Ông Nông Minh Hiền - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, LĐLĐ tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ trì tổ chức và tham gia giám sát tại 28 đơn vị, doanh nghiệp.
Qua giám sát, đã kiến nghị các doanh nghiệp, đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời các hạn chế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.
Các CĐCS cũng đã phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Kết quả, đã có 89% doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; 94% doanh nghiệp tổ chức đối thoại; 100% cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 94% doanh nghiệp tổ chức hội nghị công nhân lao động.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ CĐCS. Theo đó, đã tổ chức tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho 80 cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp; chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ CĐCS trong công tác thương lượng, xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thực hiện tư vấn về pháp luật lao động và công đoàn cho 1.041 lượt đoàn viên, công nhân lao động.
Về quan hệ lao động, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngừng việc tập thể yêu cầu tăng mức tiền lương cơ bản của 250 công nhân thuộc một công ty tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Ngay khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện Sơn Dương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng của huyện giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động. Theo đó, công ty và tập thể người lao động đã thương lượng, thống nhất điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ bản từ 3.554.000 đồng/người/tháng lên 3.877.000 đồng/người/tháng...