Dự kiến 9h sáng 28.10, bão số 9 giật cấp 13 sẽ đổ bộ vào đất liền

Nhóm PV |

Dự kiến đến 9h sáng 28.10, bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 11,12, giật cấp 13.

Dự kiến 9h sáng 28.10, bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền

Dự kiến đến 9h sáng 28.10, bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 11,12, giật cấp 13

Tại cuộc họp lúc 23h30 ngày 27.10, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Đến thời điểm này, bão số 9 cách Đà Nẵng khoảng 450km; cách Quảng Nam 400km; cách Quảng Ngãi 360km; cách Phú Yên 280km. Hiện bão đang có sức gió cấp 14, giật cấp 17.

Dự báo 9h sáng 28.10, bão sẽ đổ bộ vào từ Đà Nẵng đến Bình Định với cấp gió 11-13, giật cấp 15. Từ Thừa Thiên -Huế đến Phú Yên cấp 8-10, giật cấp 12. Kon Tum - Gia Lai cấp 7-8, giật cấp 10.

Đến thời điểm này, bão đang có dấu hiệu đi chậm lại với vận tốc 18km/h, trước đó là vận tốc 20km/h.

Hiện tại, gió thực đo ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) là cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác gió cấp 6. Sóng và nước biển đang dâng từ 7,5m -9,5m ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Bão số 9: Thêm một tàu cá ở Bình Định gặp sự cố trên biển

Có thêm một tàu cá ở Bình Định gặp sự cố chết máy trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Hiện lực lượng cứu hộ đang tìm cách tiếp cận để ứng cứu.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn Bộ Quốc phòng cho biết, vừa có thêm một tàu cá ở Bình Định gặp sự cố chết máy trên biển.

Hiện vẫn chưa rõ trên tàu có bao nhiêu thuyền viên. Thiếu tướng Doãn Thái Đức cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm mọi cách để tiếp cận hiện trường ứng cứu.

Trước đó, cũng tại Bình Định, hai tàu cá gồm BĐ-96388 có 14 thuyền viên bị chìm cách bờ biển Phú Yên 330km về phía Đông. Tàu cá BĐ -97469 có 12 thuyền viên bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310km.

Theo Thiếu tướng Thái Doãn Đức thì đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa liên lạc được với hai tàu cá nói trên.

Quảng Nam: Mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh hơn

Đến 23h ngày 27.10, tại Quảng Nam bắt đầu mưa to và có gió mạnh hơn.

Ông Đậu Phi Sơn – Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa Cảng Kỳ Hà cho hay, tại huyện Núi Thành, mưa cũng bắt đầu lớn và có gió mạnh. Đơn vị luôn giám sát và nếu phát hiện người dân ra lại thuyền hoặc về nhà, sẽ cưỡng chế ngay lập tức.

Chính quyền huyện Núi Thành, đặc biệt xã đảo Tam Hải đã tổ chức sơ tán dân và di dời tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh bão. Lực lượng chức năng huyện đảo Lý Sơn sẽ túc trực 24/24 để hỗ trợ người dân phòng chống bão.

Theo báo cáo nhanh của huyện Nam Trà My (Quảng Nam), đến 21h ngày 27.10, đã di dời dân tại các khu vực có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, gồm di dời tập trung 127 hộ, 544 khẩu; di dời xen ghép 29 hộ, 131 khẩu. Ngoài ra đã sơ tán 15 công nhân đang ở lán trại tạm thi công trạm biến áp 110kV về tập trung tại Trung tâm văn hóa huyện.

22h30

Thừa Thiên - Huế: Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, vào lúc 22h30 ngày 27.10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế trời đã bắt đầu có mưa, và gió thổi mạnh.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế đã bắt đầu mưa và gió thổi mạnh. Ảnh: Quách Du
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế đã bắt đầu mưa và gió thổi mạnh. Ảnh: Quách Du

Để đối phó với cơn bão, người dân địa phương đã đóng kín cửa, che chắn và không ra ngoài đường theo như khuyến cáo của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhiều hộ dân đóng cửa, che chắn nhằm đối phó với bão số 9. Ảnh: Quách Du
Nhiều hộ dân đóng cửa, che chắn nhằm đối phó với bão số 9. Ảnh: Quách Du

21h30

Quảng Ngãi: Vào lúc 21h30 ngày 27.10, tại huyện đảo Lý Sơn đã xuất hiện những trận mưa lớn kèm gió rít mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xác nhận hiện tại Lý Sơn đã xuất hiện gió cấp 8 giật cấp 9 và đang mạnh lên từng giờ.

