Người Vân Kiều, Pa Kô làm nón bằng tre nứa

Kô Kăn Sương |

Nhiều phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô ở Trường Sơn thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) mỗi lần lên nương, lên rẫy không còn để đầu trần như bao đời nay nữa. Thay vào đó, họ được các nghệ nhân quê mình trang bị những chiếc nón làm bằng vật liệu mà thiên nhiên ban phú, đó là tre nứa. Loại nón này tuy giản dị nhưng là dụng cụ che mưa, che nắng thiết thực cho chị em, có sức bền hơn hẳn các loại nón thông thường khác.
Từ ý tưởng đến hiệu quả
Ở các bản làng miền Tây Quảng Trị, phần lớn dụng cụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày như: pả điên (mâm), a chói (gùi), a đư (gùi nhỏ giắt ở lưng), ưk khău (đồ dùng bỏ cơm nếp)... đều được đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đan bằng mây, tre nứa. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nét đẹp truyền thống này vẫn trường tồn theo năm tháng và tạo nên bản sắc riêng của người Vân Kiều, Pa Kô. Anh Hồ Dư (Ăm Dơi - 45 tuổi) ở thôn Húc, xã A Túc là một nghệ nhân có niềm đam mê đan lát.
Năm 2015, trong một lần đan a nooi (dụng cụ để hoong cơm nếp), anh chợt nảy sinh ý tưởng từ cách đan a nooi có thể cải tiến sang đan chiếc đoan (nón) một cách khá dễ dàng. Ngay sau đó, anh đem suy nghĩ của mình đến gặp Ăm Rủa (80 tuổi) - một nghệ nhân đan lát lâu năm ở thôn để trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau sáng kiến ra chiếc nón mang phong cách khác biệt.
Sau gần 1 tuần mày mò, hai nghệ nhân này bước đầu thành công với chiếc nón đan bằng tre nứa. Nếu như cái hoong cơm nếp khi đan phải đảm bảo độ dày 2 lớp ở phần đáy thì đan chiếc nón chỉ cần 1 lớp ở phần đáy (gọi là chóp nón) là đủ. Tuy nhiên, việc uốn tre nứa sao cho chóp nón vừa có độ tròn, vừa đảm bảo độ nhọn đòi hỏi đôi tay nghệ nhân phải hết sức khéo léo.
Chiếc nón của anh Dư và ông Ăm Rủa đan theo hình trụ, có 3 cạnh và uốn tròn vành và thân nón bằng tay. Nón gồm có 3 vòng nón (từ to đến nhỏ), thân nón và chóp nón. Để đảm bảo độ bền, không bị thấm nước khi đội dưới trời mưa, họ nghĩ ra cách là bọc một lớp bao ni long phía ngoài mặt nón rồi bọc thêm một lớp bao dệt (dùng đựng gạo) ngoài lớp ni long, sau đó dùng sơn vecni quét lên lớp bao dệt tạo thẩm mỹ cho nón.
Anh Dư chia sẻ: “Dụng cụ làm nón tre nứa rất đơn giản, chúng tôi dùng rựa sắc để chặt, chẻ, vót tre, nứa; dùng kéo và kềm để cắt phần thừa, tạo cho nón thẩm mỹ. Đan loại nón này khá dễ và nhanh hơn đan cái hoong cơm nếp vì quá trình đan chúng tôi không cần dùng đến khung làm nón, vật liệu thì chỉ cần bỏ ra một buổi vào rừng chặt tre nứa là đảm bảo đan cho cả tuần. Tuy nhiên, vì ở vùng khó nên quá trình đan nón chúng tôi không có các sợi dây cước hay dù kết nón mà tận dụng các sợi dây từ bao dệt để kết nón cho chắc chắn”.
Ngay sau khi sản phẩm đầu tay của anh Dư và Ăm Rủa ra đời, nhiều người dân trong thôn, trong xã hiếu kỳ đến xem và đặt hàng họ đan nón. Chị Hồ Thị Dài ở thôn Pa Lu, xã A Túc vui vẻ nói: “Tôi có nhờ Ăm Rủa đan giúp một chiếc nón để đội đi làm nương, rẫy. Gần 2 năm rồi mà chiếc nón ấy vẫn còn dùng rất tốt. Tôi thấy loại nón này rất phù hợp với những người thường xuyên đi lao động ngoài trời. Nón tre nứa dày dặn nhưng không nặng đầu, khi đội nón tôi luôn có cảm giác thoải mái. Loại nón này cũng rất tiện, mỗi lúc ngồi nghỉ ở dưới lán hay dưới tán cây mà trời nắng nóng chúng tôi có thể dùng nón thay cho cái quạt tay.
