Làng khát nước sạch

Hữu Long |

Hàng trăm hộ dân tại buôn Ea Su thuộc xã Ea Phê, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) nhiều năm nay sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Trong khi nhân dân “khát nước” sạch phải nhắm mắt sử dụng nước ao, nước nhiễm phèn thì công trình nước sạch được đầu tư hàng trăm triệu đồng bị bỏ hoang chỉ vì thiếu đồng bộ.

“Thèm” nước sạch

Tìm về buôn Ea Su một buổi trưa oi ả, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều xe công nông chuyển hàng cồng kềnh từ trung tâm xã vào buôn. Hỏi ra được biết, những chuyến xe này được người dân thuê vận chuyển nước sạch sinh hoạt. Chúng tôi vừa đặt chân đến trung tâm buôn, một chuyến xe lầm lũi tấp vào lề đường, ông Nguyễn Thái Bình - cán bộ trong buôn, bưng vội can nước sạch về nhà cho vợ kịp nấu cơm trưa rồi dẫn PV nghỉ chân tại nhà sàn cộng đồng. Mồ hôi nhễ nhại nhưng ông Bình cũng kịp mua vội vài lon nước ngọt để đãi khách. Qua cuộc trò chuyện, ông Bình cho biết, ông người gốc Bắc, di cư tự do vào Tây Nguyên đã nhiều năm. Năm 2008, sau khi nhà nước có chủ trương làm đập Krông Puk Hạ thì những gia đình bị mất đất ở và đất sản xuất như ông được tạo điều kiện giãn dân, sinh sống tập trung tại khu vực hiện tại.

Ngay sau khi lập buôn, dựng nhà sinh sống, năm 2011, chính quyền địa phương cũng đầu tư công trình nước sạch với mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt cho tất cả nhân dân trong buôn. Theo ông Bình, dù công trình được xây dựng hoàn chỉnh với giếng khoan, trạm bơm và đường ống nước về tận nhà dân nhưng thời gian ngắn khi đi vào hoạt động, công trình này đã bị “đắp chiếu” vì không có điện.

Cũng vì bỏ hoang quá lâu, chẳng biết ai là người giữ chìa khóa vào nhà chứa máy bơm nước, ông Bình đành nhặt hòn đá ven đường phá khóa. Chỉ tác động nhẹ của hòn đá, lập tức ổ khóa gỉ sắt bung ra. Bên trong kho này là hiện giờ chỉ còn một máy bơm cũ kỹ lâu kèm một quạt máy lâu ngày không sử dụng ám đầy mạng nhện.

“Không có điện bơm nước, trước chúng tôi bàn nhau góp tiền mua xăng dầu để sử dụng. Được thời gian rồi chi phí mua xăng dầu đội lên cao quá cộng với nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng nên từ đó đành “xếp xó” công trình” – ông Bình nói.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại buôn Ea Su cũng tình cờ hòa cùng niềm vui của người dân địa phương khi vài ngày trước, điện lưới quốc gia đã chính thức được bắt vào từng nhà. Niềm hân hoan, rôm rả được cảm nhận rõ qua khuôn mặt háo hức của lũ trẻ khi chiều chiều cùng rủ nhau tìm về những nhà vừa ra xã sắm tivi để chăm chú theo dõi, chỉ trỏ bình luận bộ phim hoạt hình trên truyền hình quốc gia đang trình chiếu…

Có điện người dân phấn khởi nhưng sẽ viên mãn hơn nếu người dân nơi đây được sử dụng nước sạch đúng nghĩa. Chúng tôi có mặt tại nhà chị H’Yư Niê (SN 1976) lúc chị vừa giặt đống áo quần từ ao giữa buôn về nhà.

Nhắc đến tình trạng thiếu nước sạch, chị H’Yư Niê chỉ tay vào những bộ đồ ố vàng và những lớp phèn đóng đặc sệt trên mớ chén bát trong nhà thay lời giải thích. Trong 10 năm lập gia đình thì đã 3 lần nhà chị H’Yư Niê đào giếng sâu hơn 50m tìm nguồn nước nhưng cả thảy đều thất bại hoặc bị nhiễm phèn…

“Thèm” nước sạch, đó là từ phổ thông mà chị H’Yư Niê nói rành nhất với chúng tôi. Thiếu nước sạch cũng khiến công việc của anh chị xáo trộn nhiều nên để chủ động, vợ chồng chị H’Yư Niê lúc đi làm ngoài xã đều tay xách nách mang can nước hoặc sáng sớm thuê xe chở nước sạch về nhà. Hỏi lúc không có nước sạch vậy trẻ nhỏ trong buôn sinh hoạt như thế nào? Giọng chị H’Yư Niê buồn bã: “Mùa nào con suối trong buôn nước đầy thì lũ trẻ ra tắm. Mùa nước cạn thì vài cái ao nước ít nhiễm phèn là nơi tắm rửa, sinh hoạt đông đảo của trẻ em và cả phụ nữ.”