Video mưa trắng trời ở huyện đảo Lý Sơn do người dân quay lại vào tối 27.10.

Trước đó, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức sơ tán dân và di dời tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh bão. Trong đêm nay, chính quyền huyện đảo Lý Sơn sẽ túc trực 24/24 để hỗ trợ người dân phòng chống bão.

21h00:

Phú Yên: Tối 27.10, tại TP Tuy Hòa trời bắt đầu đổ mưa, kèm theo gió và cường độ có biểu hiện lớn, mạnh dần lên. Tính đến 19h ngày 27.10, tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 11 nghìn hộ dân. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên yêu cầu không để người lại trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Ảnh: Nhiệt Băng

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên đã chuẩn bị sẵn 2 xe bọc thép và nhiều ca nô sẵn sàng ứng cứu người dân khi bão số 9 đổ bộ.

Tỉnh Phú Yên khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế, không ra đường kể từ 21h ngày 27.10 đến khi bão đi qua.

21h00

Quảng Bình cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống bão số 9

Tối 27.10, Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình vừa có thông báo khẩn liên quan đến việc phòng chống bão số 9.

Theo đó, do cơn bão số 9 rất mạnh, ảnh hưởng diện rộng nên Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học và tạm dừng mọi hoạt động giáo dục từ sáng 28.10 cho đến khi có thông báo của Sở GDĐT.

Hiện nhiều trường học trên địa bàn Quảng Bình vẫn đang khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Lê Phi Long
Hiện nhiều trường học trên địa bàn Quảng Bình vẫn đang khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Lê Phi Long

Ngoài ra, Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm công điện của UBND tỉnh và của Sở GDĐT về phòng chống bão số 9.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đợt mưa lũ vừa qua toàn ngành giáo dục Quảng Bình có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 370 tỉ đồng.

18h50

Quảng Ngãi: Công bố đường dây nóng trong bão số 9

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để người dân chủ động khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Người dân có thể lưu lại số điện thoại đường dây nóng các huyện, thành phố, thị xã ở Quảng Ngãi trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn để liên lạc khi cần thiết.

Cụ thể: Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi: 0255 6255 588; 0255 3712 556.

Huyện Bình Sơn: 0255 3512 302; 0255 3530 133, 0255 3510 924.

Huyện Sơn Tịnh: 0255 3842 223.

Huyện Tư Nghĩa: 0255 3913 582; 0255 2218 828.

Huyện Nghĩa Hành: 0255 3861 241; 0255 3861 174.

Huyện Mộ Đức: 0255 2214 603; 0255 6279 789.

Thị xã Đức Phổ: 0255 3859 703.

Huyện Ba Tơ: 0255 3891 400; 0255 3891 840.

Huyện Minh Long: 0255 3866 237.

Huyện Sơn Hà: 0255 3883 340; 0255 3864 269.

Huyện Sơn Tây: 0255 3 868 061; 0255 3 868 488.

Huyện Trà Bồng: 0255 3870 106; 0255 3870 288; 0255 3865 372.

Huyện Lý Sơn: 0255 3867 315

Thành phố Quảng Ngãi: 0255 3717 985 ; 0255 3823 752

18h00

Chuẩn bị 7 trực thăng ứng cứu người dân trong bão số 9

The báo cáo từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng, hiện Quân khu 5 đã chuẩn bị hơn 66 nghìn lượt người với 1.716 phương tiện, trong đó có 7 trực thăng để sẵn sàng cho công tác ứng cứu người dân trong bão số 9.

Chính quyền địa phương giúp dân sơ tán tránh bão số 9. Ảnh: Mai Hương
Chính quyền địa phương giúp dân sơ tán tránh bão số 9. Ảnh: Mai Hương

Các lực lượng quân đội khác như Quân khu 7, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển... cũng đã sẵn sàng về con người và hàng ngàn phương tiện, thiết bị để ứng cứu khi có lệnh.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên về ứng phó bão số 9 tại Sở chỉ huy tiền phương đóng tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tùy tình hình thực tế, nếu cần thiết sẽ huy động theo cả Quân khu 3 để hỗ trợ khu vực Bắc miền Trung, Quân khu 7 để hỗ trợ cho khu vực Nam Trung Bộ.

