Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức chiều ngày 26.5.2022 đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề trên.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Khánh Toàn - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra hàng chục vụ cháy nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng, đặc biệt là các tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó, nổi bật là tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu…
Đánh giá thực trạng công tác PCCC - CNCH nói chung, cháy nổ tại khu vực đô thị nói riêng trong thời gian qua, trung tá Lê Minh Hải - Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an - cho biết: Trong 1 năm qua, Bộ Công an chỉ đạo triển khai chuyên đề tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, qua một năm tổng kết cơ bản đã đát được một số kết quả nhất định, trong đó số vụ cháy đã giảm, trong 12 tháng (từ ngày 15.4.2021-15.4.2022), số vụ cháy trong khu dân cư giảm 227 vụ, giảm 24,6%, khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ văn phòng giảm 119 vụ giảm 21%. Trước tình hình xã hội phát triển, nguy cơ cháy nổ phức tạp vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân và cơ quan quản lý trong công tác quản lý giảm các vụ cháy nổ.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cháy nổ ảnh hưởng đến tài sản, nhưng nhiều người không quan tâm cháy nổ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào. Nhà dân xây rất gần nhau tại các thành phố lớn, khu đô thị, khi cháy nổ xảy ra thiếu ôxy, cháy nổ còn tạo ra luồng bụi mịn, theo gió lan ra làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xảy ra vụ cháy và môi trường cách đó 200-300-500m cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hỏa hoạn xảy ra còn sinh ra luồng bụi mịn theo đường gió ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết: “Không ít doanh nghiệp trốn tránh thực hiện về trách nhiệm môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nhà nước ban hành bổ sung nhiều quy định thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Với việc kiểm tra chặt chẽ đối với đơn vị, vi phạm về môi trường đã giảm. Tôi hy vọng trong thời gian tới với quy định mới về Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được thực thi nghiêm túc hơn” - ông Đồng cho biết thêm.
Để xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: Hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau cháy nổ tôi mong muốn lực lượng chức năng cần tìm hiểu nguồn tiếp nhận nước thải, đặc tính vật liệu cháy, nguyên nhân vụ cháy, để dự đoán có thành phần ô nhiễm phát sinh nào. Đồng thời phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường. Di dời người già, trẻ em, người ốm ra khỏi khu vực cháy nổ đó một thời gian để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng ta không thể thu gom lại khí, cần có thời gian để thông thoáng khí, xử lý nước thải sinh ra về cơ sở xử lý nước thải, đảm bảo an toàn môi trường, xử lý chất thải rắn chất thải nguy hại là việc cần làm. Việc làm nữa là cần tiến hành kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực xảy ra cháy nổ, tránh những nguy cơ nhiễm độc gây hại cho sức khỏe của cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân, Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động: “Công tác PCCC ở tòa nhà chung cư, cao tầng, còn vấn đề trong sản xuất kinh doanh, nhất là tòa nhà kết hợp nhà ở và kinh doanh hay các cơ sở kinh doanh. Công tác phòng cháy nổ ở cơ sở kinh doanh nhìn chung là tốt, tuy nhiên ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, công tác cháy nổ vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm. Ý thức người lao động, người dân ở các tòa nhà, các chủ cơ sở hãy tuân thủ về an toàn cháy nổ và vệ sinh an toàn lao động. Phải xây dựng ứng phó khẩn cấp để ứng phó với cháy nổ và vệc sinh an toàn lao động. Đối với các doanh nghiệp phải xây dựng cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách. Cơ sở kinh doanh dưới 50 người phải có cán bộ bán chuyên trách, cơ sở sản xuất dưới 300 người phải có cán bộ chuyên trách. Thành lập hội đồng an toàn vệ sinh lao động, làm tốt an toàn vệ sinh lao động thì an toàn cháy nổ nhẹ hơn rất nhiều. An toàn vệ sinh lao động ở cơ sở phải thực hiện đồng bộ".