Về công tác bình đẳng giới, ông Phạm Văn Quang - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, các cấp công đoàn cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hệ thống công đoàn.
Lồng ghép nội dung truyền thông về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong triển khai các nhiệm vụ của công tác nữ công; quan tâm các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực, quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài; hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15.11 đến ngày 15.12) theo chủ đề của năm hiệu quả, sáng tạo.
Tích cực nghiên cứu tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, trong đó tiếp tục tập trung nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới. Chủ động lồng ghép các nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các cuộc kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn.
Trong công tác dân số, gia đình, trẻ em, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, huy động xã hội hóa và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới, hỗ trợ công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình như khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán một số bệnh dị tật trước sinh; cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; tuyên truyền để mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ổn định mức sinh… góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em; tuyên truyền về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông; phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái với quy định của pháp luật; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Ngoài ra các cấp công đoàn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dành cho lao động nữ được quy định tại Nghị định 145/2020/ NĐ-CP, ngày 14.12.2020 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và chính sách hỗ trợ cho con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non cho CNLĐ tại các Khu công nghiệp…
Quan tâm triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đối với lao động nữ, đặc biệt là những lao động nữ nhập cư đang làm việc tại các doanh nghiệp; các khu công nghiệp, lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 230.000 công nhân, viên chức, lao động; trong đó 60% là lao động nữ. Hiện công đoàn tỉnh Thái Nguyên đang quản lý hơn 154.040 đoàn viên, sinh hoạt tại 1.407 công đoàn cơ sở.