Bà Chu Ngọc Hoa Liễu - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên cho biết, trong năm 2022 và 2023, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động toàn tỉnh phấn đấu đóng góp tối thiểu 10.000 sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn.
Theo đó, giai đoạn 1: Từ ngày 1.9.2021 đến 31.5.2022, phấn đấu đạt tối thiểu 3.000 sáng kiến; giai đoạn 2: Từ ngày 1.6.2022 đến 1.9.2023, phấn đấu đạt tối thiểu 7.000 sáng kiến.
Để đạt được mục tiêu đề ra, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên đề ra giải pháp như ký kết chương trình phối hợp giữa công đoàn cơ sở với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó, có các điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo, điều kiện cơ sở vật chất thực hành, ứng dụng sáng kiến; có cơ chế khuyến khích tinh thần, khen thưởng vật chất tương xứng với giá trị làm lợi mang lại, ưu tiên điều kiện nâng lương, nâng bậc, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ, vị trí công tác cao hơn cho tác giả sáng kiến có hiệu quả. Công đoàn cơ sở thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến giúp đoàn viên, người lao động hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến, hướng dẫn viết báo cáo sáng kiến và các thủ tục tham gia Chương trình.
Công đoàn các cấp trong tỉnh nghiên cứu, cụ thể hóa và lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; định hướng chỉ tiêu phấn đấu cho từng nhóm đối tượng, từng giai đoạn, từng lĩnh vực đảm bảo hoàn thành mục tiêu “1 triệu sáng kiến” chung của Chương trình và chỉ tiêu của LĐLĐ tỉnh đề ra.
Nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, sức lan tỏa các giải thưởng hiện có của công đoàn các cấp, gắn với các sáng kiến tham gia chương trình. Khuyến khích công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở tổ chức các chương trình “Ngày hội sáng kiến”, “Ngày hội ý tưởng sáng tạo” để đoàn viên, người lao động có cơ hội chia sẻ, giới thiệu về các sáng kiến của mình, qua đó lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng thuận đưa vào ứng dụng trong thực tế, nhân rộng các sáng kiến hiệu quả.
Đẩy mạnh việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chương trình. Công đoàn cơ sở cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tác giả sáng kiến. Các cấp công đoàn có thể tổ chức vinh danh qua mỗi đợt thi đua cao điểm.
Công đoàn thường xuyên thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình; về các sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu tham gia Chương trình trên các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống công đoàn, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội của các cấp công đoàn. Khuyến khích cán bộ công đoàn năng động, sáng tạo, có các giải pháp hiệu quả trong thực hiện và lan tỏa sâu rộng về Chương trình.
Tính đến 14h30 ngày 17.3, trên cổng thông tin của Tổng LĐLĐVN tại địa chỉ https://congdoanvietnam.org đã có 15.834 người đăng ký; 25.793 lượt nộp sáng kiến. Dẫn đầu là LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá với 8.083 lượt nộp; Nghệ An với 4.083 lượt nộp; Hà Tĩnh là 2.865 lượt nộp.