Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết mục đích của việc giám sát nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và quy chế dân chủ tại cơ sở.
Kịp thời chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định về nợ, chậm và trốn đóng BHXH, vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm và Quy chế dân chủ ở cơ sở làm ảnh hưởng đến môi trường và quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;
Thông qua hoạt động giám sát, phát hiện, kiến nghị đơn vị khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, xử lý sai phạm sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống của công nhân, viên chức,lao động (CNVC,LĐ);
Qua giám sát phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong chính sách và cơ chế quản lý để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Đối tượng giám sát là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế và cơ quan, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, tổ chức công đoàn sẽ áp dụng các phương pháp giám sát như trực tiếp làm việc và nghe báo cáo của doanh nghiệp, đơn vị về việc thực hiện pháp luật BHXH, ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc quản lý và xử lý chất thải công nghiệp và quy chế dân chủ ở cơ sở tại đơn vị; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của đơn vị nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp và quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới.
Tiếp xúc trực tiếp với người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các khó khăn của người lao động; xem xét hồ sơ, sổ sách, tài liệu, kiểm tra thực trạng tại hiện trường nhà kho, xưởng sản xuất, bếp ăn, phòng làm việc…
Nội dung giám sát gồm công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH, ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc quản lý và xử lý chất thải công nghiệp và Quy chế dân chủ ở cơ sở của đơn vị.
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, về ATVSLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại các đơn vị. Trong đó tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng lao động, số lao động được tham gia đóng BHXH, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cách thức đóng BHXH, giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động tại doanh nghiệp;
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, giải quyết các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; kinh phí công đoàn;
Giám sát về chất lượng bữa ăn ca và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp;
Công tác phối hợp triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Xây dựng quy chế đối thoại tại nơi làm việc, việc tổ chức hội nghị người lao động hàng năm, tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
Dự kiến thời gian giám sát là trong Quý III năm 2023.