“Thần rừng” huyền bí trên đỉnh Trường Sơn

Hưng Thơ |

Với đồng bào Vân Kiều ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, có những quy định khắt khe, mang màu sắc huyền bí mà đời trước đã đặt ra, đến nay vẫn được thực hiện như một nét văn hóa. “Thần rừng” có lẽ là vị thần được đồng bào tôn kính nhất, nên hầu hết các nghi lễ đều có mặt vị thần này. Từ những khu rừng ma bất khả xâm phạm, đến lễ cúng “Tả xa ray ta may”…, thần rừng luôn chiếm vị trí quan trọng. Nhờ vậy, dù đất chật người đông với nhiều thế hệ sinh sống, nhưng những cánh rừng cạnh các bản làng của đồng bào Vân Kiều ở trên đỉnh Trường Sơn vẫn còn tồn tại.

Xin “thần rừng” khai khẩn vùng đất mới

Bắt đầu một vụ mùa ở vùng đất mới, ở góc rừng hoặc con suối nào đó, đồng bào Vân Kiều sẽ tập họp, tổ chức lễ “Tả xa ray ta may” (lễ cúng các vị thần) để xin các vị thần, tổ tiên phù hộ được ấm no. Pa Rô (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là vùng đất nằm dưới một thung lũng, rất hiếm khi chịu ảnh hưởng của bão và đất đai khá màu mỡ. Do ở khá xa trung tâm, đường đi khó nên dân cư chỉ có một cụm những nhà sàn san sát nhau, hướng mặt về phía con suối chảy róc rách dưới khu rừng rậm. Một ngày giữa năm, già làng Hồ Lâm (hơn 80 tuổi) tập trung cả dân bản Pa Rô ở gần đầu nguồn con suối, để dựng “Pa Tôi” (làm nhà) mời tổ tiên và các vị thần về chứng giám cho vùng đất canh tác mới của bà con.

Trước đó, theo chủ trương, bà con dân bản nhường lại đất cho một dự án trên địa bàn, bù lại họ sẽ được khai hoang, cấp cho một diện tích đất khác không xa khu vực đang sinh sống. Để vào vùng đất mới, để cây cối, hoa màu sinh sôi, đem lại no ấm cho bản làng, già Hồ Lâm phải tổ chức một lễ cúng theo đúng phong tục.

Bắt đầu từ sáng sớm, toàn bộ đàn ông ở Pa Rô tập họp để kiếm lá cây dừa rừng, cây tre; một nhóm đến cạnh suối để làm gà, làm dê, nấu xôi. Những công việc này tuyệt nhiên chỉ diễn ra ở bờ suối chứ không được đưa lên nhà sàn. Chỉ một lát, nhà “Pa Tôi” được những người đàn ông khéo tay nhất dựng lên bằng lá dừa và cây tre với 3 gian, gian giữa là thần miếu, gian trái dành cho tổ tiên là những người đã khuất, còn gian phải dành cho thần rừng.

Một con dê, 4 con gà được làm sạch, đầu và chân dê được cắt ra, đặt gian phải để cúng thần rừng, gà và xôi được đặt lần lượt lên hai gian còn lại ở những chiếc mâm được đan bằng mây, với đủ các loại gia vị cùng bát và đũa.

Lễ cúng thần rừng bắt đầu khi mặt trời đứng bóng, già Hồ Lâm cầm chai rượu, rót lần lượt ở 3 gian thờ, mời tổ tiên và các vị thần về chứng giám. Khi 3 chiếc đèn sáp ông được đốt cháy, già Hồ Lâm quỳ xuống, giữa gian thờ, hai bên là hai người đàn ông rót rượu, rải gạo.

Già Hồ Lâm lẩm bẩm những lời “thần chú” bằng tiếng Vân Kiều, nội dung đại loại rằng dân Pa Rô cầu xin được “thần rừng” cho phép đến vùng đất mới, cầu tổ tiên phù hộ… Cuối lễ, già Hồ Lâm tung 2 đoạn tre, nếu cái sấp cái ngửa, xem như “thần rừng” đồng ý, nếu cả hai đoạn tre đều sấp hoặc đều ngửa, cả dân làng Pa Rô phải khấn vái, và làm lễ lại từ đầu để xin đến lúc nào “thần rừng” đồng ý thì thôi.

“Các thần và tổ tiên sẽ phù hộ cho dân Pa Rô ở vùng đất mới” – già Hồ Lâm nói to sau khi tung "kèo", mọi người ghé đến xem, kèo cái sấp cái ngửa khiến ai cũng mừng, sau đó mọi người có mặt ở con suối cùng hô vang.