"Mục tiêu là chúng ta là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhà nước, với phương châm 4 tại chỗ và có sự hỗ trợ của lực lượng Trung ương ở tất cả lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nói.

Bão số 9 chưa vào, 1 tàu đã bị chìm, chưa tìm thấy 12 thủy thủ

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), báo cáo số 682/BC-CQTT của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 16h ngày 27.10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 phương tiện với 229.290 lao động tìm nơi tránh trú khỏi nơi nguy hiểm của bão số 9.

Tuy nhiên, đến 16h ngày 27.10, trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 hiện còn 20 phương tiện, trong đó Bình Định 19 tàu, Khánh Hòa 1 tàu.

Bộ đội Biên phòng kêu gọi ngư dân đưa tàu vào bờ tránh bão số 9. Ảnh: Hữu Long
Bộ đội Biên phòng kêu gọi ngư dân đưa tàu vào bờ tránh bão số 9. Ảnh: Hữu Long

Đặc biệt, trong số 20 tàu trong vùng nguy hiểm của cơn bão này, 1 tàu cá đã xảy ra sự cố. Cụ thể, 13h ngày 27.10, 1 tàu cá BĐ-96388-TS với 12 lao động bị chìm ở 12 độ 43’ vĩ Bắc -111 độ 27’ kinh Đông, cách Hòn Tre, Khánh Hòa 120 hải lý.

Tại khu vực này có tàu BĐ-98658-TS với 14 lao động đã tiếp cận nhưng không tìm thấy 12 người của tàu BĐ 96388-TS. Hiện tàu BĐ 98658-TS đang thả neo tại địa điểm.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Bình Định hiện đang thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.

Quảng Ngãi: Cho người lao động nghỉ việc để phòng bão số 9

Chiều tối 27.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa ký công văn hỏa tốc giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, cơ quan mình và diễn biến của cơn bão số 9, thực hiện việc cho người lao động tạm thời nghỉ việc ngày 28-29.10.

Mặc dù cho người lao động nghỉ việc nhưng UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc và triển khai ngay các phương án phòng, chống bão số 9 tại đơn vị mình, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người.

Theo dự báo tin của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ, bão số 9 sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ngãi, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m. Đây được đánh giá là cơn bão rất mạnh và di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp.

Phú Yên: 15 tàu thuyền vẫn chưa vào vùng an toàn

Ngày 27.10, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục QĐND VN làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về công tác phòng chống bão số 9.

Theo BCH PCTT - TKCN tỉnh Phú Yên, trong ngày, các hồ chứa đã mở cửa tràn và không tích nước. Đối với các hồ chứa nước có dung tích nhỏ, do các địa phương quản lý, hầu hết tràn xả lũ là tràn tự do. Hiện tại, hồ chứa đang tích nước phổ biến ở mức từ 20-50% so với dung tích thiết kế.

Ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã khẩn trương lên các phương án khi có các tình huống xảy ra.

"Việc sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm và tất cả các phương án phải hoàn thành trước 18h ngày 27.10" - ông Phùng nói và cho biết tỉnh đang tập trung theo dõi cơn bão này.

Theo ông Phùng, ở các khu vực không an toàn, tỉnh yêu cầu có biện pháp sơ tán và cưỡng chế nếu dân không hợp tác, chấp hành.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng làm việc tại Phú Yên về công tác ứng phó bão số 9. Ảnh: Nhiệt Băng
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng làm việc tại Phú Yên về công tác ứng phó bão số 9. Ảnh: Nhiệt Băng

Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng - Phó Tư lệnh quân khu 5, cho biết qua kiểm tra tại Phú Yên thì vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, cho rằng bão số 9 sẽ không vào Phú Yên. Đây là nhận thức rất nguy hiểm nên cơ quan chức năng phải có biện pháp vận động, thiết phục dân không quay trở lại lồng bè.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn cho biết, đến cuối chiều 27.10, Phú Yên vẫn có 15 tàu chưa vào vùng thực sự bờ an toàn nên bằng mọi giá phải kêu gọi những tàu này vào bờ.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục QĐND VN cho biết: "Chúng tôi đi kiểm tra thì thấy một số người dân vẫn còn bình thản, cho rằng bão số 9 đi ra phía Bắc. Vì vậy, các lực lượng phải hết sức quan tâm chứ khi xảy ra chết người rồi thì không thể rút kinh nghiệm".

