Nghệ sĩ về già cô đơn, nghèo khó

Minh Thi |

Hết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý buồn bã vì bị bỏ rơi, sống nghèo khó, lại đến cảnh nhạc sĩ Trần Quang Lộc bị ung thư, thiếu tiền chữa bệnh. Nghệ sĩ khi về già bệnh tật bủa vây nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của người hâm mộ và khán giả đồng điệu.

Bệnh tật và ám ảnh tiền bạc

Mới đây, tin nhạc sỹ của những bản tình ca bất hủ như Có phải em mùa thu Hà Nội (phổ thơ Tô Như Châu), Về đây nghe em (phổ thơ A Khuê) phải nằm bệnh viện Bình Dân (TPHCM) để điều trị ung thư khiến nhiều người lo lắng. Ông vừa trải qua 1 cuộc phẫu thuật và đang phải chờ một cuộc phẫu thuật lồng ngực tiếp theo. Chi phí cho ca mổ thứ 2 là 150 triệu, song hiện gia đình còn chưa lo đủ, và sổ đỏ căn nhà vợ chồng ông đang ở đã bị thế chấp để vay nợ.

Là người sáng tác trên dưới 30 ca khúc dành cho các giọng ca tên tuổi, song nhạc sĩ Trần Quang Lộc sống rất bình dị. Ông mở lớp dạy nhạc cho trẻ em trong xóm tại nhà để kiếm sống. Nhưng 5 năm trở lại đây, do sức khỏe yếu, ông đã đóng cửa lớp nhạc và cả gia đình gặp cảnh khó khăn vì nguồn thu chính chỉ nhờ vào tiền tác quyền.

Theo nhiều độc giả, đây là lúc các ca sĩ, những người từng thành danh nhờ những bài hát rung động lòng người như của nhạc sĩ Trần Quang Lộc nên góp chút tiền của để tri ân người sáng tác. Nhiều người cho rằng, hầu hết các ca sĩ đều giàu có, nhiều người kiếm tiền tỷ dễ dàng, cuộc sống xa hoa... Còn nhiều nhạc sĩ viết ra ca khúc cho họ kiếm tiền thì lại sống khổ, đã có không ít nhạc sĩ bệnh tật và chết trong nghèo túng. Thế nên, nên chăng có quỹ giúp đỡ những nhạc sĩ từ phía các ca sĩ.

Câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì phức tạp hơn, một phần tuổi cao, nhạc sĩ cũng hơi bị lẫn; một phần hoàn cảnh gia đình đặc biệt đã khiến ông không được sống trọn tuổi già an hưởng. Thế nên, sau khi nghe lời than phiền sống cô đơn, bị bỏ rơi của ông, nhiều nghệ sĩ trẻ đã đến thăm, tặng quà cho tác giả “Dư âm”, “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”.

Mới đây, nghệ sĩ cải lương Ngọc Hương qua đời vì bị ung thư giai đoạn cuối và suy thận cấp. Trước đó, nghệ sĩ Kim Cương và đạo diễn Thanh Hiệp tìm cách kêu gọi giúp đỡ bà nhưng không kịp. Nghệ sĩ Ngọc Hương là vợ của cố soạn giả Thu An, bà từng phải cầm nhà để có tiền chữa trị cho chồng. Hai con trai của bà đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ lâu bà đã phải sống chung với căn bệnh thấp khớp và từng phải đến các quán bia để hát vọng cổ kiếm sống.

Người ta còn nhắc đến nghệ sĩ Trang Thanh Xuân sống trong cảnh bệnh tật, không chồng con chăm sóc, nương tựa. Bà từng vang danh một thời khi tên tuổi từng chỉ đứng sau Minh Vượng, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ và trở thành đào chính của sân khấu cải lương.

Thời trẻ bà đẹp nổi tiếng, lại có tài. Song khi sân khấu cải lương đi xuống, bà phải sống qua ngày bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai. Gần đây, bà bị bệnh hở van tim và thấp khớp, sống tạm bợ với người em gái trong căn nhà trọ chưa đầy 10m2. Ngoài số tiền chắt bóp mỗi ngày, hàng tháng bà được Ban Ái hữu nghệ sĩ trợ cấp 10kg gạo và 150.000 đồng, tuy nhiên, số trợ cấp này không ổn định.

