Xã có nhiều tỉ phú ở Tây Nguyên

Hữu Long |

Xã Nâm N’Jang có dân số tròm trèm 1% so với toàn huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), nhưng đổi lại, vùng đất này được biết đến với nhiều nông dân tỉ phú nhờ trồng hồ tiêu. Khách phương xa có dịp tới xã vùng biên chắc hẳn ngỡ ngàng trước những ô tô hạng sang, ngôi nhà đồ sộ mọc lên cùng hàng ngàn ha hồ tiêu, cà phê tươi tốt… Số liệu thống kê chưa đầy đủ của xã Nâm N’Jang cho hay, hơn 30% số hộ của xã có thu nhập mỗi năm từ 1 tỉ đồng trở lên. Nhà xây tiền tỉ ở Nâm N’Jang giờ đã trở thành chuyện bình thường, còn ô tô tạm tính hơn 300 chiếc các loại.

Thoát nghèo trở thành tỉ phú

Tại Tây Nguyên, tôi từng nghe nhiều về những ngôi làng tỉ phú, làng “đại gia”… nhờ các loại nông sản đặc hữu nhưng có lẽ danh hiệu một xã có số hộ giàu, hộ tỉ phú đếm không xuể thì mới lần đầu. Từ đoạn quốc lộ 14 qua thị trấn Đức An (huyện Đắk Song) hướng về thị xã Gia Nghĩa, hỏi xã tỉ phú Nâm N’Jang, ai cũng trầm trồ bởi sự ưu đãi của thiên nhiên cùng đức tính chịu khó của người dân địa phương đã làm thay đổi bộ mặt nơi đây. Từ thị trấn Đức An rẽ vào sâu còn đường gập ghềnh, trùng trùng điệp điệp rẫy nương cà phê, cao su, hồ tiêu, xã Nâm N’Jang đập vào mắt chúng tôi là một nơi tấp nập, xôm tụ người bán kẻ mua. Dọc đường vào xã, những ngôi nhà “ngước mỏi mắt” vẫn tiếp tục đua nhau mọc lên khẳng định sự vương thịnh của vùng đất này.

Ghé một quán nước ven đường, câu chuyện chúng tôi nghe nhiều nhất là việc không ít đàn ông trong xã tạm gác chuyện nương rẫy để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục học bằng lái xe ô tô. Thật vậy, quan sát dọc đường, nhiều băng rôn đăng ký học bằng lái xe tại các điểm treo chi chít. Thì ra, trong xã hiện có không ít khách hàng “tiềm năng” đã và đang sở hữu ô tô cần bằng lái. Anh Huỳnh Công Quang (42 tuổi, trú thôn 3, xã Nâm N’Jang) đón chúng tôi tại nhà khi vừa rửa xong chiếc ô tô láng cóng. Ngồi trò chuyện, anh Quang cho biết, tháng vừa rồi, dành dụm mãi vợ chồng anh vừa mua ô tô giá 1,3 tỉ dùng để di chuyển, thăm người thân, bạn bè. Chuyện nông dân mua ô tô tiền tỉ ở nhiều địa phương là hạn hữu nhưng trường hợp anh Quang mua ô tô vậy vẫn liệt vào hộ “trễ” trong xã bởi ở địa phương, gần như nhà nào cũng có có từ 1 đến 2 chiếc ô tô chưa kể máy cày đếm không hết! Mừng vì có xe mới nhưng anh cũng chỉ mới đánh ô tô chở gia đình đi loanh quanh trong xã bởi đang đợi… lấy bằng lái. Dạo một vòng quanh xã Nâm N’Jang thì hầu như các gia đình có cuộc sống khá giả như gia đình anh Quang không ít. Đại đa số, người dân xã Nâm N’Jang thoát nghèo, trở thành tỉ phú nhờ con sốt giá hồ tiêu cách đây vài năm thế nhưng, để có được sự thịnh vượng như vậy quả thật không dễ dàng…

Những năm 1995, khu vực xã Nâm N’Jang bạt ngàn núi rừng. Đất đai trù phú nhưng nhà cửa thưa thớt, từng nhóm dân di cư gốc miền Trung lầm lũi tìm vào đây khai hoang làm nương rẫy. Vốn tính chăm chỉ, anh Quang cùng vợ là chị Đỗ Thị Phương Uyên gom góp tài sản mua hơn 4ha đất hoang trồng nông sản. Thời gian đầu, anh chị trồng bắp, khoai, cà phê nhưng mãi chật vật. Ước mơ thoát nghèo dần trở thành hiện thực từ lúc vợ chồng anh Quang chuyển đổi toàn bộ số đất trên sang trồng hồ tiêu. “Cây tiêu dù khó trồng nhưng giá trị kinh tế của nó lại cao hơn so với nhiều nông sản khác. Năm 2010 trở đi, giá tiêu lên cao chót vót, đỉnh điểm năm 2015 khi giá nhảy vọt 200 ngàn đồng/kg. Thời điểm đó, không riêng gì gia đình tôi, nhiều nhà trong xã thu được từ 1-4 tỉ đồng là chuyện bình thường” – anh Quang nói và chia sẻ, cũng nhờ cây tiêu mà vợ chồng anh chị đã xây dựng một căn nhà khang trang có giá gần 2 tỉ đồng và sắm xe ô tô cùng nhiều tài sản giá trị khác.

