Trải lòng của nữ điều dưỡng chăm sóc người “gần cõi chết”

Vũ Quỳnh |

Không phải ai theo nghề y cũng may mắn có được niềm vui cứu chữa, chăm sóc để bệnh nhân của mình khỏe mạnh xuất viện. Cũng là nhân viên y tế, nhưng công việc hằng ngày của nhân vật trong bài viết này là chăm sóc, gần gũi những bệnh nhân sống những ngày cuối cùng của cuộc đời, lẽ thường, họ cũng phải đối mặt với những lần “đưa tiễn cuối cùng”.

Bệnh nhân khó chịu thì mình phải… chịu khó

12 giờ trưa, guồng máy công việc của các điều dưỡng khoa Điều trị nội trú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi điều trị cho 100 bệnh nhân ung thư vẫn chưa dừng lại. Chị Huỳnh Thị Thu Trang, điều dưỡng trưởng của khoa dạo quanh các buồng bệnh, nhẹ nhàng giục mọi người dùng cơm trưa.

Tại một giường bệnh gần cửa sổ, người đàn ông tầm 50 tuổi nhìn chị, gật đầu và mỉm cười. Đó là một trong những bệnh nhân đặc biệt của chị. Ông từng có một gia đình đầm ấm. Thế nhưng, 15 năm trước, khi “cơm không lành, canh không ngọt”, hai vợ chồng li dị, ông trở thành người đàn ông cô độc vì các con quyết định sống với mẹ. Về già, khi phát hiện căn bệnh u não ở giai đoạn cuối, ông nhập viện trong tình trạng không một người thân thích. Người đàn ông hay nhìn qua cửa sổ, ánh mắt buồn xa vắng và chẳng thiết tha gì sự chăm sóc của điều dưỡng, bác sĩ.

Thấy hoàn cảnh cô độc của bệnh nhân, chị Thu Trang đã tìm cách giúp ông liên lạc được với 4 người anh em ruột và báo tin cho họ. Vài ngày sau, một người em rể của ông tìm đến, chăm sóc và tâm sự với ông những ngày cuối đời. Khi gặp riêng điều dưỡng, người em rể nước mắt lưng tròng: “Không phải cả nhà bỏ rơi anh ấy, nhưng giờ anh em ai cũng kiếm ăn từng bữa, không đủ khả năng để lo”. Thấu hiểu, chị Trang lại hướng dẫn ông làm đơn miễn giảm viện phí và nhờ sự trợ giúp của phòng công tác xã hội để yên tâm về tiền bạc: “Làm việc ở đây, chúng tôi thấm thía một điều rằng, cái chết – một điều mà mình không thể chống lại được. Do vậy, mình chỉ có cách giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn cuối đời nhẹ nhàng hơn. Đừng để họ chới với, cô đơn hay phải gặp thêm bi kịch nào trước cái chết” - chị Thu Trang tâm niệm.

Từng là điều dưỡng gắn bó với khoa Dịch vụ - nơi được xem là “sang chảnh” của bệnh viện, những ngày đầu chuyển về nơi chăm sóc bệnh nhân ung thư, chị Trang không tránh khỏi cảm giác stress: “Ung thư là một cái tin khó lòng chấp nhận nổi với bệnh nhân. Vì vậy, không chỉ thể lực bất an, tâm lý bệnh nhân cũng vô cùng bất ổn, có những phản ứng rất khó chịu đối với nhân viên y tế. Nhưng bao nhiêu năm làm điều dưỡng, tôi được dạy rằng, bệnh nhân càng khó chịu thì mình càng phải… chịu khó”.