Nhiều khán giả cũng thương xót cho nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh bị bệnh tim song không có tiền điều trị. Ở tuối xế chiều, nghệ sĩ già vẫn sống lay lắt bằng nghề làm móng dạo. Không những thế, để kịp cứu chữa cho người anh, bà và chị dâu đã phải vay mượn nóng tiền xã hội đen, nên còng lưng trả lãi mãi không hết. Bà từng là đào chính của các đoàn hát Tấn Tài, Hoa Đăng, Việt Nam Minh Vương. “Tôi biết thân phận nên ráng chắt chiu, dành dụm để không phải lệ thuộc vào người khác. Hàng ngày, tôi chỉ ăn cơm với nước tương vì tiền đâu mà đi chợ. Bữa nào ngán cơm thì nấu thành cháo cho dễ ăn”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Là người viết tiểu thuyết đoạt giải Hội nhà văn Tấm ván phóng dao, song Mạc Can luôn sống cô đơn, nghèo túng. Ông già hóm hỉnh từng thổ lộ bi đát rằng ông sẽ hạnh phúc biết mấy nếu được chết sớm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời còn minh mẫn và chưa ngã bệnh. Ảnh: T.L
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời còn minh mẫn và chưa ngã bệnh. Ảnh: T.L

Nên có nhiều quỹ hỗ trợ nghệ sĩ già

Khác với các nghệ sĩ khác, nhạc sĩ Vinh Sử, “vua nhạc sến” lừng lẫy một thời cũng lâm cảnh khó khăn song qua được nhờ…may mắn. Ông từng trải qua 4 lần phẫu thuật do ung thư trực tràng di căn, đi đứng rất khó khăn, sức khỏe suy kiệt, sống trong căn nhà chỉ 10m2. Không đủ tiền mua thuốc tây, ông chuyển sang dùng thuốc nam cho đỡ tốn kém. Toàn bộ thu nhập của ông cũng dựa vào tiền tác quyền tính theo quý. Điều may mắn là 3 năm nay, nhờ dòng nhạc bolero sống lại mà thu nhập của nhạc sĩ trở nên tốt hơn-có khi được hàng chục triệu đồng mỗi tháng và nhạc sĩ đã có thêm căn nhà để cho thuê, cuộc sống ổn định, có tiền mua thuốc và chữa trị.

Nhạc sĩ Vinh Sử là một trong số ít những người may mắn trong giới nghệ sĩ. Còn lại, nhiều người phải từ giã cuộc đời trong nhà dưỡng lão, hoặc chấp nhận sống chung với bệnh tật mà không chữa trị vì quá nghèo.

Không phải nghệ sĩ nào cũng “bỗng dưng gặp thời” như nhạc sĩ Vinh Sử. Chính vì thế, có rất nhiều nghệ sĩ già hiện đang cần giúp đỡ. Có thể, họ cần có người đến thăm, tặng quà và trò chuyện cho tuổi già bớt cô quạnh, như trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí. Cũng có thể, họ cần một chút tấm lòng của các ca sĩ đã từng nổi tiếng nhờ hát những bài hát của họ. Cũng có thể, họ cần sự trợ giúp về y tế khi đau yếu…Cuộc đời nghệ sĩ như con tằm nhả tơ, khi nổi tiếng thì kẻ đón, người đưa, vinh quang không kể xiết; nhưng đến khi về già kiệt sức thì không có ai bên cạnh. Chính vì thế, rất mong có thêm những quỹ hỗ trợ nghệ sĩ nghèo.

Được biết, vừa hay tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc bị bệnh nặng, nhà thơ Lâm Xuân Thi và Quỹ Tình thơ của ông đã hỗ trợ khẩn cấp cho Trần Quang Lộc 10 triệu đồng. Và từ hoàn cảnh của nhạc sĩ, ông Lâm Xuân Thi cam kết Quỹ Tình thơ từ đây về sau sẽ tặng 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp nhạc sĩ nghèo khó, bị bệnh nặng. Ca sĩ Thu Phương vừa gửi 100 triệu đồng cho nhạc sĩ Trần Quang Lộc chữa bệnh. Một đêm nhạc gây quỹ hỗ trợ nhạc sĩ cũng sẽ diễn ra vào tối 19.12. Rất cần những bàn tay chung sức hỗ trợ nghệ sĩ lớn tuổi như thế.

Minh Thi
TIN LIÊN QUAN

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.