Tới dự còn có bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; bà Phùng Thị Hồng Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố; lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố Hà Nội...
Tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam do LĐLĐ Thành phố Hà Nội tổ chức, có 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu được tuyên dương.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Thanh - Ủy viên Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội ôn lại lịch sử 95 năm ra đời và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng hành với sự hình thành và phát triển 95 năm qua của Công đoàn Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Trong lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thành phố Hà Nội nói riêng luôn có sự đóng góp quan trọng của các Công đoàn cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN và Thành ủy Hà Nội, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh. Hoạt động của các Công đoàn cơ sở từng bước đi vào nền nếp và ổn định, thực chất hơn, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động...
Để thiết thực chào mừng Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và là một trong những hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” trong công nhân viên chức lao động Thủ đô. Thông qua Hội thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; về hành trình xây dựng và phát triển của Công đoàn Hà Nội.
Hội thi là đợt sinh hoạt, tuyên truyền rộng rãi về sự hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Thủ đô Hà Nội; tuyên truyền về những đóng góp của công nhân viên chức lao động trong việc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại bằng hình thức sân khấu hóa…
Tại Lễ kỷ niệm đã diễn ra cuộc giao lưu giữa các thế hệ cán bộ Công đoàn Thành phố. Trong đó khẳng định sự gắn bó, trách nhiệm và tiếp nối truyền thống của các thế hệ cán bộ Công đoàn Thủ đô, mà điểm chung nhất là đều cùng nỗ lực vì đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, tại sự kiện này, 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu được LĐLĐ Thành phố tuyên dương. Họ là những tấm gương sáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Công đoàn Việt Nam, có nhiều sáng tạo và sự trưởng thành vượt bậc trong công tác chuyên môn và hoạt động Công đoàn tại cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: Thường trực Thành ủy đánh giá cao những cống hiến to lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động Thủ đô. Từ kết quả phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đóng góp quan trọng giữ vững ổn định chính trị và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đời sống văn hoá, tinh thần, khen thưởng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, giám sát hợp đồng lao động; các cấp Công đoàn phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu. Các phong trào cần hướng về cơ sở, quan tâm đến cán bộ Công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp ở cơ sở; lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động là đối tượng phục vụ…