phần lớn không được tái chế mà xả ra môi trường và số rác này theo 2.360 con sông và kênh lớn nhỏ trôi ra biển. 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Do nhiều tác động, rác nhựa sẽ rã thành mảnh nhỏ bị các loài hải sản ăn vào, và cuối cùng là con người.

Ngư dân đi biển xác định lượng rác ngày càng lớn dần so với lượng cá. Tại một số vùng biển Việt Nam, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, 3 phần cá có một phần rác thải nhựa. Con cá, con tôm, con cua trên bàn ăn hằng ngày đang ngậm nhiều nhựa ở dạng cực nhỏ, cứ thế vào bụng con người. Và đó là câu trả lời vì sao bệnh nhân nan y chất chồng trong các bệnh viện.

Gần đây, xảy ra hiện tượng hàng nghìn tấn rác từ biển "tấn công" vào Mũ Né - Phan Thiết, Vũng Tàu. Du khách bị mùi hôi thối đuổi chạy khỏi các resort. Rác đó là do chính chúng ta thải ra, và thiên nhiên trả lại cho chúng ta, không chối cãi vào đâu được.

Rồi một núi rác đổ sập phá tan một khu vực trồng trọt của người dân ở Cam Ly (Đà Lạt). Những bãi rác bốc mùi khiến người dân phải "di tản" hoặc chặn xe rác không cho vào bãi như Hà Nội, Hội An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Tĩnh. Các đảo lớn như Phú Quốc, quần đảo Nam Du và nhiều đảo du lịch rất đẹp ở Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang đã bị ngập rác. Nói như Mzung: "Phía dưới lớp cát rất sạch là rác bị chôn". Riêng TPHCM, rác đầy đường, đặc trên nhiều kênh rạch, mùi hôi bãi rác Đa Phước làm điêu đứng cư dân quận 7.

Tất cả rác thải và chất thải khác đổ ra sông suối, ao hồ, để rồi Hà Nội sở hữu những con sông bị ô nhiễm nặng, một bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Ai cũng xem phá hoại môi trường là thảm họa, cho nên cần có nhiều người hành động để bảo vệ môi trường. Chưa nói đến làm cho ai, chỉ cần mỗi người không xả rác, biết bỏ rác đúng chỗ.

Thông điệp môi trường. Ảnh Vĩnh Quyền
Thông điệp môi trường. Ảnh Vĩnh Quyền

Và đây rồi những người tử tế

Không phải một vài mà rất nhiều người "đi sửa những điều sai". Đà Nẵng từng kinh ngạc khi có hàng trăm người tìm đến Sơn Trà, không quen biết nhau, không tổ chức hội đoàn, mà gặp nhau ở một điểm chung là dọn bãi rác Đá Đen. Chiến dịch giải cứu rác cho Sơn Trà kéo dài ròng rã trong 4 tháng với 19 buổi vào thứ bảy hàng tuần. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã gửi thư cám ơn những con người vô danh, họ chỉ làm vì tình yêu Sơn Trà và yêu thiên nhiên.

Cũng lên Sơn Trà dọn rác, nhưng không đi theo nhóm, mà chỉ độc hành, đó là Đào Đặng Công Trung ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Anh Trung là giám đốc một doanh nghiệp du lịch, nhưng bỏ mỗi tuần hai ba buổi lên Sơn Trà nhặt rác, mỗi chuyến nhặt được từ 10-30kg các loại rác, lon, vỏ hộp, chai nhựa. Không chỉ nhặt rác trên núi, anh Trung còn lặn xuống biển nhặt rác, bạn bè trêu anh là "khùng".  Có điều thế giới đang mong có thêm nhiều gã "khùng" như anh.

Cũng "khùng" như anh Đào Đặng Công Trung, Huế có ngư dân Trần Văn Cường ở huyện Phú Vang. Anh Cường sắm dụng cụ, mỗi lần đi biển là tranh thủ nhặt rác. Đúng là mênh mông trùng dương, rác thải ai để ý đến, nhưng anh Cường thì không. Nhận thức của một ngư dân nhưng rất đáng nể, còn hơn biết bao người có trách nhiệm nhưng vô tích sự: "Tôi cảm thấy rất khó chịu vì rác nhựa, chai, hộp từ các thuyền vứt thẳng xuống trôi nổi đầy mặt biển. Nếu mình không vớt sẽ rất nguy hại cho môi trường".

Còn nữa, một học sinh cấp ba, em Nguyễn Anh Tuấn (lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Văn Linh - Phú Yên),  thành lập nhóm Hành trình xanh Đông Hòa, tập hợp bạn bè đi dọn rác. Hoạt động của nhóm có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuấn còn là thành viên quản trị trang Phú Yên Xanh, truyền thông điệp xanh đến với mọi người. Tuấn  nói: "Em mong muốn hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở huyện Đông Hòa, mà được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Đó là cách thiết thực nhất để em và các bạn trong nhóm góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương Phú Yên thêm xanh, sạch, đẹp".