Theo Thượng tướng Trần Quang Phương, việc neo đậu tàu thuyền cũng chưa thật khoa học, nên khi bão vào xảy ra va đập, gây hư hỏng.

"Hiện nay, người dân cử người ở lại coi tàu nhưng cái này phải kiên quyết chứ khi bão lớn không thể vào kịp. Đến giờ này (chiều 27.10), có người dân Phú Yên không biết di dời về đâu, chứng tỏ công tác tuyên truyền còn chưa tốt" - Thượng tướng Trần Quang Phương nói và đề nghị những tàu cá chưa vào neo đậu, phải quyết liệt chứ không thể chủ quan được.

Vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17

Hồi 16h ngày 27.10, vị trí tâm bão số 9 Molave ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 550km, cách Quảng Nam 490km, cách Quảng Ngãi 440km, cách Phú Yên 360km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Thừa Thiên Huế: Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà tránh bão số 9

Để ứng phó với bão số 9, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 21h tối 27.10.

Ngày 27.10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản hoả tốc về việc triển khai các công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiếp tục thực hiện công điện 17/CĐ-UBND ngày 26.10.2020 về triển khai các phương án ứng phó với bão số 9.

Đồng thời, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 21h tối 27.10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Cán bộ công nhân viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt).

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi thủy sản.

Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền neo đậu trong các lán trại, công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27.10.

Khẩn trương sơ tán các hộ dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng. Việc sơ tán dân hoàn tất trước 15h ngày 27.10.

Quảng Trị sơ tán 17.840 người dân trước 18h ngày 27.10

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị nhận định từ đêm 27.10 đến gần sáng 28.10 bão số 9 (bão Molave) sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.

Ngày 27.10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài việc cấm biển bắt đầu từ 18h ngày 26.10, trong ngày 27.10 tỉnh Quảng Trị đã triển khai kế hoạch sơ tán người dân.

Dự kiến, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ sơ tán 6.355 hộ dân với 17.840 người đến các khu vực an toàn để tránh bão. Căn cứ vào tình hình diễn biến của bão, các địa phương sẽ chủ động điều chỉnh phương án và triển khai sơ tán dân theo từng địa bàn cụ thể.

Khi ảnh hưởng bão số 9, tại địa phương này có mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 500mm với cấp độ thiên tai cấp 3. Vì vậy, toàn tỉnh dự kiến sơ tán 8.522 đến 15.372 hộ ở các xã, phường, thị trấn ở vùng ngập lụt. Bên cạnh đó, 514 hộ dân với 2.214 khẩu ở 2 huyện miền núi Đakrông và huyện Hướng Hóa ở vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cũng sẽ được sơ tán.

Ông Lê Quang Lam – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị nói rằng, việc sơ tán dân tại tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành trước 18h ngày 27.10.

16h40

Đến thời điểm này, ở Bình Định vẫn còn 142 tàu cá với hơn 1.800 ngư dân chưa vào bờ trong khi bão số 9 chỉ còn cách bờ biển Quảng Ngãi chưa đầy 400km.

Thông tin trên được ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc chiều 27.10 tại Sở chỉ huy tiền phương phòng tránh bão số 9 đóng tại Đà Nẵng.

"Đến thời điểm này, các tàu cá nói trên đã nhận được cảnh báo và đang trên đường di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm ở phía Nam để tránh bão", ông Hoài cho biết.

Cũng theo ông Hoài, đến chiều 27.10, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu cá với 229.290 ngư dân. Trong đó có 4.061 tàu với 29.748 ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm. 40.806 tàu với 198.424 ngư dân neo đậu tại các bến.

Các địa phương cũng đã hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm 223 tàu vãng lai ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định. Các tỉnh từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định cũng đã ban lệnh cấm biển.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia họp báo: Cảnh báo sức tàn phá nghiêm trọng

Chiều 27.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã tổ chức cuộc họp thông tin về cơn bão số 9 - cơn bão được đánh giá mạnh nhất năm nay với sức tàn phá lớn.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27.10). Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28.10.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

"Bão sẽ có khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối nay. Khi vào gần bờ, vùng biển này lạnh hơn, ma sát với đất liền bão sẽ suy yếu. Nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp, các nhà cấp 4 có thể không thể chịu đựng được trước sức gió" - ông Lâm cho hay.