 

Khi cái chết được báo trước

Ở nơi tập hợp của hàng trăm bệnh nhân ung thư này, các điều dưỡng ít có may mắn được nhìn thấy bệnh nhân của mình khỏe mạnh xuất viện. Họ chứng kiến nhiều hơn những cuộc tiễn đưa – khi bệnh nhân quyết định rút ống, xin về. Có những ngày, họ phải tiễn 3-4 bệnh nhân. Bởi vậy, khi nhắc đến những kỷ niệm trong nghề, với chị Trang, những kỷ niệm đó cũng nhuốm màu sắc trầm buồn.

Đó là một chú công an tuổi đời vừa chớm 50. Ông nhập viện điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối khi mà cách đó 3 tháng, người vợ của ông cũng chết vì ung thư dạ dày. Hai đứa con của ông vẫn còn đang học cấp 3 và cấp 2. “Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt hụt hẫng và bàng hoàng của ông ấy và hai đứa con” – chị Trang kể lại.

Những ngày cuối đời, ông không ăn uống được gì. Bác sĩ chỉ định đặt ống sont nuôi ăn qua dạ dày cho ông. Nhưng ông nhất định không chấp nhận. Những cô điều dưỡng trẻ nhiều lần tái mặt khi ông hất tay, nói một câu lạnh tanh: “Cô thử đặt cho cô trước đi rồi biết”. Chị Trang nhẹ nhàng tiến lại gần bệnh nhân, an ủi: “Con biết đặt ống thông rất khó chịu, nhưng vì sức khỏe, chú hãy chịu khó”. Chị gọi hai người con của ông đến, nhờ nắm lấy tay cha, trấn an ông. Có người thân bên cạnh, ông mới tin tưởng để điều dưỡng đặt ống thông cho mình. Ngày ông ra đi, hai chị em bơ vơ và chịu nỗi đau tận cùng vì chỉ trong vòng 4 tháng, chúng mất cả cha lẫn mẹ vì ung thư: “Chứng kiến nỗi đau đó, cảm giác của chúng tôi là một nỗi đau đớn xen lẫn bất lực”. 7 năm trôi qua, việc duy nhất mà chị và các đồng nghiệp của khoa có thể làm được là dõi theo bước đi của hai người con. Giờ, cô chị gái đã tốt nghiệp đại học và lấy chồng, người em trai đang du học ở nước ngoài. Hai chị em vẫn thường xuyên liên lạc với các điều dưỡng trong khoa và thông báo về những chặng đường mới.

Nhiều năm làm việc ở Khoa, với chị Trang, điều đáng sợ nhất là bệnh nhân đòi tự tử. Với họ, ung thư như một án tử treo lơ lửng trên đầu. Nhiều người biết mình ung thư, âm thầm nhập viện. Nhưng về sau, khi bệnh nặng, họ không giấu được. Thấy người thân bị ung thư, đôi khi người nhà lại dễ bị tổn thương hơn cả bệnh nhân. Họ cứ ám ảnh về “cái chết được báo trước của người thân”. Vì vậy, với chị, cái khó của công việc này là phải chăm sóc tâm lý bệnh nhân, tìm hiểu tôn giáo, niềm tin của từng người để mượn làm điểm tựa cho bệnh nhân và cả người nhà.

Làm việc nơi nhuốm màu trầm buồn này, người ta dễ rơi vào trạng thái tiêu cực. Nhưng nơi đây, họ tìm thấy những mảng màu tươi sáng. Đó là những bệnh nhân cùng phòng an ủi, chăm sóc nhau, đó là những bệnh nhân lạc quan và sống chung với ung thư hàng chục năm trời, đó là tấm lòng một bệnh nhân trước khi qua đời đã nhờ gia đình mang toàn bộ tiền phúng viếng trong đám tang của chính mình đến giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác…“Để có đủ năng lượng gắn bó và làm việc ở nơi này, tôi chỉ có một cách, đó là cảm nhận cuộc sống bằng cả tấm lòng. Chỉ cần mở lòng là thấy cuộc sống tươi đẹp. Và tôi luôn an ủi bệnh nhân của mình bằng điều tương tự”. 

Vũ Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.