Ở Huế, có những nhóm "Cảm ơn dòng Hương", là những thanh niên tình nguyện dọn rác hai bên bờ sông Hương. Rồi hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên của Nghĩa Dũng Karate - Do, võ đường này thường xuyên tổ chức trồng cây xanh, dọn rác trên sông Hương, trên núi Bạch Mã và những nơi tập trung rác khác.

Có điều, thú vị nhất là người dân Huế. Từ khi phát động "Ngày chủ nhật xanh", không tuần nào, dù nắng hay mưa, tất cả người dân ở trên địa bàn đều ra đường làm vệ sinh, dọn rác, trồng cây, trồng hoa. Huế sạch và xanh đến bất ngờ nhờ bà con quá tử tế.

Những lá thư lan tỏa thông điệp xanh

Không dữ dội như Greta Thunberg, Nguyễn Nguyệt Linh (học sinh lớp 6, trường Marie Curie Hà Nội) gửi thư cho thầy hiệu trưởng đề xuất đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng, bởi vì: "Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì các chú rùa biển, các loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển, ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt mà chết". Những dòng thư giản dị của em đã làm người lớn cảm động và hành động. Không chỉ thầy hiệu trưởng nhà trường, mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu các trường học không thả bóng bay ngày khai trường.

"Bạn và tôi, tất cả chúng ta cùng nhau bắt tay xây dựng quê nhà xanh tươi, sạch đẹp. Mỗi người cùng tham gia, cùng góp sức lực, cùng đưa ra sáng kiến để thực hiện chương trình hành động đầy ý nghĩa này. Hãy nhặt từng cọng rác, trồng từng cây xanh, nâng niu từng cụm hoa cỏ. Hãy giữ gìn vùng biển Phú Yên không ô nhiễm bằng cách đừng bao giờ xả rác ra môi trường các bạn nhé". Đó là thư của ông Phạm Đại Dương - Chủ tịch tỉnh Phú Yên - gửi đến người dân, các bạn trẻ và du khách nhân Ngày Môi trường Thế giới 5.6 vừa qua.

Còn ông Phan Ngọc Thọ gửi thư cho người dân địa phương: "Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn - bạn cùng tôi hãy hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế. Cảm ơn các bạn, tôi tự hào những  gì mà các bạn đã làm trong thời gian qua, hãy lan tỏa và hành động".

Đúng, cần lan tỏa những thông điệp xanh, nhưng cần hơn là bắt tay đi sửa những điều sai.

Lê Thanh Phong
TIN LIÊN QUAN

Bộ đội biên phòng Huế cùng dân dọn rác

lê thanh phong |

Năm qua, Thừa Thiên - Huế được cả nước biết đến với chương trình “Chủ nhật xanh”. Từ ông Chủ tịch tỉnh đến em học sinh, từ thị thành đến nông thôn, cứ chủ nhật là tham gia, mỗi người một việc, mỗi người một tay.

Thả cá, đừng thả túi nylon và vàng mã

Lê Thanh Phong |

Đến ngày 23 tháng Chạp, thường có rất đông người ra khu vực hồ Tây, cầu Long Biên, Chương Dương thả cá chép. Tập quán, truyền thống cứ giữ, nhưng xin hãy giữ môi trường. Sông suối ô nhiễm thì cá cũng chẳng sống nổi.

Tết là dịp để tàu lửa lấy lại hình ảnh với hành khách

lê thanh phong |

Tàu lửa ế ẩm là do máy bay cạnh tranh gay gắt. Đi máy bay giá có khi còn rẻ hơn tàu lửa đương nhiên ai cũng chọn máy bay. Đã từng có một vị lãnh đạo “chỉ đạo” hạn chế các hãng hàng không tăng máy bay để cứu ngành Đường sắt. Tuy nhiên, ý chí của cá nhân không thắng nổi quy luật của thị trường.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Bộ đội biên phòng Huế cùng dân dọn rác

lê thanh phong |

Năm qua, Thừa Thiên - Huế được cả nước biết đến với chương trình “Chủ nhật xanh”. Từ ông Chủ tịch tỉnh đến em học sinh, từ thị thành đến nông thôn, cứ chủ nhật là tham gia, mỗi người một việc, mỗi người một tay.

Thả cá, đừng thả túi nylon và vàng mã

Lê Thanh Phong |

Đến ngày 23 tháng Chạp, thường có rất đông người ra khu vực hồ Tây, cầu Long Biên, Chương Dương thả cá chép. Tập quán, truyền thống cứ giữ, nhưng xin hãy giữ môi trường. Sông suối ô nhiễm thì cá cũng chẳng sống nổi.

Tết là dịp để tàu lửa lấy lại hình ảnh với hành khách

lê thanh phong |

Tàu lửa ế ẩm là do máy bay cạnh tranh gay gắt. Đi máy bay giá có khi còn rẻ hơn tàu lửa đương nhiên ai cũng chọn máy bay. Đã từng có một vị lãnh đạo “chỉ đạo” hạn chế các hãng hàng không tăng máy bay để cứu ngành Đường sắt. Tuy nhiên, ý chí của cá nhân không thắng nổi quy luật của thị trường.