Tại cuộc họp, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, ảnh hưởng mưa lớn do bão số 9, từ đêm ngày 27.10 đến ngày 1.11, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả (Nghệ An), các sông chính ở Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên mức báo động 3.

"Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu" - ông Long cho hay.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, lưu ý trong vòng 5 tiếng qua, bão không đi chếch lên, mà đang đi theo chính tây (đi ngang). Với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ.

Theo ông Hải nói, dự báo chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định.

Phân tích thêm về khả năng suy yếu, ông Hải cho biết nếu 19h tối nay bão đạt cường độ là cấp 14, giật cấp 17 và trường hợp khả quan sau đó, cứ 3 tiếng bão giảm 1 cấp thì đến khi vào bờ, bão vẫn mạnh đến cấp 11-12.

“Không có cơ may nào cho thấy bão sẽ suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”, ông Hải nhấn mạnh.

Đà Nẵng cho người lao động nghỉ làm việc ngày 28.10 để chống bão

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai theo Quyết định phân công số 02/QĐ-PCTT ngày 26.10.2020 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố nhằm bảo đảm công tác ứng phó bão số 9 an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu, khi bão đến tất cả phải tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho nơi di dân đến, chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ và ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền;

Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ 00 phút ngày 27/10/2020; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ 00 phút ngày 27.10.2020 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28.10.2020 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

14h50':

Tâm bão cách biển Quảng Ngãi khoảng 400km

Báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Ban chỉ huy tiền phương đóng tại Đà Nẵng, lúc 14h30 ngày 27.10, vị trí tâm bão cách biển Quảng Ngãi khoảng 400km.

Hiện bão đang gây sức gió cấp 13 -14, giật cấp 17, di chuyển tầm 20-25km/h theo hướng Tây Tây Bắc.

Dự báo gió trên đất liền: Khoảng hơn 10h nữa, tâm bão sẽ vào đất liền. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định gió cấp 11,12, giật cấp 15. Từ Thừa Thiên -Huế đến Phú Yên, gió cấp 8,9, giật cấp 11. Kon Tum - Gia Lai gió cấp 7,8, giật cấp 10. Quảng Bình, Quảng Trị và bắc Khánh Hòa, gió cấp 6,7, giật cấp 10.

Đặc biệt, vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên, sóng và nước biển sẽ dâng từ 7-10m.

Dự báo, đây sẽ là 1 trong 2 cơn bão lớn nhất đổ bộ vào miền Trung trong vòng 20 năm qua. Trước đó là bão Bão Xangsane đổ bộ vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày 1.10.2006 làm 68 người chết và mất tích, gần 270.000 ngôi nhà bị hỏng nặng, 1.287 ha đất nông nghiệp hư hại, 65.000 gia cầm bị chết và hơn 700 thuyền đánh cá bị chìm.

Đáng nói là các chuyên gia dự báo, sức gió và giật của bão số 9 Molave sẽ tương đương với bão Xangsane năm 2006.

14h:

Miền Trung đồng loạt xả lũ các hồ thủy điện, thủy lợi đối phó bão số 9

Đầu giờ chiều 27.10, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai- Chi cục tại miền Trung cho biết 40 hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đang đồng loạt xả lũ để tạo dung tích, đón mưa lớn kèm theo bão số 9.

Trong đó, khu vực các tỉnh bắc Trung Bộ có 7 hồ đang xả qua tràn. Cụ thể như thủy điện Hố Hô: 48/32m3/s -(Qxả/Qvề -m3/s) Đakrông1: 34/68; A Lưới: 22/64; Bình Điền: 303/203; Hương Điền: 253/218m3/s.

Tại các tỉnh nam Trung Bộ có 13 hồ đang xả qua tràn, (Qxả/Qvề - m3/s). Trong đó thủy điện ở Quảng Nam gồm: Sông Tranh 2: 323/130; Sông Bung 4: 218/257; A Vương: 465/57; Đăk Mi 4A: 307/117; Sông Bung 4A: 721/891; Sông Bung 5: 169/394; Sông Bung 6: 579/862; Ở Phú Yên là thủy điện Sông Ba Hạ: 100/520m3/s.

