Thầy giáo 10 năm tâm huyết dạy bơi miễn phí cho trẻ em

Trần Tuấn |

“Phải làm sao để càng nhiều trẻ em biết bơi càng tốt. Mình xem dạy bơi cho các em là niềm vui, là công việc gắn bó lâu dài với tâm niệm, bớt được một người chết đuối là tăng thêm phúc đức cho bản thân, gia đình” - thầy giáo Lê Văn Tùng, Trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ về công việc 10 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của mình.

Dạy để không còn trẻ chết đuối

Tôi tìm gặp thầy giáo Lê Văn Tùng (39 tuổi, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Cẩm Trung) đúng dịp kỉ niệm 34 năm ngày nhà giáo Việt Nam. Thầy Tùng dáng người cao, gầy nhưng tác phong nhanh nhẹn, nét mặt phúc hậu, thân thiện. Tốt nghiệp khoa Thể chất, Trường Đại học Vinh, từng công tác tại một vài trường khác trước khi về Trường THCS Cẩm Trung từ năm 2005 cho đến nay. Từng có ý tưởng dạy bơi miễn phí cho trẻ em, nhưng phải đến khi về công tác tại ngôi trường ngay trên quê hương của mình, thầy Tùng mới có điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình. Nghĩ là phải làm cho được, ngay trong năm đầu về Trường Cẩm Trung, thầy Tùng đã tự khảo sát, nắm bắt tình hình rồi đề xuất xin lãnh đạo nhà trường cho phép mình tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh của Trường ở vùng hạ lưu sông Rác thuộc 2 xã Cẩm Trung và Cẩm Lĩnh, sát biển Cửa Nhượng. Thấy đây là điều cần làm, lãnh đạo nhà trường phấn khởi ủng hộ ngay. Chính quyền xã Cẩm Trung và Cẩm Lĩnh cũng có quyết định đồng ý cho thầy Tùng dạy bơi và giao đoàn thanh niên hỗ trợ thầy khi cần thiết.
Trong năm đầu, lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tùng thu hút khoảng 40 học sinh tham gia. Trong đó chủ yếu là con em ở các xóm 4,5,7 của xã Cẩm Lĩnh, xóm 1,2 của xã Cẩm Trung. Lớp học được đặt tên là “CLB bơi lặn Trung Lĩnh”. Thời gian đầu, thầy Tùng phải tự đi xin tre về đóng cọc rồi mua dây giăng làm hành lang an toàn, để khi bơi các em không vượt ra vùng quá sâu, nguy hiểm. Thầy còn đi xin săm ôtô, xe máy hỏng vá lại làm phương tiện hỗ trợ ban đầu khi các em xuống nước, tập bơi.
“Dù đã nhờ các thôn, xóm tuyên truyền, vận động phụ huynh cần cho con em học bơi để hạn chế tai nạn sông nước. Thế mà, ban đầu một số phụ huynh ở vùng biển Cẩm Lĩnh vẫn nói mình gàn, rỗi hơi, người trên rừng mà xuống biển dạy bơi. Nhưng rồi, sau đó, chính họ lại đưa con đến nhờ mình dạy. Mình không giận, mà vui vẻ nhận” - thầy Tùng chia sẻ. Hỏi về điều gì thôi thúc thầy mở lớp dạy bơi miễn phí? Thầy Tùng nặng lòng: “Thì từ thực tế thấy  nhiều trẻ em bị chết đuối đau lòng quá. Mà các em bị đuối thường là ở cái tuổi trên 9, 10 lẽ ra đã phải biết bơi rồi. Và nếu biết bơi thì hạn chế được rủi ro. Vì thế mà mình cần phải dạy bơi cho các em để bớt những cái chết oan uổng”

Các em trong Lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tùng đang hăng say luyện tập.

