My chững chạc, già dặn hơn nhiều so với tuổi lên bảy. Đôi mắt tròn đen láy đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn, có người bảo do cô Lệ không được gia đình cha ruột My thừa nhận nên cái buồn đã theo My từ lúc mới là một bào thai. Ba My, chồng cô Lệ bây giờ, cưới cô Lệ vì cô đẹp, vì sự hào sảng của người đàn ông khi yêu vốn chẳng hẹp hòi. Lấy nhau rồi, những va đập đời thường, những dằn xéo áo cơm mới khiến cái xấu có dịp bộc lộ.
Mỗi lần say rượu, chồng cô Lệ lại lôi My ra mắng. My học bài, chú mắng “cái ngữ ấy học nhiều rồi cũng hư thân mất nết!” My làm gì chậm, chú chửi “cái giống gì đẻ ra mà hậu đậu!” My khóc, chú bảo “nhìn cái mặt hãm tài giống y thằng cha mày!”
Nhìn nó ngồi rửa chén, giặt đồ mà nước mắt tuôn lã chã, tôi cũng muốn khóc theo. Còn cô Lệ, không hiểu vì cho rằng việc có con với người khác trước khi lấy chồng là một cái tội, một vết nhơ khó rửa hay vì lo sợ nếu phản kháng, biết đâu mẹ con cô lại “mồ côi chồng, cha” lần nữa nên chú mắng gì cô cũng chẳng dám hé môi.
Mười chín tuổi, My lấy chồng, mặc mọi người khuyên tuổi đó còn non lắm, đôi tay con bé hãy còn yếu ớt để có thể lèo lái hoặc nắm níu một mái gia đình, họ lo cuộc đời nó rồi sẽ đi vào vết xe đổ của mẹ ngày trước. Ba nó vẫn chưa quên chuyện cũ, vẫn nhè những cơn say mà lôi chuyện cũ của cô Lệ ra đay nghiến. Cô Lệ vẫn nhẫn nhịn, tôi không chắc cuộc đời có buồn bã như cái tên của cô không nếu cô không dấn thêm bước nữa.
Gặp lại Dung, cô bạn vừa trở về từ Mỹ, chốc chốc lại thấy Dung có điện thoại từ chồng ở Mỹ gọi về. Hóa ra, cuộc sống của Dung không viên mãn như mọi người nghĩ. Sau ly hôn, cô lập gia đình mới rồi đưa đứa con riêng sang Mỹ. Thời gian đầu khá hạnh phúc nhưng về sau, chồng bạn tỏ ra khó chịu với sự có mặt của con riêng của vợ.
Anh không muốn đưa con đi đâu vì ngại giải thích với người khác về nguồn gốc của nó. Sự ra đời của đứa con chung càng khiến khoảng cách giữa chồng mới và đứa con riêng của bạn xa hơn.
Sự thiên vị trong cách thể hiện tình cảm cũng như cách cư xử thiếu tế nhị của chồng khiến đứa con riêng của bạn trở nên nhạy cảm, khép nép đến độ nhà trường từng yêu cầu đưa bé khám tự kỷ. Muốn bù đắp tình cảm cho đứa con riêng, Dung phải lén lút từng cái ôm, cái hôn, từng câu dỗ dành để con đỡ tủi thân, để chồng đỡ hằn học.
Ở gần là vậy, nhưng khi đưa con theo về Việt Nam, chồng Dung cũng chẳng bớt khó chịu hơn vì biết Dung sẽ cho con thăm ba ruột. Suốt chuyến đi Dung chẳng được yên vì ông chồng liên tục gọi xem Dung đang ở đâu, có lẽ ông lo tình cũ không rủ cũng đến. Phần Dung, nghĩ tới chuyện cũ – mới, riêng – chung đã thấy chán chường. Bạn bảo, suy cho cùng, cuộc đời phụ nữ chỉ quan trọng mỗi đứa con. Khi con bạn không hạnh phúc thì cuộc sống của một người mẹ liệu còn ý nghĩa gì. Giá biết trước thế này, bạn đã không đi bước nữa.
Chuyện Dung làm tôi nhớ bé My, chẳng hiểu khi đem con trẻ ra dằn vặt, những người lớn ích kỷ, hẹp hòi có thấy mình hạnh phúc hơn không. Những người đàn ông đến sau có thể rộng lòng hơn không, khi bản thân người phụ nữ từng gãy đổ, từng qua một cuộc hôn nhân trắc trở vốn đã ngổn ngang với những mối quan hệ chung-riêng? Hay nếu chẳng may không giữ được cho con một gia đình trọn vẹn, cũng đừng để bọn trẻ bị dằn xé giữa hai bờ yêu – ghét. Nhưng cuộc đời, nào ai biết trước sẽ có ngày mình thốt lên tiếng “giá như”…