Theo đó, cập nhật tình hình bão vào hồi 7h sáng ngày 30.10, vị trí tâm bão còn cách Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 250km với sức gió mạnh cấp 8 - 9 giật cấp 11.
Trên khu vực đất liền Quảng Nam - Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7 giật cấp 9, các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa gió mạnh cấp 7 - 8.
Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ông Mai Văn Khiêm cho biết, cơn bão này tương đối phức tạp và có thể phân thành 3 giai đoạn.
Đợt mưa đầu tiên sẽ kéo dài trong 2 ngày (31.10 - 1.11), chủ yếu do tác động của cơn bão số 5, tập trung chủ yếu từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên với lượng mưa khoảng 250 - 350 mm. Giai đoạn thứ 2 từ sau ngày 31.10 trở đi, mưa sẽ mở rộng ra khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hóa, chủ yếu do nhiễu động gió kết hợp với không khí lạnh.
Giai đoạn 3, khả năng từ ngày 4 - 10.11 sẽ thiết lập dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực Trung Trung Bộ, với lượng mưa tương đối lớn.
Ông Khiêm cũng đưa ra thêm các cảnh báo về lũ trên các sông. Theo đó, khu vực Bắc Trung Bộ sẽ có lũ từ mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông ở khu vực Trung Trung Bộ sẽ là ở mức báo động 2 - 3, một số nơi trên báo động 3.
Khu vực trên biển cho đến hiện tại vẫn còn 575 tàu, thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm đang được gấp rút chỉ đạo để di chuyển tránh, trú bão. Khu vực ven biển cũng nhanh chóng thực hiện cấm biển, đảm bảo các phương tiện không được hoạt động.
Kết luận tại buổi họp, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận chỉ đạo phải xác định đây là một cơn bão mạnh, không được chủ quan.
Đồng thời, nhanh chóng chỉ dẫn tàu thuyền còn trong vùng nguy hiểm vào nơi tránh, trú an toàn và thực hiện cấm biển, đảm bảo an toàn cho du khách; sẵn sàng lực lượng phương tiện để sơ tán dân; chú ý hơn trong việc tránh sạt lở chia cắt ở khu vực miền núi và nhanh chóng thực hiện cứu hộ khi có sự cố; đảm bảo an toàn hồ chứa ở Tây Nguyên; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông đưa tin liên tục về tình hình bão.