“Nhân tài” liên tục xin nghỉ, làm gì để giữ chân?

Thuỳ Trang |

Được bố trí việc làm nhưng nhiều học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng liên tục xin nghỉ việc. Nhiều người trong số đó sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo để có thể tìm việc khác “theo sở thích cá nhân” thay vì làm việc ở những sở, ban ngành của thành phố. Điều này buộc Đà Nẵng phải thay đổi cách “chiêu hiền đãi sĩ” nhằm giữ được nguồn lực chất lượng cao.

“Nhân tài” tìm mọi lý do để được nghỉ việc

Giữa tháng 5 vừa qua, bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng), cho biết đến thời điểm hiện tại, có 93 người rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922). Trong đó, 40 người dù đã được bố trí việc làm đã xin nghỉ việc với các lý do đoàn tụ với gia đình, sức khỏe không tốt hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên khác vi phạm hợp đồng (chủ yếu do không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án).

Việc nhân tài xin nghỉ việc đa số diễn ra tại các sở, ngành. Riêng Sở Kế hoạch và đầu tư, có 4 trong tổng số 14 học viên Đề án 922 xin nghỉ. Trong đó, ba học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian 7 năm như cam kết.

Nhiều người khi nghỉ việc thẳng thắn cho biết, họ muốn tìm cơ hội mới theo sở thích cá nhân. Thậm chí, nhiều trường hợp, học viên sẵn sàng bồi hoàn tiền để được nghỉ việc. Sự việc không ai mong muốn là đến nay, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên (8 đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp; 10 đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 3 đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử).

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Đà Nẵng khởi xướng năm 2004. Bằng việc cấp học bổng ngay từ bậc đại học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Đà Nẵng đầu tư để tìm kiếm học sinh giỏi, xuất sắc để cấp học bổng. Số tiền đầu tư cho cả đề án lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tính đến 18.4.2018, thành phố đã cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922 (thống nhất từ Đề án 47 và Đề án 393 - Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài). Hiện có 460 lượt học viên đã tốt nghiệp và bố trí công tác.

Bên cạnh thành công, đề án cũng bộc lộ nhiều hạn chế như sự chồng chéo giữa một số ngành nghề đang đưa học viên đi đào tạo và người thuộc diện thu hút, dẫn đến khó khăn khi bố trí công việc, nhiều nhân tài chưa vào được biên chế, môi trường làm việc không được như kỳ vọng.

Vì sao nhân tài Đà Nẵng liên tục “bỏ chạy”?

Cam kết chưa chặt chẽ về pháp lý, các cơ quan ban ngành chưa giúp người lao động phát huy hết chất xám sau đào tạo là một trong số những lý do khiến hàng loạt nhân tài Đà Nẵng xin rút khỏi đề án hoặc tự ý bỏ việc ngang khi chưa hoàn thành nghĩa vụ.

Luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng chia sẻ, thực tế không phải là bây giờ mà ngay từ nhiều năm trước, những người được đưa đi đào tạo nước ngoài có những bộ phận ở lại, không về nữa. Một bộ phận khác khi học xong, họ về nước nhưng cũng chỉ làm việc ở cơ quan cũ một thời gian ngắn, hoặc có người chờ đợi hết 7 năm cống hiến thì ra đi chứ không thực sự mặn mà với công việc.

Nguyên nhân là do sau đào tạo ở nước ngoài, trình độ của họ đã được tăng lên ở mức đáng kể, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ khá hơn rất nhiều. Lợi thế về cá nhân rất lớn. Trong khi đó, những Cty nước ngoài thu hút nhân tài bằng cách trả mức lương rất cao, môi trường làm việc năng động vì vậy nhiều trường hợp đã lựa chọn ra đi. 

Một phần khác, các nhân tài khi về nước không được cân nhắc đưa vào các vị trí phù hợp.  “Tôi biết có những người về rồi thì chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Họ cảm thấy công việc không còn phù hợp với trình độ, nơi làm việc không giúp họ phát huy được những gì được học tập. Trong một môi trường gò bó như vậy, buộc lòng họ phải nghĩ đến công việc khác phù hợp hơn” – LS Hồng chia sẻ.
Từ năm 2015, Đà Nẵng đã khởi kiện hàng loạt nhân tài, tuy nhiên theo LS Hồng, cam kết của người được đào tạo và cơ quan quản lý lao động chưa thực sự có tính pháp lý và tính ràng buộc cũng chưa cao. 

