“Ưu tiên tuyển nam” chính là bất bình đẳng giới!

Lê An Nhiên |

“Ưu tiên tuyển nam. Có sức khỏe. Không ngại đi xa. Chưa có gia đình sẽ là lợi thế…” – Một mẫu tuyển dụng lao động xuất hiện không chỉ 1 mà rất nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp (DN). Mặc dù đó là một biểu hiện của bất bình đẳng giới, khiến cho lao động nữ mất đi cơ hội việc làm nhưng vẫn được chấp nhận.

Tuyển dụng cần sức khỏe, kỹ năng hay cần giới tính?

Chị Thúy Hồng (quê Phú Yên) tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp. Chị bộc bạch, từ khi còn học cấp hai, Hồng đã thích môn kỹ thuật, việc tháo lắp, đấu nối các đường dây điện nóng, nguội khiến chị rất thích thú. Về nhà, chị tự mày mò, đấu nối các bóng điện rồi thắp sáng được khiến chị quyết tâm sau này sẽ đi học ngành điện. Ngày chị làm hồ sơ thi vào ngành điện công nghiệp của một trường cao đẳng, bạn bè, thầy cô, gia đình đã can ngăn. Lý do được tất cả mọi người đưa ra là “Con gái thì chọn ngành gì nhẹ nhàng, nhàn thân, ngành điện là của con trai”.

Bỏ mặc ngoài tai, chị quyết đi học về điện. Lớp cao đẳng của chị Hồng lúc đó, duy nhất mình chị là con gái. Các nam sinh lúc đó thay vì hỗ trợ lại tỏ ra không thích chị bởi lý do duy nhất “con gái mà đi học điện”. Để chứng tỏ mình không hề thua kém các bạn nam, chị không nhờ cậy ai suốt quá trình học, ngược lại, chị còn là người luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về kết quả học tập cả về lý thuyết lẫn thực hành. “Thế nhưng, khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi tôi đi xin việc” – Chị Hồng thở dài, nhìn tấm bằng tốt nghiệp đỏ chót của mình.

Ở nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư, thợ điện đều ghi yêu cầu “Tuyển nam”. Chị khăn gói vào Nam, tình hình cũng không có gì khá hơn. Khi chị nộp hồ sơ ứng tuyển, người tiếp nhận trả hồ sơ của chị ngay mà không cần nhìn bằng cấp. Gần một năm không xin được việc với chuyên ngành mình học và yêu thích, chị nộp đơn xin làm công nhân may. Chị buồn rầu: “Tôi nghĩ mình không hề thua kém gì các bạn nam nhưng phía nhà tuyển dụng không nghĩ như vậy. Tôi đi làm công nhân may, những người từng ngăn cản tôi giờ đây càng khẳng định họ đúng, tôi sai. Thực sự tôi rất ấm ức, tôi chẳng biết các doanh nghiệp tuyển người vào làm việc là tuyển người có sức khỏe, kỹ năng hay tuyển giới tính nữa”.

Là nữ tài xế chạy xe tải, chị Minh Thùy (quận Thủ Đức, TPHCM) kể lại câu chuyện của mình: “Tôi rất thích làm tài xế, ôm vô lăng rong rủi trên đường. Hồi tôi đi học bằng lái xe tải, ông thầy dạy tôi rất e dè. Thầy khuyên tôi suy nghĩ lại vì lái xe tải rất cực, chỉ thích hợp cho nam giới, có sức khỏe. Tôi khẳng định với thầy là tôi rất khỏe, tôi làm được, thầy chỉ cần dạy thôi. Rồi tôi cũng có tấm bằng. Nhưng có bằng xong thì xin vào các doanh nghiệp vận tải không ai nhận hết. Tôi xin đi làm tài xế chạy taxi, được một thời gian, tôi gom góp mua chiếc xe tải con con rồi chở hàng thuê. Nhiều người nói tôi bị này bị kia, nhưng tôi đảm bảo, tôi “nữ 100%”, chỉ là tôi thích chạy xe tải thôi”.

