Biến đổi khí hậu "tăng tốc", ngành Khí tượng Thuỷ văn chạy đua dự báo thiên tai

Thảo Anh |

Biến đổi khí hậu vượt tốc độ dự báo và ngày càng tác động mạnh mẽ đến thời tiết tại Việt Nam khiến nhiều quy luật bị phá vỡ. Lũ kép, bão chồng bão và những loại hình đa thiên tai đã không còn xa lạ. Trước thực trạng đó, ngành Khí tượng Thuỷ văn đang chạy đua áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường - xung quanh vấn đề nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.

Thưa ông, biến đổi khí hậu gia tăng khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam ngày càng phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, với việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Khí tượng Thuỷ văn nước ta đã cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát sao góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai. Xin ông chia sẻ thêm về những kết quả cụ thể của ngành trong những năm qua?

- Trong những năm qua, với sự nỗ lực và cố gắng, ngành Khí tượng Thuỷ văn đã đạt được những kết quả bước đầu, mang tính đột phá và tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo. Chúng tôi đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác khí tượng thủy văn, thúc đẩy xã hội hóa, hiện đại hóa hệ thống dự báo...

Các hoạt động hợp tác chia sẻ, thông tin dữ liệu dự báo, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong nền khoa học khí tượng thủy văn của nhân loại. Thay vì các bản tin dự báo trước chỉ 1 - 2 ngày, chúng ta đã đưa ra những bản tin cảnh báo trước từ 5 - 7 ngày, thậm chí là 10 ngày để các địa phương có sự chuẩn bị. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%...

Bên cạnh việc phục vụ công tác phòng chống thiên tai, các sản phẩm dự báo còn được xây dựng cho các ngành phát triển như ngành Điện lực, Thủy điện hoặc Nông nghiệp.

Dù tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng gây những hậu quả nặng nề nhưng do ứng phó kịp thời nên kết quả là trong năm 2019-2020 đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Qua đó, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp giảm chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.

GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thảo Anh
GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thảo Anh

Tuy nhiên, công việc đo gió đếm mây để “đoán ý trời” chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy, ngành Khí tượng Thuỷ văn đang gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông?

- Về mặt dự báo định lượng (cường độ bão, cường độ mưa lớn...) vẫn còn những hạn chế. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân trực tiếp nhất là chúng ta đang trải qua tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến thiên tai hoạt động trái quy luật, bất thường. Trong khi đó, mạng lưới giám sát thiên tai chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn.

Cụ thể khó khăn khách quan đầu tiên trong việc dự báo cường độ bão, áp thấp nhiệt đới, định lượng mưa lớn bắt nguồn từ hiểu biết khoa học của con người về các cơ chế vật lý trong khí quyển nói chung, về các cơ chế hình thành, phát triển của bão, mưa lớn nói riêng.

Chúng ta cũng không có nhiều thông tin giám sát, quan trắc trên vùng biển, việc xác định cường độ bão duy nhất thông qua hệ thống vệ tinh khí tượng. Việc thiếu hệ thống giám sát trên biển dẫn đến việc đánh giá cường độ thực của cơn bão có sai số lớn, dẫn đến việc dự báo, cảnh báo có sai số tiếp theo.

Trong bài toán dự báo mưa lớn, một nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến việc dự báo trở nên khó khăn đó là địa hình núi đèo cao ở Việt Nam. Do biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Như ông vừa chia sẻ, chúng ta thiếu mạng lưới quan trắc trên biển. Mặt khác, khí tượng thủy văn là một ngành không biên giới. Vậy ngành Khí tượng nước ta đã có sự phối hợp và hợp tác quốc tế như thế nào?

