Người lao động học nghề để phát triển kinh tế
Trước đây, anh Phạm Văn Hanh, ở Đắk N'Drung, huyện Đắk Song đã được tham gia lớp đào tạo nghề sơ cấp Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Sau 3 tháng học tập anh Hanh đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào việc phát triển nương rẫy của gia đình. Theo anh Hanh, hiện nay, gia đình anh đang phát triển được hơn 3ha hồ tiêu, mắc ca và các loại cây ăn trái khác.
"Những kiến thức dạy nghề đã giúp tôi và gia đình chăm sóc và ngăn chặn các loại dịch bệnh trên cây trồng có hiệu quả. Nhờ đó, vườn hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái của gia đình vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt, kinh tế của gia đình ngày càng ổn định, khá giả" - anh Hanh cho hay.
Theo ông Nguyễn Trọng Chuẩn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã đào tạo được 5 lớp nghề nông thôn cho lao động nông thôn, với tổng số 135 học viên.
Qua đánh giá, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã đạt nhiều kết quả. Trong đó, học viên tham gia vào lớp học nghề đều tự tạo việc làm tại gia đình góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.
Đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp, phần lớn lao động nông thôn khi tham gia các lớp học nghề đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất.
Qua đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tạo niềm tin và uy tín đối với người lao động
Cũng theo ông Chuẩn, nhìn chung lao động nông thôn cơ bản nhận thức rõ về chính sách đào tạo nghề học nghề để phục vụ vào sản xuất.
Điều đáng phấn khởi, công tác dạy nghề đã tạo được uy tín và niềm tin đối với người lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ lao động nông thôn đăng ký tham gia học nghề tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả như: Đắk Môl, Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình.
"3 tháng cuối năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song sẽ tiếp tục tuyển sinh, dự kiến sẽ mở thêm 3 lớp dạy nghề Làm đẹp ở xã Nam Bình; Chăn nuôi ,thú y ở xã Thuận Hạnh; Tin học ơ xã Thuận Hà.
Ghi nhận về công tác đào tạo nghề ở địa phương, ông Bùi Ngọc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Song cho biết, hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thông qua công tác đào tạo nghề, ở huyện Đắk Song đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.