Kết quả kinh doanh năm 2017 của ngành ngân hàng: Khởi sắc và nhiều kỳ vọng

Gia Miêu |

Tín dụng cải thiện, kéo theo nguồn thu từ dịch vụ, góp phần làm tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Hiện chưa có báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) cả năm nhưng vẫn có thể thấy bức tranh rất khả quan và sẽ không quá khó khăn để các ngân hàng hoàn thành mục tiêu kinh doanh cho cả năm 2017.

Kinh doanh khởi sắc, nợ xấu giảm mạnh

Ở khối Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) gốc quốc doanh, Vietcombank đang đầy triển vọng thiết lập mốc lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng lần đầu tiên. Báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2017 cho biết: Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 7.687 tỉ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ năm trước (mục tiêu cả năm là 9.200 tỉ đồng), cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,13%, giảm 0,4% so với đầu năm.

Còn ở khối NHTMCP, VPBank vẫn vững vàng ở vị trí đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau chín tháng đạt 5.635 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm. Một NHTMCP cũng đang có sự “hồi sinh” khá tốt là ACB cho biết, khả năng lợi nhuận năm 2017 của ngân hàng này sẽ vượt chỉ tiêu 2.205 tỷ đồng đề ra. 9 tháng đầu năm, ACB đạt 2.004 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 61% và sau thuế đạt 1.526 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2016, qua đó hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Sacombank cũng là một trong những ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận. Năm 2017, Sacombank lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 585 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 1.025 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ 2016 và vượt gần gấp đôi kế hoạch năm, thậm chí ngân hàng này còn ước tính lãi cả năm sẽ vượt 200% kế hoạch.

Đáng chú ý, một số ngân hàng “tầm trung” ghi nhận sự đột biến về lợi nhuận. Như HDBank, sau chín tháng, mức lợi nhuận tăng tới 279%, vượt kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất chín tháng đầu năm 2017 của HDBank đạt 1.912 tỉ đồng và khả năng cả năm sẽ đạt 2.400 tỉ đồng. Ngân hàng có quy mô vốn nhỏ nhất Việt Nam là SaigonBank cũng có mức lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỉ đồng sau chín tháng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn tổng quan, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho thấy các ngân hàng đạt 47.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong ba quí đầu năm, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ.

Ngoài sự cải thiện về lợi nhuận thì một điểm tích cực khác của hệ thống ngân hàng trong năm 2017 chính là tỷ lệ nợ xấu giảm. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9.2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,34%, giảm nhẹ so với tỷ lệ 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016. Còn nếu đánh giá một cách thận trọng, tổng số nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) chưa xử lý được là 566.000 tỉ đồng vào cuối tháng 9.2017, giảm so với mức 600.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2016; tỷ lệ nợ xấu là 8,61% giảm so với mức 10,08% tại thời điểm cuối năm trước.

Về xử lý nợ xấu, trong bảy tháng đầu năm 2017, hệ thống ngân hàng xử lý khoảng 45.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản bảo đảm khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác. Song song với đó, các ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 9-2017, số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.

Chặng đường dài

Các chuyên gia tài chính – tiền tệ nhìn nhận, lợi nhuận ngành ngân hàng được cải thiện trong năm 2017 là nhờ tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. Với mức tín dụng khoảng 19% năm nay, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.

Ông Lê Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam đang dần được cải thiện sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu. Lợi nhuận của các ngân hàng năm nay tăng trưởng đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu “vua”, nhất là trước làn sóng lên sàn chứng khoán. Đồng thời, thị trường bất động sản ấm dần lên cũng tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng

“Mặc dù vậy, điều quan trọng là các nhà băng phải kiểm soát được rủi ro và chất lượng tín dụng mới kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Điều đó cũng có nghĩa, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh. Ngân hàng nào kiểm soát rủi ro tốt lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực, ngược lại, sẽ phải dành phần lớn để trích lập dự phòng”, ông Tuấn nói.

Đánh giá về chuyện xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tiến trình tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy mạnh trong năm 2017, thể hiện sự quyết tâm của NHNN và Chính phủ trong vấn đề cải tổ và lành mạnh hóa hệ thống.

Tuy nhiên, “kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua lại còn chậm”, TS. Hiếu nói.

Đáng lo hơn là nợ xấu vẫn tăng về giá trị tuyệt đối cùng với đà tăng tốc khá nhanh của tín dụng. Số liệu của Ủy ban giám sát cũng cho thấy, số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống TCTD tăng mạnh, đến cuối năm 2017 ước tăng khoảng 24,7% so với cuối năm 2016. Dự phòng rủi ro cụ thể ước tăng 26,3%, dự phòng rủi ro chung ước tăng 22,1% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo ở mức 65,8%.

Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban giám sát thông tin: “Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2017 là 9,5%, giảm mạnh so với con số 11,5% trước đó nhưng vẫn còn cao gấp gần 4 lần so với con số chưa đến 3% do hệ thống ngân hàng tự báo cáo và cao hơn nhiều so với số liệu 2,34% (chưa tính khoản bán sang Công ty Quản lý tài sản của các TCTD - VAMC) được NHNN công bố giữa tháng 11”.

Bên cạnh đó, một điểm mà các chuyên gia lưu tâm đó là trong năm 2017, việc tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTMCP sụt giảm nhanh, dẫn đến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, CAR của hệ thống các TCTD giảm liên tục. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống là 12,84%, thì đến cuối tháng 5.2017 đã giảm về còn 12,66% (đó là đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm).

Theo UBGSTCQG, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel 2 tại 10 TCTD thí điểm (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và Maritime Bank) cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đơn cử, đối với bốn NHTMCP gốc nhà nước lớn, CAR theo báo cáo hiện tại đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel 2 thì CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Trên thực tế, việc tăng vốn được coi là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng hiện nay vì nếu không tăng được vốn, các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng trong các năm sắp tới khi hệ số CAR suy giảm. Do vậy, đây cũng sẽ là một trong những câu chuyện trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018, đặc biệt là các NHTMCP gốc nhà nước như VCB, CTG, BIDV.

Gia Miêu
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.