Trong một cuộc gặp gỡ đối thoại của người lao động với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, anh Huỳnh Phùng Ngọc - NLĐ làm việc tại Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang - bày tỏ: “Tôi mong muốn có chính sách cụ thể, rõ ràng về vấn đề vay vốn hỗ trợ và nhà ở xã hội để NLĐ có thể an cư, ổn định cuộc sống, tập trung lao động sản xuất”.
Không chỉ anh Ngọc, qua khảo sát NLĐ và tổng hợp đề xuất kiến nghị của CĐCS đều bày tỏ nguyện vọng được tăng các khoản hỗ trợ về tiền xăng, tiền thuê nhà, tăng tiền lương và tăng mức lương tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ chi phí NLĐ gửi con dưới 6 tuổi và nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách an sinh xã hội, có việc làm ổn định, nâng cao cuộc sống... trong các cuộc gặp gỡ đối thoại.
Theo LĐLĐ tỉnh Kiên Giang, hàng năm, LĐLĐ tỉnh và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đều có văn bản chỉ đạo CĐCS tăng cường thực hiện tốt quy định về dân chủ cơ sở. Kết quả, 100% cơ quan, đơn vị và 65% doanh nghiệp có Công đoàn xây dựng quy chế dân chủ, hàng năm có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ; có 160/189 đơn vị là Công ty Cổ phần, doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10 lao động trở lên tổ chức hội nghị NLĐ, 178 doanh nghiệp tổ chức đối thoại ít nhất 1 lần/năm.
Công đoàn các cấp cũng đã chủ động xin ý kiến cấp ủy tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách của NLĐ; tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Đặc biệt là quy định pháp luật về việc làm, tiền lương tối thiểu, nâng lương, tiền thưởng, chế độ lao động nữ, chế độ BHXH, công tác ATVSLĐ, thực hiện quy chế dân chủ... Đã có trên 1.200 lượt ý kiến đề xuất kiến nghị yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 183 vụ tai nạn lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, làm 58 người chết. Quá trình tham gia xử lý vụ việc, Công đoàn các cấp đã có kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người bị tai nạn lao động đảm bảo quyền lợi cao hơn hoặc bằng quy định của pháp luật. Trong đó có gần 20 trường hợp bồi thường, trợ cấp cho gia đình NLĐ bị tai nạn lao động chết người cao hơn quy định pháp luật với giá trị trên 1,2 tỉ đồng.
LĐLĐ tỉnh còn thành lập một tổ tuyên truyền - tư vấn pháp luật Công đoàn với các thành viên được cơ cấu từ các cơ quan chức năng và các ban chuyên môn của LĐLĐ tỉnh, đồng thời chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập tổ tư vấn pháp luật, CĐCS phân công cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật. Qua đó Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập 16 tổ tư vấn và có 1.548 cán bộ Công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật trong các CĐCS, đã tổ chức tuyên truyền và tư vấn cho 11.170 lượt đoàn viên, NLĐ về các chính sách liên quan đến hợp đồng lao động, tiền lương, nâng lương, trợ cấp thôi việc, mất việc, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội.
Ông Phạm Văn Đằng - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - nhận định: “Chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị người lao động ngày càng được nâng lên. Ý kiến đề xuất, kiến nghị của Công đoàn và đoàn viên, NLĐ ngày càng được người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động quan tâm giải quyết, quyền quyết định của người lao động được đảm bảo… góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cho cán bộ, đoàn viên. NLĐ thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo chỉ đạo của cấp ủy Đảng và Công đoàn cấp trên. Các hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn ngày càng có hiệu quả, được đông đảo đoàn viên, NLĐ tin tưởng, góp phần vào việc ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động”.