Thất vọng vì lỗ liên miên
Tròn một năm sau ngày lão ngư Nguyễn Văn Lòng (59 tuổi, trú thôn Hòa Thành, xã Thạch Kim) sở hữu con tàu vỏ thép công suất 829 CV, hiện đại bậc nhất ở làng biển Thạch Kim, cuối tháng 3 này, chúng tôi tìm về cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim) với ý tưởng được ông chia sẻ niềm vui, thắng lợi từ sau khi sở hữu con tàu hiện đại. Nào ngờ, mới đến đầu cảng, hỏi thăm một vài ngư dân nơi đây về tình hình con tàu vỏ thép của ông Lòng thì ai nấy đều lắc đầu ngao ngán.
Một ngư dân quê ở tỉnh Thanh Hóa thường xuyên cập cảng này nhập hải sản, chỉ tay ra con tàu lớn nhất đang neo trước mặt, nói "Tàu ông ấy vừa về sáng nay đó. Nhưng mà đánh vùng lộng chẳng ăn thua, không bù lại tiền dầu". Chưa hết, ngư dân này còn nói, tàu ông Lòng đã nhiều chuyến bị lỗ rồi nên chủ yếu nằm bờ chứ ít khi ra khơi. "Ở quê tôi cũng có người sở hữu đến 4 tàu vỏ thép, nhưng làm ăn không hiệu quả, có tàu chỉ dùng để chở đá ra bán cho các tàu nhỏ đang đánh bắt trên biển rồi thu mua hải sản của họ đưa về, bán lại ăn chênh lệch thôi" - ngư dân tỉnh Thanh Hóa nói tiếp.
Loanh quanh tại cảng hỏi tìm chủ tàu vỏ thép đang neo tại cảng kia nhưng chẳng thấy đâu thì được một ngư dân Thạch Kim dẫn về tận nhà con trai của ông Lòng - cũng là lao động trên chiếc tàu vỏ thép của cha làm thuyền trưởng. Mới hỏi có đánh bắt về không, chồng là anh Nguyễn Văn Toàn chưa kịp trả lời thì vợ là chị Ngô Thị Minh Ngọc tay đang bế con nhỏ đã nhanh miệng "Mới về sáng nay mà lỗ tiền dầu gần ba chục triệu rồi đó chú". Anh Toàn vẻ mệt mỏi, buồn chán không muốn trả lời mà dẫn tôi sang nhà cha mình để cha... tiếp khách.
Lão ngư Lòng trầm buồn, kể: "Nhận tàu từ tháng 2.2017, nhưng liên tục 6 đến 7 chuyến đầu đều bị lỗ. Mỗi chuyến ra khơi hết tầm 70 triệu tiền dầu mà đánh bắt bán ra, mỗi chuyến chỉ được từ 30 - 50 triệu đồng". Thấy việc đi câu mực, cá thu, cá nục, cá mu và đi lưới kéo như thế là không hiệu quả, ông Lòng đã chuyển sang chỉ đi câu mà không đi lưới kéo. Thế nhưng, đánh bắt được 2 chuyến, trừ chi phí thì cũng chẳng dư gì đáng kể. Giữa cuối năm 2017 thì sang mùa mưa, bão nên ông Lòng đầu tư 100 triệu tiền lưới để chuyển sang nghề kéo tôm trong lộng (chỉ cách bờ tầm 10 hải lý trở vào). Đánh gần bờ, chi phí dầu một ngày, đêm của mỗi chuyến chỉ hết tầm 5 triệu đồng. Không bị lỗ tiền dầu nữa nhưng trừ chi phí, 7 lao động trên tàu, mỗi người cũng chỉ được 200.000 - 300.000 đồng.
"Sau Tết nguyên đán Mậu Tuất, tôi mới đi chuyến xa bờ mất 8 ngày vừa về sáng nay, chi phí tiền dầu hết 50 triệu mà chỉ đánh được ba yến mực, một tạ rưỡi cá, bán ra chỉ được hơn 20 triệu đồng. Tình hình này nghe nan giải lắm rồi đây" - ngư dân Lòng thở dài.