Gặp rào cản khi thăng tiến

Chị Thúy Hồng, chị Minh Thùy chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp chịu thiệt thòi hoặc gặp khó khăn khi đã thích những công việc mà xã hội đã mặc định “việc đó là của đàn ông”. Theo một khảo sát của ILO và Navigos Search thì 1/5 trong số 12.300 quảng cáo tuyển dụng trên bốn cổng thông tin việc làm lớn Việt Nam (Vietnamworks, JobStreet, CareerBuider, Career Link) trong thời gian từ giữa tháng 11.2014 đến giữa tháng 1.2015 có đưa ra yêu cầu về giới tính. Trong số các việc làm đăng tuyển có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới trong khi chỉ có 30% mong muốn ứng viên nữ nộp hồ sơ. Nam giới thường được nhắm tới cho các công việc mang tính chất chuyên sâu hơn và đòi hỏi kỹ năng cao hơn hoặc các công việc yêu cầu di chuyển nhiều, như kiến trúc sư, lái xe, kỹ sư và công nghệ thông tin. Trong khi đó, phụ nữ thường được yêu cầu cho các công việc mang tính chất hỗ trợ và văn phòng như lễ tân, thư ký, kế toán, nhân sự và hành chính. Theo các chuyên gia, thông qua việc công khai yêu cầu về giới khi đăng tuyển việc làm, việc tiếp cận của phụ nữ và ngay cả nam giới đối với một số loại hình công việc nhất định bị hạn chế, do đó họ bị tước đi những cơ hội quan trọng trong thị trường lao động.

Không chỉ bị hạn chế hoặc mất cơ hội lựa chọn công việc yêu thích, nhiều lao động nữ còn gặp rào cả khi thăng tiến với lý do “chỉ vì họ là nữ”. Chị Ái Vy (quận 1, TPHCM), chia sẻ khó khăn của mình khi ứng tuyển vào một vị trí quản lý: “Lúc đó tôi mới lập gia đình xong. Nhà tuyển dụng hỏi về gia đình chồng thì được biết chồng tôi là con một. Sau đó hỏi suy nghĩ của tôi về con cái… Tôi trình bày rất thoải mái và tôi nói luôn nguyện vọng của mình là sẽ sinh con sau 1 năm kết hôn. Chính chia sẻ này của tôi đã làm khó tôi. Nhà tuyển dụng nói thẳng rằng, khả năng của tôi rất phù hợp với yêu cầu của họ. Họ mong muốn được tuyển dụng tôi với một điều kiện, phải cam kết không có con trong 3 năm làm việc tại doanh nghiệp. Họ cho rằng, có con sẽ ảnh hưởng đến công việc và thường khi con cái nheo nhóc thì làm sao yên tâm làm lãnh đạo”. Chị Vy suy nghĩ khá nhiều về đề nghị của nhà tuyển dụng bởi mức lương họ đưa ra rất cao và cơ hội thăng tiến của chị khi làm việc ở đây là có. Nhưng chị còn có một rào cản từ gia đình chồng, chị không muốn gia đình chồng thất vọng khi trì trệ việc sinh con. Sau 1 tuần suy nghĩ, chị đã lựa chọn gia đình. Giờ đây, chị đang làm một công việc lương thấp hơn vị trí trước kia ứng tuyển nhưng chị phải chấp nhận vì chị còn có con nhỏ.

Chia sẻ về những thiệt thòi của lao động bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng giới, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên – Trưởng ban nữ công (LĐLĐ TPHCM) cho rằng: “Thúc đẩy bình đẳng giới, môi trường làm việc công bằng giữa nam – nữ là điều ai cũng muốn hướng tới và cho rằng đó là điều đúng đắn. Tuy nhiên, khi thực hiện thì không không phải ai cũng đủ nhạy cảm để nhận ra những sự bất bình đẳng hoặc có nhận ra nhưng vì định kiến tồn tại từ lâu đời mà dễ dàng chấp nhận. Một điều chắc chắn rằng, một môi trường làm việc có sự cân bằng về giới không chỉ có lợi cho tất cả người lao động mà chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, toàn xã hội được lợi”.

Lê An Nhiên
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.