“Mặc dù đơn vị chủ quản (chính quyền Đà Nẵng) khởi kiện ra toà thì xác xuất họ thắng kiện rất cao, tuy nhiên để thu hồi lại khoản kinh phí đầu tư thì không khả thi. Đa phần những người được cử đi đào tạo chưa có tài sản đứng tên. Theo luật, cơ quan thi hành án chỉ có thể thi hành bản án khi họ có tài sản. Trong trường hợp này, thành phố nên thực hiện cam kết giữa ba bên: người đi đào tạo, cơ quan chủ quản và gia đình của người được cử đi đào tạo. Để trong trường hợp họ phá vỡ cam kết, cơ quan chủ quản có thể thu hồi phần kinh phí đào tạo. Nhưng như đã nói, đây cũng chỉ là việc bất khả dĩ, còn vấn đề mấu chốt hơn là Đà Nẵng cần có cơ chế khác với những nhân tài để họ có môi trường phù hợp để phát huy khả năng của mình” – LS Hồng cho hay.

Thay đổi cách “đãi sĩ”

Nhìn nhận tất cả những tồn tại sau gần 15 năm thực hiện đề án, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, việc thực hiện chính sách ưu đãi hiện nay còn nhiều dàn trải và thiếu đồng bộ, thường mới tập trung ưu đãi ở khâu thu hút hoặc cấp học bổng đào tạo mà chưa thật sự chú trọng vào “đãi ngộ, giữ chân” các đối tượng này.

Chính vì vậy, thành phố đang có những thay đổi trong cách “chiêu hiền đãi sĩ” với không chỉ học viên được đi đào tạo mà cả nguồn nhân lực tại chỗ. Cụ thể, Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND đã đưa ra một số ưu đãi khi về công tác cho thành phố như học viên được ưu tiên xem xét việc tuyển dụng công chức hoặc tham gia tuyển dụng viên chức theo quy định hiện hành của Nhà nước và của thành phố Đà Nẵng. Đối với học viên khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và UBND thành phố.

Đối với đối tượng thu hút về làm việc lâu dài, trước đây, mức hỗ trợ 1 lần đối với nhóm đối tượng này được áp dụng chung dựa trên bằng cấp, trình độ đào tạo. Trong Nghị quyết lần này, mức hỗ trợ được quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng và theo từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo. Đối với học viên đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo sẽ được hưởng kinh phí đào tạo năm cuối và hưởng chính sách cấp hỗ trợ một lần kinh phí như học viên thu hút. Điều này giúp bảo đảm quyền lợi của học viên về mức hỗ trợ kinh phí và các chính sách, quyền lợi về nhà ở, cơ hội thi tuyển CCVC... như các đối tượng khác để yên tâm công tác.

Đặc biệt, nhằm tạo cho người tham gia đào tạo có động lực tìm học bổng cũng như nỗ lực học tập xuất sắc và giúp thành phố tiết kiệm được ngân sách, Nghị quyết đã đưa ra quy định các chính sách hỗ trợ lại một phần kinh phí. “Nếu người được cử đi học nhận được học bổng toàn phần của cơ sở đào tạo hoặc của tổ chức hợp pháp khác thì được xem xét hỗ trợ lại 40% mức sinh hoạt phí được cấp trong thời gian học tập theo quy định hiện hành. Trong thời gian học, nếu người được cử đi học được cấp học bổng miễn, giảm học phí thì được xem xét hỗ trợ lại 50% giá trị học bổng” – ông Đồng chia sẻ.

Không dừng lại ở sự thay đổi về cách làm chiêu hiền đãi sĩ, đầu tháng 6.2018, Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt những học viên đã tốt nghiệp từ đề án. “Qua đó chúng tôi được nghe những tâm tư, nguyện vọng của các học viên, từ đó có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp hơn” – ông Đồng cho hay.  

Thuỳ Trang
TIN LIÊN QUAN

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.

Tri ân và tạm biệt thầy Park Hang-seo!

TAM NGUYÊN |

Tương lai là điều không thể nói trước, nhưng hiện tại, xin cảm ơn và tạm biệt thầy Park Hang-seo.