Thấy hiệu quả từ chiếc nón tre nứa này, bây giờ, phần lớn chị em ở cụm thôn Húc - Pa Lu đều đặt hàng anh Dư và Ăm Rủa đan để đội”. Sau một thời gian ngắn thành công từ khi đan nón bằng tre nứa, trong năm 2015 anh Dư và Ăm Rủa được Dự án Y tế Hà Lan mời tham dự trưng bày sản phẩm đan lát ở Huế cùng với các nghệ nhân ở huyện A Lưới. Tại đây, sản phẩm của họ được đánh giá cao vì vừa lạ, vừa bền. Hồ Văn Tháng, gọi anh Dư là cậu ruột hiện đang theo học tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị rất thích thú với chiếc nón tre nứa do anh Dư làm ra. Vì thế, mỗi lần có dịp nghỉ học về nhà là Tháng tìm đến nhà nhờ cậu bày cách đan. Bây giờ, Tháng rất vui vì mình đan được nón thành thạo, quyết tâm cùng cậu ruột duy trì và phát huy nghề đan lát truyền thống.
Cần được tiếp sức
Ở miền núi, đa số các nghệ nhân đan lát chủ yếu phát huy nghề của mình trong các dịp như: lễ, Tết, mỗi khi vật dụng trong nhà bị hư, đan thêm để tiện có đồ dùng thường nhật hoặc có ai nhờ đan giúp. Nhu cầu mua sắm các đồ dùng tre nứa của người dân nơi đây không cao, bởi vậy các nghệ nhân không sống dựa vào nghề đan lát mà cuộc sống hàng ngày của họ chỉ nhờ vào chăn nuôi, trồng trọt.
Anh Dư cho biết thêm: “Với sức đan của tôi và Ăm Dư, 1 ngày có thể đan được 2 chiếc nón, bình quân 1 chiếc có giá 50 nghìn đồng. Nếu có khách hàng thường xuyên, chúng tôi có thể thu nhập được từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng từ việc đan nón. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có chị em trong thôn và xã đặt làm nón nên sản phẩm của chúng tôi chưa vượt ra khỏi địa phương. Tôi rất muốn được tham gia các lớp tập huấn trang trí, vẽ các họa tiết như trên các tấm thổ cẩm lên nón tre nứa để nón bắt mắt hơn. Tôi cũng rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ các điều kiện để chúng tôi có thể phát triển và quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi. Một khi có nhiều khách hàng, chúng tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định hơn”.
Bấy lâu nay, ở xã A Túc nói riêng và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn nói chung, nghề đan lát còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giúp người dân vùng khó giải quyết được đầu ra cho sản phẩm đan lát hiệu quả thì trước mắt, các cơ quan chức năng cần có cách hỗ trợ cho họ thành lập tổ hợp tác sản xuất hoặc nhóm sản xuất các đồ dùng đan lát, trong đó có những sản phẩm làm điểm “nhấn” như nón tre nứa, pả điên, a chói… Bên cạnh đó, tổ chức các lớp dạy nghề đan lát do các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền đạt cách đan các sản phẩm truyền thống của người Vân kiều, Pa Kô cho thanh niên địa phương; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người dân tự chủ về nguồn kinh phí đầu tư sản xuất…

 

Đây cũng chính là điều kiện để thu hút các nghệ nhân làm nghề đan lát truyền thống và thế hệ trẻ tại thôn bản tham gia học nghề, góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại. Đồng thời, việc phát triển các điểm sản xuất sản phẩm đan lát cũng là điều kiện để phát triển du lịch ở địa phương; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các nghệ nhân là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

 

Kô Kăn Sương
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.