Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đà Nẵng, mục tiêu độ che phủ rừng giảm so với năm 2021, thấp hơn mức trung bình đề ra trong chiến lược. Cụ thể, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được trồng năm 2022 là 130,86ha (thấp hơn mục tiêu bình quân 140ha/năm). Diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh là 270,44ha (thấp hơn mục tiêu trung bình 400ha/năm).
Tỉ lệ che phủ rừng toàn thành phố 45,5% (thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong mục tiêu chiến lược).
Đà Nẵng hiện có 18.986,53ha rừng gỗ tự nhiên giàu trữ lượng với nhiều loại gỗ quý, hiếm, có giá trị sử dụng cao, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên trong xã hội ngày càng tăng. Gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được, dẫn đến khai thác gỗ tự nhiên trái phép luôn tiềm ẩn vi phạm, gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thêm vào đó, việc du khách tự do tham quan, lưu trú, đốt lửa, cắm trại qua đêm dọc tuyến du lịch và tình hình du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều, các điểm dừng chân gây ô nhiễm môi trường, gây tai nạn giao thông, nguy cơ xâm nhập vào rừng trái phép và dễ xảy ra cháy rừng nhất là vào mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh trưởng của hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.
Tình trạng du khách cho khỉ ăn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho du khách và động vật hoang dã, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép trên bán đảo Sơn Trà còn xảy ra, tạo nên dư luận không tốt trong xã hội.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cũng cho biết, đến nay vẫn chưa thể thực hiện cắm mốc ranh giới rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố do chưa thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, nhiệm vụ của Đà Nẵng là phải giữ rừng từ 45 đến 47% đất rừng, điều này đòi hỏi các hoạt động phát triển kinh tế thông minh, làm sao để vừa bảo vệ được rừng vừa có nguồn thu từ rừng.
Trong năm 2023, Sở đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, trong đó chú trọng việc sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn năm 2030 để tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Thực hiện cắm mốc ranh giới 3 loại rừng sau khi đã phê duyệt, công bố kết quả điều chỉnh 3 loại rừng và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quản lý 3 loại rừng; triển khai dự án giám sát rừng thuộc đề án xây dựng thành phố thông minh.
Các địa phương cũng sẽ nhanh chóng rà soát để thực hiện chương trình giao đất, giao rừng, cấp giấy chưng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân để người dân an tâm đầu tư phát triển sản xuất, để tất cả diện tích rừng đều có chủ quản lý.