Hội An giữa mùa săn “lộc trời”

Hữu Long |

Giữa lòng sông rộng lớn sẫm màu phù sa là những cơn gió lạnh buốt tát từng cơn vào cơ thể những ngư dân rắn rỏi đang căng mắt săn cá lệch. Mỗi năm cứ vào mùa nước lũ, người dân tại Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đều dong thuyền ra sông bắt “lộc trời” kiếm thêm thu nhập. Nếu chăm chỉ, mỗi đêm mùa nước lũ, một người soi đèn săn đặc sản cá lệch có thể thu nhập vài triệu đồng.
Trắng đêm săn lộc
Một buổi chiều đầu tháng 11 trời mưa phùn tại TP. Hội An, khi nước lũ từ đầu nguồn đổ dồn về khiến nước sông Hoài ngập lai láng, mấp mé những ngôi nhà cổ là lúc, khắp dãy phố rộn tiếng í ới gọi nhau dọn lụt của những phụ nữ luống tuổi. Gần đó, những hơi thở hì hụp của lũ trẻ đang ra sức đạp xe giữa con đường ngập nặng. Riêng  với những vị khách nước ngoài lần đầu đến Hội An thì tâm trạng khác hẳn, họ háo hức đi chơi… lụt. Có người còn thuê hẳn một chiếc ghe để dạo quanh  tuyến phố ngập nước nhằm cảm nhận một phố cổ Hội An rất khác. Một Hội An lấm lem mùi phù sa nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong.
Màn đêm nhanh chóng bao trùm thành phố bên dòng sông Hoài. Cơn mưa không làm thay đổi được thói quen vốn dĩ của người dân phố cổ bao năm nay. Đêm xuống, nhà nhà lại lên đèn. Những ánh sáng le lói từ dãy đèn lồng thấp thoáng hóa lại hợp với tông màu đỏ ké của phù sa, tất cả  như một sự sắp đặt hài hòa. Cách TP. Hội An không xa, khi ánh sáng từ khu phổ cổ đã khuất tầm mắt, trên dòng sông Đế Võng giữa tứ phía lạnh buốt có những con người lặng lẽ mưu sinh.  
Trời vừa tối, anh Trần Kim Quý (37 tuổi, phường Cửa Đại) nhanh chóng nhổ neo chiếc thuyền nhỏ từ chân cầu Phước Trạch để đưa thuyền ra giữa dòng sông chuẩn bị một đêm đặc sản cá lệch. Con thuyền nhỏ của anh Quý hôm nay có thêm vài vị khách nên chòng chành và mong manh hơn mọi khi. Anh Quý, người nhỏ thó nhưng có cơ thể chắc nịch với giọng nói sang sảng đậm chất Quảng. Anh Quý cầm trên tay chiếc đèn pin đội đầu kiểm tra lại một lượt, sau đó, anh nhanh chóng rửa sạch chiếc vợt dài bám đầy rong rêu sau những đêm bội thu cá lệch. Khi khách còn đang làm quen cảm giác chật chội trên thuyền thì anh Quý nhẹ nhàng đưa mái chèo ra giữa dòng sông. Đến giữa dòng, anh soi đèn quanh mặt nước, đôi mắt tinh tường cùng hai tay nhanh nhẹn cầm sẵn chiếc vợt vớt những chú cá lệch vừa nổi lên. Sau khi phấn khích đưa khách xem thành quả đầu tiên trong đêm, anh Quý chia sẻ: “Mỗi năm cứ đến mùa lũ là người dân địa phương cùng gọi nhau đi bắt cá lệch. Với tập tính khi nước lũ về thì lũ cá lệch sẽ theo phù sa từ đầu nguồn về hạ du, đến cuối dòng thì những con cá này bị cay mắt và sẽ nổi lên mặt nước. Khi cá nổi, ngư dân chỉ cần chịu khó vớt cá, mỗi đêm có thể kiếm được cả bạc triệu” - anh Quý phấn khích, chia sẻ.
Là lộc trời phú mỗi mùa nước lũ nên những ngày này có trên 50 chiếc thuyền của người dân với lỉnh khỉnh các vật dụng thủ công đổ xô đi vớt cá. Dòng sông rộng lớn cũng luôn biết chiều lòng người khi những người dân sau mỗi đêm đi vớt cá đều có thêm một khoản thu nhập nhất định về cho gia đình. Họ cùng vớt cá gần nhau nhưng tôn trọng nhau, tuyệt không bao giờ cãi vả, xô sát.  Khi những vị khách như chúng tôi còn loay hoay “thử tài” vớt cá thì phía xa, tại những khu vực có vài ngọn đèn li ti,  một vài người vớt cá lại rộ lên những tiếng cười rộn rã. Hóa ra vài người may mắn vớt được cá lệch to khủng. Cầm trên tay chiến lợi phẩm, chủ nhân một chiếc thuyền cách chúng tôi khoảng 5 mét hóm hỉnh khoe thành quả như thách thức những người xung quanh. 
Trời về khuya, chúng tôi nhanh chóng di chuyển sang một chiếc thuyền khác do anh Lê Quang Hùng (45 tuổi) làm chủ. Nhìn anh Hùng tay thoăn thoắt vớt cá trong khi chúng tôi vất vả lắm mới bắt được một chú cá nhỏ thì mọi người trên thuyền mới biết rằng, ngư dân vớt cá tưởng chừng đơn giản nhưng ấy vậy mà không phải ai có thể làm được. Điều quan trọng để “tóm” được những chú cá nổi lên mặt nước là phải kết hợp giữa 2 yếu tố nhanh tay, nhanh mắt, nếu không, những con cá vừa nổi lên mặt nước sẽ mất dấu ngay. “Cá bị cay mắt nổi lên nhưng chúng lanh lẹ cực kỳ. Để bắt được chúng, chỉ có cách vớt đón đầu mới bắt được” – anh Hùng nói trong khi chúng tôi đã nhiều lần vớt vào giữa hay phần đuôi và đều… thất bại.
Hiện giá một kg cá lệch tại Hội An khá cao nhưng cung không đủ cầu. 