Không chỉ nước giếng khoan tại trạm bơm mà nhiều giếng nước của người dân trong buôn đều bị nhiễm phèn. Ảnh: H.L

Bệnh tật rình rập

Nhà chị H’Rem Ayũn, nơi chúng tôi đến, chẳng có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế liêu xiêu. Vào trong nhà chị, những tấm gỗ tạp dựng thành vách trống hoắc, gió thổi thốc vào từng ngóc ngách. Điểm chung giữa nhà chị H’Rem Ayũn với nhiều gia đình trong buôn mà chúng tôi nhận ra là đều có màu ố vàng khắp nơi; vàng bám của quần áo, vật dụng trong nhà và vàng cả nước da những đứa nhỏ…

Chị H’Rem Ayũn năm này 29 tuổi, sinh hạ 3 đứa con nhưng đứa nào cũng còi cọc, ốm yếu. Chị cho biết, hằng ngày chồng làm phụ hồ ở xã, còn chị đi nhặt phân bò, mò cua đổi gạo nên đứa lớn chưa đầy 15 tuổi ở nhà vừa chăm sóc cho em nhỏ. Chị H’Rem Ayũn kể, gia đình chị có một giếng nước bị nhiễm phèn nhưng nhiều năm nay chỉ biết “tặc lưỡi” sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống dù biết rõ nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra với con cái. Dẫn chúng tôi mục sở thị giếng nước sau nhà, chị H’Rem Ayũn cho biết, đất đai trong buôn rất khô cằn nên toàn bộ nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm phèn. Để đối phó, những nhà có điều kiện thì mua nước sạch từ xa mang về sử dụng còn những gia đình nghèo như chị buộc lòng “sống chung với lũ”.

“Gia đình tôi sử dụng nước nhiễm phèn thời gian dài như vậy nhưng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mọi người. Hậu quả của việc này lâu dài thì chưa thấy nhưng trước mắt, do tắm ao và uống nước phèn mà không ít lần, tôi phát hiện tay chân 3 đứa nhỏ nhà tôi nổi ban, mẩn đỏ… Dân chúng tôi hiện đang “khát nước” sạch lắm rồi!” chị H’Rem Ayũn tâm sự.

Nhắc đến các căn bệnh người dân có thể gặp phải khi sử dụng nước bẩn lâu ngày, chị H’Hà Eban - Trưởng buôn Ea Su, là người hiểu rõ nhất những vất vả mà người dân địa phương phải trải qua trong nhiều năm qua. Bản thân chị H’Hà Eban trước khi giữ chức trưởng buôn từng phụ trách mảng dân số trên địa bàn và cả làm… thợ hớt tóc. Qua đó, chị từng ghi nhận không ít căn bệnh mà trẻ em, phụ nữ trong buôn gặp phải khi sử dụng nước nhiễm phèn.

Chị H’Hà Eban kể lại, nhiều phụ nữ trong buôn do thiếu hiểu biết, phần vì xấu hổ nên sau khi dùng nước nhiễm phèn, họ mắc các bệnh phụ khoa. Riêng trẻ em do tắm nước ao tù cũng là nơi trâu, bò tắm nên các bệnh ngoài da tăng cao.

“Cán bộ buôn nhiều lần nhắc nhở người dân tăng cường khám chữa bệnh nếu phát hiện các điều bất thường. Tuyên truyền là vậy nhưng thực tế buôn với hơn 70% hộ nghèo nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân dùng nước sạch gặp vô vàn khó khăn. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm xem xét, cải tạo lại trạm bơm nước sạch hoặc đầu tư hệ thống nước sạch từ xã vào buôn để người dân yên tâm sinh sống” – chị H’Hà Eban chia sẻ.

Trao đổi với PV, bà Võ Thị Thu Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê cho biết, năm 2011, Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc làm chủ đầu tư công trình nước sạch phục vụ hơn 100 hộ dân tại buôn Ea Su với tổng kinh phí khoảng 800 triệu. Dự án này được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ.

Công trình hoàn thành nhưng vì thiếu đồng bộ nên chưa đầy 1 năm đã rơi vào tình trạng bỏ hoang. Nguyên nhân "đắp chiếu" công trình này thì có nhiều nhưng theo lời bà Mai chủ yếu do thiếu kinh phí hoạt động, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn hay các cá nhân quản lý không được tập huấn về quy trình quản lý, vận hành trạm bơm…

Trước câu hỏi về việc tại sao địa phương và chủ đầu tư không đánh giá tầng nước ngầm, tính toán nguồn điện để duy trì trạm bơm cho người dân, bà Mai cho rằng, năm 2008 khi thành lập buôn Ea Su thì vấn đề đầu tiên chính quyền giải quyết là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân nhanh nhất.

Địa phương cũng nhận ra việc không có điện có khả năng khiến công tác vận hành sẽ gặp khó khăn nhưng so với nhu cầu, mong muốn sử dụng nước của người dân lúc bấy giờ, địa phương buộc tiến phải hành đầu tư, xây dựng.

“Đường điện vừa về với buôn nên chúng tôi hiện chưa có kế hoạch cụ thể về việc sửa chữa trạm bơm nước sạch này. Một vấn đề nữa là nếu sửa chữa trạm bơm thì việc khử phèn nước ngầm thực hiện như thế nào cũng là câu hỏi quá khó. Chúng tôi đã báo cáo, đề xuất UBND huyện xin chủ trương đầu tư, hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục, sửa chữa công trình để người dân sử dụng nước sạch trong tương lai” – bà Võ Thị Thu Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê cho biết.

Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Huấn luyện viên Mai Đức Chung và điều chưa kể về hành trình đến World Cup

AN NGUYÊN |

Cách đây 1 năm, hành trình đến World Cup 2023 của bóng đá nữ Việt Nam như một câu chuyện cổ tích được viết nên bởi huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò.

Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Anh Đức - Hoàng Anh |

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

Việt Nam và hành trình kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận

Nick M |

Nhà thám hiểm lừng danh người Morocco - Ibn Battuta – từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Và du lịch Việt Nam, đã và đang kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận đi khắp thế giới.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.