- Công tác khí tượng thủy văn là lĩnh vực không có biên giới, trong đó tất cả các nước cùng chịu tác động của các loại hình thiên tai. Do đó, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng là rất quan trọng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, quan hệ hợp tác đã được định hướng đi vào chiều sâu. Chúng ta không chỉ thu nhận những thông tin quốc tế, mà chúng ta đã đóng góp cho quốc tế cả về nguồn lực về nhân lực, tài chính và sản phẩm công nghệ. Ngành Khí tượng đang vươn tầm ra và nâng cao chất lượng của các hoạt động. Có thể khẳng định, khả năng dự báo đang tiệm cận với công nghệ, trình độ của nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Từ năm 2011, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, một thành viên chủ động trong công tác khí tượng thuỷ văn của thế giới. Dự kiến trong 1-2 năm tới, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.

Ngoài công tác hợp tác quốc tế, để chạy đua với tốc độ biến đổi khí hậu, ngành Khí tượng Thuỷ văn xác định mục tiêu và sẽ triển khai những định hướng trọng tâm như thế nào trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thời gian tới?

- Thời gian qua, ngành Khí tượng Thuỷ văn đã có sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường; đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc, nâng cao tỉ lệ các trạm quan trắc tự động...

Từ nền tảng phát triển trong những năm qua, ngành đang xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển trong 5 năm tới. Thông tin dự báo bên cạnh mục tiêu phục vụ thông tin phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thì thông tin khí tượng còn phải là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ cho quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển của tất cả ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ. Đây là phương châm, là định hướng của ngành.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam sẽ đạt được ở mức các nước phát triển khá trong khu vực, đến năm 2040-2045 phải đạt được đến trình độ tiên tiến trên thế giới. Đây là mục tiêu mà tôi cho rằng khả thi và phù hợp vì trong 3 năm qua, Việt Nam đã được công nhận là 1 trong 7 trung tâm hỗ trợ bão khu vực, đã đào tạo, chuyển giao công nghệ cảnh báo về sạt lở đất.

Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư thay đổi phương thức hoạt động của các mạng lưới quan trắc, ngành Khí tượng Thuỷ văn sẽ tìm cách khắc phục tồn tại về mật độ các trạm quan trắc còn thưa chỉ bằng 1/5, 1/10 so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Công nghệ quan trắc vẫn còn tồn tại các trạm thủ công, mặc dù số lượng trạm quan trắc tự động đã được đầu tư tăng lên đáng kể. Trong thời gian qua, ngành đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ thay đổi phương thức bằng hình thức xã hội hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn.

Tiếp đó, ngành sẽ tập trung đầu tư mạng lưới truyền tin hiện đại, số liệu kịp thời và hoạt động ổn định để chủ động trong các tình huống xấu có thể xảy ra. Hiện nay, ngành Khí tượng Thuỷ văn cũng đang xây dựng chương trình cơ sở dữ liệu tập trung không chỉ cho ngành Khí tượng Thuỷ văn mà còn là tài nguyên số giá trị cho các ngành kinh tế xã hội khác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Anh
TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo hậu quả tàn khốc khi biến đổi khí hậu tăng tốc, sông băng mất dần

Phương Linh |

Nghiên cứu mới cảnh báo, gần như tất cả các sông băng trên thế giới đang mất dần khối lượng với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy.

Biến đổi khí hậu đã đẩy trái đất ra khỏi quỹ đạo

Nguyễn Hạnh |

Theo MSN, biến đổi khí hậu là một trong các nguyên nhân đẩy trái đất ra khỏi trục quay của nó.

Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó biến đổi khí hậu

Song Minh |

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tối ngày 23.4, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu" tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 và 23.4.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cảnh báo hậu quả tàn khốc khi biến đổi khí hậu tăng tốc, sông băng mất dần

Phương Linh |

Nghiên cứu mới cảnh báo, gần như tất cả các sông băng trên thế giới đang mất dần khối lượng với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy.

Biến đổi khí hậu đã đẩy trái đất ra khỏi quỹ đạo

Nguyễn Hạnh |

Theo MSN, biến đổi khí hậu là một trong các nguyên nhân đẩy trái đất ra khỏi trục quay của nó.

Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó biến đổi khí hậu

Song Minh |

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tối ngày 23.4, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu" tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 và 23.4.