Tại Tây Nguyên cũng có 20 hồ đang đồng loạt xả qua tràn, (Qxả/Qvề- m3/s). Đáng chú ý là thủy điện Đăk Srong 3A: 61/171; DrayHlinh 1: 268/404; Bảo Lộc: 37/76; Đăk Rtih 2: 46/117m3/s...

Riêng các hồ thủy lợi cũng cũng đang tính toán phương án xả lũ để dự trữ dung tích lòng hồ, đón lũ do bão số 9 có thể gây mưa to. Trong đó có 2.323 hồ khu vực bắc Trung bộ đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công. Hiện có 4 hồ đang xả tràn, trong đó Hồ Kẻ Gỗ lúc 05h/27/10: mực nước 29,51/32,5m; Qxả = 200m3/s.

Tại nam Trung Bộ có 517 hồ thủy lợi đã tích 30-90% dung tích; trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Hiện không có hồ xả qua tràn.

Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích; trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công. Hiện có 1 hồ xả tràn.

Hiện trên đất liền miền Trung thời tiết vẫn nắng ráo, lũ trên các sông không cao, việc xả lũ để đón mưa lớn kèm theo bão số 9 là hợp lý, phòng lũ chồng bão.

12h:

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra thông báo khẩn: Yêu cầu người dân không lơ là, cho rằng bão chỉ vào Quảng Nam - Đà Nẵng

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định khẩn cấp cơn bão số 9 là một cơn bão rất mạnh, rất nguy hiểm. Yêu cầu mọi người không chủ quan dưới mọi hình thức. Theo thông báo khẩn, bão số 9 dự báo sẽ ảnh hưởng tỉnh đến Thừa Thiên - Huế với gió cấp 10-11, giật cấp 12. UBND tỉnh Thừa Thiện Huế nhấn mạnh, cơn bão số 5 vừa rồi chỉ mới là gió cấp 7, giật cấp 9 nhưng đã gây tai hoạ khôn lường nên cơn báo số 9 này với sức gió lớn nguy cơ sẽ gây tàn phá khủng khiếp hơn.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, người dân tránh ngay những suy nghĩ chủ quan là tâm bão vào các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi nên lơ là chủ quan. Đặc biệt, tuyệt đối không nên ra đường trong thời gian bão vào 21h tối nay cho đến 18h ngày mai (28.10) trừ lực lượng công vụ.

Đã sơ tán được gần 100.000 dân ven biển miền Trung đi tránh bão số 9

Sáng nay 27.10, Bộ Quốc phòng triển khai 2 cánh quân đến miền Trung để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9. Trong đó, tại Khánh Hòa, thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam - đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão số 9 từ Nam Trung Bộ.

Báo cáo đoàn công tác, Vùng 4 Hải quân cho biết được phân công đảm nhiệm công tác tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển Nam Trung Bộ và Trường Sa. Tham gia phối hợp phòng chống thiên tai với tỉnh Khánh Hòa. Triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn cho người, vũ khí trang bị ở khu vực quần đảo Trường Sa.

11h50:

Phú Yên: Cấm tàu thuyền ra khơi

Trước ảnh hưởng của bão số 9, UBND tỉnh Phú Yên cấm các tàu thuyền ra khơi, các hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển bắt đầu từ 9h ngày 27.10.

Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi có bão số 9, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương ven biển và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lệnh cấm biển.

Cụ thể, UBND tỉnh này yêu cầu UBND huyện Tuy An, các thị xã Đông Hoà, Sông Cầu và TP.Tuy Hoà thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển, thời gian cấm biển từ 09 giờ ngày 27.10.2020.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NNPTNN, Chi cục Thuỷ sản, Ban Quản lý Cảng cá, phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình, diễn biến của bão để chủ động thông báo cho ngư dân, chủ tàu cá...

Đối với các tàu thuyền đang hoạt động khai thác đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển, tỉnh này cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, neo đậu, tuyệt đối không cho người ở lại trên thuyền.

Hỏa tốc thành lập ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để ứng phó với bão số 9.

Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 - cơn bão rất mạnh dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hôm nay (27.10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký và ban hành hỏa tốc Quyết định 1667/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 9.

Thành phần BCĐ tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), làm trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) – Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Trung ương về PCTT (Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – PV) làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng chính phủ.

BCĐ tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của BCĐ tiền phương trong mọi tình huống.

BCĐ tiền phương hoạt động từ ngày 27.10.2020 và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

10-11h:

Hồi 10h ngày 27.10, vị trí tâm bão số 9 Molave ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 Molave di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 10h ngày 28.10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 29.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều nay (27.10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27.10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28.10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27.10 đến ngày 29.10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31.10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

10h45:

Người dân Đà Nẵng không được ra đường sau 20h hôm nay

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ 00 phút ngày 27.10.2020 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28.10.2020 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

10h30:

Quảng Nam: Dự kiến sẽ di dời trên 170 ngàn dân

Tỉnh Quảng Nam đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp để tập trung lực lượng, phương tiện chống bão. Đặc biệt là công tác di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm phải được hoàn thành trước 17h hôm nay...

Toàn tỉnh dự kiến sẽ di dời trên 170 ngàn dân tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao, nhất là tại các khu dân cư ven biển. Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngoài việc kêu gọi và giúp nhân dân gia cố nhà cửa, che chắn bảo đảm an toàn các tài sản, các địa phương còn tổ chức lực lượng túc trực tại chỗ để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Mọi công tác chuẩn bị và ứng phó phải hoàn thành trước 18h ngày hôm nay, 27.10.

Riêng tại Tam Kỳ, từ chiều 26.10, ngoài phường tiện truyền thông, loa phát thanh của xã; cán bộ xã đã dùng xe gắn máy để phát liên tục các thông tin liên quan đến bão số 9 và tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Theo đó trên 5.000 dân toàn xã Tam Thanh phải di dời.

Ngoài ra, TP Tam Kỳ đã lên phương án di dời 4.700 dân thuộc các xã: Tam Thăng, Tam Phú đến 8 điểm tập trung cụ thể.

Đến 10 giờ trưa 27.10, công tác chèn chống nhà cửa đã hoàn tất trên 90%.

Quảng Ngãi: Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 hộ dân tại những vùng xung yếu, nguy hiểm cần được di dời, công việc quan trọng này sẽ tiến hành khẩn trương ngay trong sáng 27.10 và hoàn thành trong giữa chiều 27.10

Thừa Thiên- Huế: Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát nhà ở của người dân, những trụ sở cơ quan, nơi đóng quân có nguy cơ sạt lở để di dời người đến nơi an toàn; đến 15h ngày 27.10 phải hoàn thành việc di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển như ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền. Có hơn 18.000 hộ dân với hơn 63.000 người toàn tỉnh thuộc diện di dời, đến nay đã triển khai di dời hơn 2.200 người đến nơi an toàn.

Cập nhật từ 7-9h ngày 27.10:

Hồi 7 giờ ngày 27.10 vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 29.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27.10). Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28.10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27.10 đến ngày 29.10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31.10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

* Báo Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Bão số 9 mạnh nhất năm nay, hoàn lưu gây mưa trải rộng cả dải miền Trung

Thảo Anh |

Bão số 9 Molave được nhận định là cơn bão nguy hiểm, khả năng mạnh nhất năm nay với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Tin bão mới nhất: Bão số 9 đi rất nhanh, hướng vào Đà Nẵng - Phú Yên

Thảo Anh |

Hồi 4 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo thời tiết 27.10: Bão số 9 Molave gây mưa lớn diện rộng từ đêm nay

Thảo Anh |

Dự báo thời tiết hôm nay 27.10, từ đêm nay khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Bão số 9 mạnh nhất năm nay, hoàn lưu gây mưa trải rộng cả dải miền Trung

Thảo Anh |

Bão số 9 Molave được nhận định là cơn bão nguy hiểm, khả năng mạnh nhất năm nay với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Tin bão mới nhất: Bão số 9 đi rất nhanh, hướng vào Đà Nẵng - Phú Yên

Thảo Anh |

Hồi 4 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo thời tiết 27.10: Bão số 9 Molave gây mưa lớn diện rộng từ đêm nay

Thảo Anh |

Dự báo thời tiết hôm nay 27.10, từ đêm nay khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.