Không được vay vốn chuyển nghề, tàu sẽ phải... nằm bờ
Hỏi nguyên nhân nào khiến một lão ngư già đời, được sở hữu tàu hiện đại để vươn khơi mà liên tục thua lỗ, ông Lòng thẳng thắn "do đăng ký sai nghề chú ạ". Tôi không hiểu, lão ngư Lòng giải thích rằng: Khi đăng ký đóng tàu vỏ thép, ông đăng ký đi đánh bằng nghề câu, kéo nên tàu được thiết kế phù hợp với nghề mà ông đăng ký. Thế nhưng về đưa tàu ra khơi mới nhận thấy nghề mà ông đăng ký trước đó là không phù hợp. Bởi, đi nghề câu, kéo, tàu phải nổ máy liên tục từ khi rời bến cho đến khi cập bến, nên chi phí tiền dầu lớn, mỗi chuyến hết tầm 70 - 80 triệu đồng. Trong khi nếu đi nghề rê thì khi đánh bắt là tắt máy, để tàu tự lênh đênh cho đến khi thu hải sản mới nổ tàu cập bến. Do vậy, chi phí tiền dầu hết ít hơn, tầm chỉ khoảng 50 triệu đồng/chuyến. Minh chứng những gì mình nói, ông Lòng cho biết, tàu vỏ thép của anh Trần Xuân Sinh (ở xã Thạch Bằng, liền kề xã Thạch Kim) đóng cùng một lần với tàu của ông, nhưng do chọn nghề rê nên đánh bắt hiệu quả. Tàu ra khơi đều đặn.
"Vừa rồi tôi đã làm đơn gửi các ban ngành liên quan xin được chuyển đổi sang nghề rê nhưng họ trả lời trong Nghị định 67 không đề cập đến việc cho chuyển đổi nghề để vay vốn bổ sung. Thành ra, nếu không được vay bổ sung tầm 5 tỷ đồng đề đầu tư chuyển đổi nghề thì gay go vô cùng. E rằng tàu tôi phải nằm bờ, không có tiền mà trả lãi ngân hàng" - ông Lòng lo lắng. Theo ngư dân Lòng, cần vay 5 tỷ vì 4 tỷ dùng mua ngư lưới cụ, 1 tỷ sửa tàu cho phù hợp với nghề mới.
Ông Lòng nói việc đánh bắt liên tục thua lỗ khiến ông như ngồi trên đống lửa lo kiếm tiền trả lãi và một phần tiền gốc hàng tháng. Đã vậy, trên con tàu ông làm chủ, có đến 3 lao động là con trai, con rể của ông. Không có thu nhập, khiến cả 4 gia đình lâm vào khó khăn, thiếu thốn nên ông rất bức bối, buồn phiền. "Thấy tàu nằm bờ nhiều quá, đại diện ngân hàng khi đến thu tiền lãi, họ cũng động viên tôi xoay xở, có giải pháp nào đó thoát nguy. Thế nhưng, tôi cũng nói chỉ còn cách xin chuyển đổi nghề thôi. Còn không thì nhờ ngân hàng tìm giúp người mua, tôi sẽ chuyển nhượng tàu cho họ. Không nữa thì cũng phải để tàu nằm bờ chứ biết làm chi khác được" - lão ngư Lòng tiếp tục thở dài.
Ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim - cũng xác nhận tàu ông Lòng đánh bắt không hiệu quả, do đánh "nhầm" nghề. "Tàu ông ấy làm nghề câu vây gần bờ là không hiệu quả, mà phải đánh xa bờ bằng nghề rê bay, bắt cá thu trồi như tàu anh Sinh thì mới hiệu quả" - ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, vừa rồi ông Lòng có nhờ ông Hải viết đơn giúp xin chuyển đổi nghề mà nghe đâu không được giải quyết. "Mong rằng các cấp, các ngành có thẩm quyền sẽ tạo điều kiện cho ông Lòng vay vốn, chuyển đổi nghề để đánh bắt hiệu quả hơn, nếu không thì sẽ rơi vào bế tắc, nguy cơ vỡ nợ" - ông Hải nói.
Ngày 26.3, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, đã nắm được việc tàu vỏ thép của ông Lòng đánh bắt không hiệu quả. Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng đã nhận được kiến nghị của ông Lòng về vấn đề xin chuyển đổi nghề, vay vốn bổ sung. Tuy nhiên, ở Nghị định 67 không có quy định cho chuyển đổi nghề kèm vay vốn bổ sung, mà tự bỏ vốn để đầu tư chuyển đổi nghề thì được. Còn Nghị định mới thì không đề cập cho chuyển đổi nghề, mà cho chuyển nhượng tàu cho người khác, nếu chủ tàu không đủ khả năng theo nghề. Cũng theo ông Hoàng, toàn tỉnh hiện có 11 tàu vỏ thép, nhưng mới chỉ có tàu ông Lòng đánh bắt không hiệu quả, xin vay vốn chuyển nghề.