Phải tâm huyết lắm mới làm được

Lớp dạy bơi của thầy Tùng chỉ diễn ra vào mùa hè. Bởi, những mùa khác nước lạnh, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Học trò của thầy từ 9 tuổi trở lên và không phân biệt là trẻ em của xã nào, trường nào. Thời gian học cứ vào tầm khoảng 16h30 - 18h. Trong 10 năm qua, thầy Tùng đã dạy bơi miễn phí cho khoảng trên 4.000 trẻ em. Có năm, số học sinh học bơi đến 500 em, lúc đó không chỉ các em từ huyện nhà, mà ngay cả học sinh từ huyện Kỳ Anh cũng ra xin học. Tôi hỏi, với số lượng đông như thế, thầy quản lý sao được? Thầy Tùng cười “Nói ra thì tưởng khó, nhưng có phương pháp thì thành ra cũng đơn giản thôi. Mình đã có hành lang an toàn tại khu vực bơi. Ngoài ra, mình sử dụng những em lứa trước đã bơi giỏi để giúp thầy cùng quản lý, giám sát các em mới vào học. Cứ như thế, khóa trước hỗ trợ, giúp khóa sau nên vừa hiệu quả, lại đảm bảo được an toàn”. Điều đáng mừng là trong 10 năm qua, chưa có một trường hợp nào bị tai nạn đuối nước từ lớp dạy bơi của thầy Tùng. 
Nhà thuộc xóm 7, xã Cẩm Trung xuống khu vực dạy bơi khá xa, khoảng 15km. Thế nhưng, gần 3 tháng hè, cứ đều đặn chiều nào thầy Tùng cũng tự bỏ tiền túi đổ xăng, chạy xe máy xuống dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Trong khi cuộc sống của thầy cũng rất khó khăn. Đồng lương giáo viên của thầy Tùng ít ỏi, vợ không có việc làm, lại đang nuôi 2 con nhỏ. “Gia đình vẫn khó khăn, lại bỏ tiền túi đi dạy bơi, vợ thầy có phàn nàn không?” - Tôi hỏi. Thầy Tùng cười, trả lời bình thản: “Trước khi lấy vợ, mình cũng đã đi dạy bơi mấy năm rồi. Vì thế, cô ấy rất chia sẻ, ủng hộ công việc của chồng. Nói thật cũng rất vất vả, phải hi sinh, tâm huyết lắm mới làm được”.
Thầy Tùng từng đi tập huấn kĩ năng dạy bơi cho nhiều bí thư đoàn xã với hi vọng mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ em được nhân rộng. Thế nhưng, rồi cũng chẳng thấy khai sinh thêm được lớp nào. Bởi, như lời thầy đã chia sẻ, phải thật sự tâm huyết, phải hi sinh bản thân, phải có kĩ năng, phương pháp thu hút chứ không phải bơi giỏi là dạy bơi được.

Biết ơn thầy lắm!
Khi tôi đến, trong căn nhà cấp 4 của thầy Tùng, một dãy dài bằng khen của các cấp dành cho thầy Tùng được treo kín trên tường. Trong đó, có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Giáo dục, kỉ niệm chương của Bộ GTVT và hàng loạt giấy khen là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trong nhiều năm liền.
 Thầy Tùng giọng khiêm tốn khi nói về chuyện được khen thưởng của mình. Điều anh nói nhiều và giọng đầy trăn trở là “làm  sao để mở rộng được nhiều nơi có lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ. Có như thế mới thu hút được nhiều em tham gia. Bởi, cuộc sống của nhiều gia đình còn rất khó khăn, nếu thu tiền theo kiểu mở dịch vụ thì họ không theo được”. Thầy Tùng cũng lo ngại khi gần đây, sông Rác do nhiều hộ dân chăn nuôi xả phân trực tiếp xuống, cùng với việc đổ rác bừa bãi khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Vừa qua, thầy đã đi khảo sát ở các hồ Bộc Nguyên, Kẻ Gỗ, Sông Rác để tìm địa điểm dạy bơi có nguồn nước sạch sẽ hơn. Thế nhưng, do vị trí quá xa, gây khó khăn cho việc đi lại của các em nên hiện vẫn chưa tìm được địa điểm hợp lý thay thế.
Tôi hỏi, nhiều khó khăn, vất vả thế, liệu lớp dạy bơi của thầy có duy trì được lâu nữa không? Thầy Tùng giọng quả quyết: “Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ dừng lại. Mà phải mở rộng ra, nhân rộng lên dù cho khó khăn đến mấy. Phải làm sao để càng nhiều trẻ em biết bơi càng tốt. Mình cũng xem dạy bơi cho các em là niềm vui, là công việc gắn bó lâu dài với tâm niệm, bớt được một người chết đuối là tăng thêm phúc đức cho bản thân, gia đình”.  Thầy Bùi Quang Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Trung nói rằng, thầy Tùng là cá nhân tiêu biểu, xuất sắc để nhiều người khác noi theo, học hỏi. “Trong công việc của trường, thầy Tùng nhiệt tình, hăng say, có tâm huyết, có đóng góp rất lớn trong việc rèn luyện, giáo dục pháp luật, đạo đức cho học sinh. Đặc biệt, ngoài việc ở trường, thầy Tùng còn tự nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ em từ nhiều nơi khác. Việc đó được phụ huynh rất phấn khởi, ca ngợi rất nhiều...” - thầy Huân giọng đầy tự hào. Chị Hồ Thị Trung (44 tuổi) có 2 đứa con đang theo học tại Trường THCS Cẩm Trung giọng phấn khởi: “Nhà tui hiện có cháu Trinh (con gái) và cháu Khánh đang học ở trường cấp 2 Cẩm Trung. Nhờ được học bơi miễn phí từ thầy Tùng mà cả hai đều bơi rất giỏi.  Nhờ thầy mà bậc làm cha làm mẹ cảm thấy yên tâm hơn mỗi lúc con cái đi xa nhà, tiếp xúc với sông, nước”. 
Rời mảnh đất Cẩm Xuyên, đi qua nhiều con sông, hồ, đập thấy lũ trẻ đang nô đùa lúc chăn trâu, cắt cỏ. Ở đó, có nhiều em rất tự tin với sông nước vì đã được thầy Tùng trang bị cho kĩ năng bơi, lội, và cả phương pháp sơ cứu nếu chẳng may gặp sự cố...  

Trần Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.