Bà Hoàng Thu Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên - cho biết, đến nay, 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đối thoại hằng năm; có 25 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại A; nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất…
Tuy nhiên, vẫn còn trên 35% doanh nghiệp chưa có TƯLĐTT, số TƯLĐTT đạt loại A chưa nhiều… Do đó, để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
LĐLĐ tỉnh sẽ củng cố nâng cao chất lượng tổ chức CĐCS khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của CĐCS để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Thành lập các tổ tư vấn pháp luật nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ luật Lao động năm 2019.
Tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong doanh nghiệp.
Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động…