Huy động nguồn lực và nhân lực
Từ tháng 6.2024, TP Hà Nội triển khai thí điểm phân loại rác thành 4 loại tại 23 phường thuộc 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm. Trong đó, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Nam Từ Liêm áp dụng tại hai phường Phú Đô, Cầu Diễn, quận Đống Đa tại phường Nam Đồng đều đồng loạt có các điểm quy tập rác. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải cồng kềnh; Chất thải nguy hại; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Để triển khai tốt thí điểm mô hình này, URENCO Hà Nội cùng các quận, các phường, tổ dân phố, các đoàn, hội đã có phương án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về cách thức phân loại rác thải, phổ biến kế hoạch, thời gian thu gom trên mỗi địa bàn trước đó nhiều tháng. Đồng thời bố trí nhân công, địa điểm phục vụ cho việc thí điểm phân loại rác thải trên địa bàn.
Cụ thể, đối với rác có khả năng tái chế như giấy, sách vở, bìa, cốc nhựa, vỏ chai..., các phường bố trí điểm tập kết và thu gom theo thời gian cố định 2 lần/tuần. Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế... bố trí địa điểm để người dân tập kết vào cuối tuần, tuỳ theo mỗi địa phương. Với rác thải nguy hại như bóng đèn, pin, nhiệt kế, ắc-quy, bao bì dầu mỡ, sẽ thu tại điểm tập kết riêng; còn các loại rác thải khác thu gom trực tiếp hằng ngày đưa đi xử lý.
Những tín hiệu tích cực
Bước đầu, phương án phân loại rác tại nguồn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Sau gần 2 tuần triển khai thí điểm, ghi nhận tại phường Phạm Đình Hổ, người dân cho biết đều đã được tuyên truyền và phổ biến về thí điểm đang được triển khai, dù ban đầu có khó khăn, nhưng đa phần người dân đều ủng hộ khiến cho việc làm của công nhân vệ sinh môi trường trong khu vực cũng nhẹ nhàng hơn.
Bà Trần Thị Mai Loan - công nhân vệ sinh môi trường phụ trách địa bàn phường Phạm Đình Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cho biết: "Tuy mới thí điểm một thời gian ngắn, nhưng tôi thấy đa phần người dân đều thực hiện khá tốt. Nhất là với những loại rác thải cồng kềnh được quy định nơi vứt và vứt theo ngày giờ cụ thể, việc thu gom cũng trở nên dễ dàng hơn".
Tuy nhiên, việc thay đổi những thói quen cố hữu của người dân không phải một việc làm dễ.
"Nhiều người dân ban đầu còn ngại khó, không quan tâm tới việc phân loại rác và cho rằng, đó là việc của công nhân vệ sinh môi trường, nhưng nhờ có sự kiên trì từ Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các đơn vị khác thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm này mà người dân đã dần thay đổi thói quen bằng việc đổ rác đúng giờ, phân loại rác rõ rệt hơn, nhất là với rác tái chế và rác thải cồng kềnh", chị Nguyễn Ngọc Diệp Anh (Hội trưởng Hội LHPN phường Nam Đồng) chia sẻ.
Ngoài những khó khăn về mặt thay đổi nhận thức và hành động của người dân, nhiều địa phương cũng gặp khó trong việc tìm được một điểm thu gom rác phù hợp và thuận tiện trên địa bàn.
"Vì mới thực hiện nên bản thân người dân cũng chưa quen. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn ban đầu khi tìm được một nơi có thể bố trí điểm thu gom rác, đặc biệt là rác thải cồng kềnh. Vì địa điểm này cần một nơi đủ rộng rãi, có thể quây tấm tôn và thu gom theo ngày cố định trong tuần", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình, chia sẻ.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1.1.2025, sẽ xử phạt những hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 0,5-1 triệu đồng.