Mặc dù nhiều nông dân trở thành tỉ phú nhờ cây hồ tiêu nhưng gần đây, giá hồ tiêu giảm mạnh khiến nhiều người bắt đầu chuyển đổi sang trồng cà phê, sầu riêng... Ảnh: H.L
Mặc dù nhiều nông dân trở thành tỉ phú nhờ cây hồ tiêu nhưng gần đây, giá hồ tiêu giảm mạnh khiến nhiều người bắt đầu chuyển đổi sang trồng cà phê, sầu riêng... Ảnh: H.L

Lắm tỉ phú nhưng chưa bền vững

Xã Nâm N’Jang có gần 3.000 hộ nhưng diện tích sản xuất đến 5.300 ha cây công nghiệp, chủ yếu là tiêu, cà phê; 1.030 ha cây ngắn ngày, chưa kể người dân mua đất canh tác ở các xã lân cận ước hơn 1.000 ha nữa. Năm 2015, Nâm N’Jang thu trên 6.000 tấn hạt tiêu, trị giá hơn 1.100 tỉ đồng; 7.000 tấn cà phê trị giá khoảng 250 tỉ đồng… Số liệu thống kê chưa đầy đủ của xã Nâm N’Jang cho hay, hơn 30% số hộ của xã có thu nhập mỗi năm từ 1 tỉ đồng trở lên; cá biệt có hộ như dân trong xã thu tới 200 tấn tiêu, trị giá hơn 35 tỉ đồng. Nhà xây tiền tỉ ở Nâm N’Jang giờ đã trở thành chuyện bình thường, còn ô tô tạm tính hơn 300 chiếc các loại.

Chúng tôi ghé nhà ông Phạm Hồng Nhật (46 tuổi, thôn 3, xã Nâm N’Jang) khi lão nông vừa đánh chiếc máy cày từ nương rẫy về nhà. Khách vào nhà, ông Nhật chân tay lấm lem bùn đỏ tìm ra bể nước góc nhà, xối qua nước giếng rồi cho biết vừa dẫn đám công nhân làm thuê ra rẫy nhà để tính toán bỏ đi ít trụ tiêu lớn tuổi. Thấy khách ngạc nhiên bởi căn nhà giá 1,4 tỉ đồng cùng ô tô "xịn" là nhờ cây hồ tiêu nhưng nay lại chặt bỏ, ông Nhật cười buồn. Sau khoảng im lặng dùng chén trà, ông Nhật mới tiết lộ, một năm trở lại đây, giá tiêu rớt không phanh sau kì sốt “giá” khiến nhiều gia đình ồ ạt trồng tiêu phải điêu đứng. Như các hộ trong xã, nhà ông Nhật trồng khoảng 3ha hồ tiêu từ trước năm 2000 nên trước đó, gia đình ông thu trên 4 tỉ đồng. Giờ nghĩ lại, ông cho rằng bản thân chỉ may mắn bởi “giá cả hồ tiêu trồng ra do thị trường quyết định nông dân vẫn nhắm mắt trồng đại. Giàu được rủi chịu!” Hỏi chuyện tương lai liệu vẫn trồng tiêu, ông Nhật bảo chẳng thể nói trước điều gì. Trông thị trường chuộng thứ nông sản nào thì “liệu cơm gắp mắm”. Cũng gần đây, ông Nhật đã bàn với vợ phá bỏ những trụ tiêu già cỗi, trồng xen canh thêm các loại nông sản như bơ, sầu riêng để đảm bảo cuộc sống hơn. Chúng tôi rời nhà ông Nhật vừa lúc chiếc xe bán tải tấp vào giao vài ngàn cây sầu riêng giống. Trước lo lắng của ông Nhật cùng nhiều người dân xã Nâm N’Jang về việc trồng liệu trồng sầu riêng có thể đón đầu thị trường như hồ tiêu trước đây hay không, chúng tôi không có chuyên môn cũng như thẩm quyền trả lời được. Duy chỉ có điều tương lai, xã Nâm N’Jang lại có xuất hiện nhiều tỉ phú sầu riêng, cà phê, hồ tiêu nữa hay không thì phải đợi thị trường trả lời...

Ông Nguyễn Văn Sang - Bí thư Đảng ủy xã Nâm N’Jang cho biết, xã Nâm N’Jang là địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Đắk Nông. Chính nhờ hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu mang lại, bộ mặt xã nhà đã có sự thay đổi đáng mừng. Theo ông Sang, việc làm giàu từ cây hồ tiêu làm đời sống vật chất của người dân tăng cao; hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá bài bản, quy mô, phục vụ tốt hơn việc phát triển kinh tế, xã hội. “Với thế mạnh về đất đai, địa phương xác định phát triển trồng các loại cây nông sản luôn là hướng đi bền vững đúng đắn. Dù vậy, để phát triển bền vững, chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người dân không ồ ạt phát triển diện tích hồ tiêu hoặc một loại cây nào đó mà cần tập trung thâm canh. Còn về lâu dài, địa phương thường xuyên kết nối giữa doanh nghiệp và người dân xây dựng các mô hình trồng tiêu sạch, đạt chuẩn… để giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất” – ông Sang nói.

Với thế mạnh của một vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, nhiều năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây hồ tiêu, cà phê, cao su, điều, chè, ngô lai… Theo số liệu thống kê năm vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên sản xuất khoảng 71.000 ha tiêu, chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu của cả nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và tạo thương hiệu nông sản hàng hóa Tây Nguyên, thiết nghĩ các bộ, ngành chức năng sớm hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các đề án bảo tồn giống quý, trung tâm giống cây, con, trung tâm bác sỹ cây trồng, vật nuôi gắn với đào tạo nguồn nhân lực…

Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.