Uỷ ban Nhân nhân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đối với việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các phường, xã tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tái chế, tái sử dụng đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.
Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn đặt mục tiêu 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh được thu gom và xử lý; đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi chất thải rắn tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển.
Đối với công tác xử lý chất thải rắn, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020, dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp, đồng thời đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên chiểu. Đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%.
Trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, vệ sinh nơi công cộng, kế hoạch đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực công cộng; huy động doanh nghiệp, cộng đồng tham gia công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn mỹ quan tại khu vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu trú.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng kêu gọi hưởng ứng phong trào không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng 1 lần...; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất thải rắn.
Dự kiến, tổng kinh phí các Dự án đầu tư khoảng 8.546 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đầu tư của thành phố 1.936 tỷ đồng, ngân sách đầu tư của doanh nghiệp 6.610 tỷ đồng.