Trả lời PV Lao Động, ông Nguyễn Quốc Lưỡng - Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định) - cho biết, kết thúc thời hạn tiếp nhận hồ sơ, đến nay tỉnh Nam Định đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho cả hai diện đối tượng gồm công nhân lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà và người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để quay trở lại thị trường lao động.
"Cụ thể, địa phương đã tiếp nhận 55 hồ sơ, đề nghị hỗ trợ cho tổng 4.317 lượt người với tổng kinh phí đề nghị là hơn 2,3 tỉ đồng. Đến thời điểm ngày 31.8, 100% hồ sơ đề nghị hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt và UBND các huyện, thành phố Nam Định đã thực hiện giải ngân 100% số tiền hỗ trợ được phê duyệt theo quy định", ông Lưỡng cho hay.
Trong tổng số 55 hồ sơ đề nghị và UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định phê duyệt, có 39 hồ sơ hỗ trợ đối với 3.869 lượt người, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,9 tỉ đồng thuộc diện hỗ trợ thuê nhà.
16 hồ sơ còn lại, hỗ trợ đối với 448 lượt người, tổng kinh phí hỗ trợ 448 triệu đồng thuộc diện hỗ trợ thuê nhà cho người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Tại Thái Bình, tính đến ngày cuối cùng của tháng 8.2022, UBND tỉnh này đã phê duyệt hỗ trợ cho 1.283 lao động của 79 lượt doanh nghiệp, tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng và đã giải ngân kinh phí hỗ trợ đạt 100% số đối tượng phê duyệt.
Trong đó, hỗ trợ 1.239 người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Hỗ trợ 40 người lao động quay trở lại thị trường lao động với số tiền 70 triệu đồng.
Theo ông Tăng Quốc Sử - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Bình), do đặc điểm lao động của tỉnh làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế và các Khu công nghiệp chủ yếu là đi và về trong ngày nên số lao động ở thuê, ở trọ không nhiều so với các tỉnh khác.
Công tác quản lý nhân lực và nắm thông tin tình hình đời sống, việc làm của người lao động của một số địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp sợ trách nhiệm, không dám xác nhận và lập hồ sơ đề nghị cho người lao động, e ngại trong việc lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc kiểm tra thực hiện chính sách sau này hoặc e ngại người lao động trục lợi chính sách nên đã hướng dẫn người lao động bổ sung thêm thủ tục (giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà…).
Hầu hết các doanh nghiệp đều gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 3 tháng cùng một thời điểm nên tiến độ thực hiện từ cơ sở còn chậm.
"Một số lao động đề nghị hỗ trợ nhưng không cung cấp được đầy đủ thông tin về nơi ở thuê, ở trọ hoặc tên chủ cơ sở cho thuê, trọ hoặc chưa nắm đầy đủ thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Do chưa chủ động bố trí kinh phí của địa phương (cấp huyện) để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động nên tiến độ giải ngân đến người lao động còn chậm", ông Tăng Quốc Sử đánh giá về những khó khăn, hạn chế khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trên địa bàn.