Theo già Hồ Lâm, nghi lễ xin “thần rừng” và báo cáo với tổ tiên khi làm nương rẫy mới hoặc chuyển nhà đã có từ thời xa xưa. Dù việc này khá tốn kém, nhưng mỗi lần lễ diễn ra, cũng là một lần mối quan hệ của dân bản xích lại gần nhau hơn. “Đặc biệt, việc phá rừng, đốt rừng một cách tùy tiện được hạn chế. Bởi mọi người bị bó buộc ở những lễ nghi này, nếu không thực hiện đúng, sẽ bị làng phạt, nên chẳng ai dám làm trái” – già Hồ Lâm, nói.

Lễ vật cúng “thần rừng” trước khi khai khẩn vùng đất mới của đồng bào Vân Kiều ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ
Lễ vật cúng “thần rừng” trước khi khai khẩn vùng đất mới của đồng bào Vân Kiều ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ

“Rừng ma” bất khả xâm phạm

Đến bây giờ, ngay cạnh các bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đak Rông của tỉnh Quảng Trị vẫn còn tồn tại những khu rừng rậm. Điều đặc biệt, là không ai được săn bắn, chặt phá hoặc động chạm vào khu rừng này. Kể cả người đồng bào, nếu chưa được sự cho phép của già làng mà xâm phạm, sẽ bị phạt rất nặng.

Những khu rừng này được người đồng bào gọi là “rừng ma” – nơi chôn cất người chết theo phong tục. Theo ông Hồ Văn Phương – Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Đak Rông, “rừng ma” thuộc sở hữu của một gia đình lớn, một dòng tộc hoặc của một bản làng. “Rừng ma” chỉ cách khu dân cư một quãng, có sự tồn tại của nhiều cây lớn và rất rậm. Vào dịp cuối năm hoặc đầu năm, người dân sẽ tổ chức lễ cúng các vị thần và tổ tiên ở phía bìa của khu rừng. Cạnh các lối ra vào "rừng ma", sẽ có các hình nộm hoặc các gian thờ được đan bằng tre.

Ngày trước, khi có người mất, trong dòng họ đó sẽ cử vài người đào một hố cạn, nhỏ chỉ đủ chứa thi thể. Sau đó, người chết được đưa vào rừng, lấp xuống hố cùng với ít đồ dùng hằng ngày. Khi thi thể người chết vừa được lấp kín, những người chôn cất sẽ bỏ chạy một mạch ra khỏi khu rừng và không hề bén mảng đến vị trí đó nữa, vì lo sợ linh hồn người chết và "thần rừng" sẽ theo họ về nhà.

“Nay thì đỡ hơn, khi hệ thống y tế thôn bản, trạm y tế xã phát triển và trình độ người dân nâng cao, thì họ đã biết đào huyệt sâu và chôn cất người chết được tử tế, vệ sinh hơn. Việc lo sợ hồn ma người chết từ “rừng ma” theo về nhà cũng giảm đi đáng kể” – anh Hồ Văn Phương, cho biết.

Với suy nghĩ, “rừng ma” là nơi người chết yên nghỉ, nơi có vị “thần rừng” che chở, nên người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô không ai dám động chạm gì vào khu rừng. Bởi vậy, ở bất cứ bản làng nào, đến bây giờ vẫn còn tồn tại những khu rừng rậm ở ngay cạnh khu dân cư với những cây gỗ lớn.

Anh Hồ Văn Phương kể, có lần người dân ở xã Tà Rụt vây bắt một con mang lớn đã bị thương, khi đã bị bao vây tứ phía, thì con vật nhằm hướng “rừng ma” rồi lao vào đó. Biết là con vật chẳng chạy được xa, nhưng không ai dám lẻn vào khu rừng, chỉ biết đứng ngoài nhìn. Kể cả những cây gỗ quý có thân lớn, già nua gãy đổ cũng không ai dám vào tận thu.

Rất nhiều trường hợp người đồng bào và người Kinh lỡ vào “rừng ma” chặt cây, bẻ măng, hoặc săn bắt động vật bị phạt vạ. Nặng thì con trâu, nhẹ thì con lợn, dê, gà, lễ phạt vạ ngoài những con vật để cúng, còn phải có rượu, xôi trước sự chứng kiến của dân bản.

Nhờ tập tục này, những khu “rừng ma” rậm rạp ở cạnh các bản làng vẫn tồn tại, tạo lá phổi xanh điều hòa thời tiết và giữ nguồn nước. Nói như anh Hồ Văn Phương, luật tục của đồng bào thiểu số ở đây có nhiều điểm đáng ghi nhận.

“Niềm tin vào thần rừng, vào những luật tục của cha ông đặt ra hàng trăm năm trước đã giúp cộng đồng người đồng bào lại gần nhau. Nếu những luật tục tích cực đó được thực hiện, được nối dài thì những khu rừng cạnh các bản làng còn xanh tốt, còn được bảo vệ” – anh Hồ Văn Phương nhận định.

Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.