“Nghề bạc bẽo”
Theo những vị cao niên sinh sống tại phố cổ Hội An, cách đây hơn 50 năm trước, người dân trong vùng đã bắt đầu phát hiện cá lệch nổi lên khi lũ về và bắt đầu đi bắt cá. Những chú cá lệch nhìn bên ngoài giống loài lươn đồng với toàn thân trơn nhẩy. Cá sau khi được bắt về họ sẽ tuốt sạch nhớt và chế biến nhiều món như nấu canh chua cay xé, chặt từng khúc đặt gọn vào nồi đất kho mặn hay băm nhỏ nấu cháo cho trẻ con rất bổ dưỡng và thơm ngon. 
Theo lời anh Hùng, từ nhỏ anh đã thấy những người lớn trong làng đến mùa lũ đều đi săn lộc trời. Lớn lên anh Hùng cũng theo những gì cha anh chỉ bảo từ nhỏ để tiếp tục mưu sinh. Trước đây, nếu vớt cá từ tờ mờ tối cho đến rạng sáng hôm sau, có khi may mắn, anh Hùng bắt được 10 kg cá lệch. Thời gian đầu, anh Hùng chỉ bắt cá về để gia đình cải thiện thêm bữa cơm. Rồi những đêm “trúng” cá, cả nhà ăn không hết anh đành đem bán. “Giá cá lệch trước đây chỉ khoảng 40 đến 50 nghìn đồng/kg. Theo thời gian, khi nhiều  người biết được con cá lệch có giá trị dinh dưỡng cao nên họ bắt đầu đổ xô đi mua cá về chế biến món ăn. Từ đó, giá cá lệch bỗng nhiên tăng chóng mặt” – anh Hùng kể và cho biết thêm, hiện giá cá lệch bán cho các nhà hàng, khách sạn tại Hội An lên tới 280.000 đồng/kg. Giá cá cao như vậy nên có đêm, anh Hùng có thể thu nhập được gần 5 triệu đồng.
Màn đêm phủ kín trong màn sương, những ánh sáng le lói làm bừng tỉnh một khúc sông. Nhiều người đi vớt cá tranh thủ nghỉ ngơi, chèo thuyền lại gần xôm tụ cùng nhau. Họ cười nói đủ thứ chuyện mưa lũ, chuyện mưu sinh… và cả chuyện ai là người bắt được con cá lệch to nhất.  Nằm thả lỏng người trên con thuyền nhỏ tí, anh Hùng chợt nói: “Con lũ năm nay vẫn chưa lớn nên cá về còn ít quá. Mỗi mùa mưa bão cũng chỉ có thể bắt con cá này từ 2 đến 3 đêm thôi, đó là còn chưa kể may mắn theo con nước”.
5h sáng khi cuộc sống trên bờ bắt đầu nhộn nhịp là lúc những người đi săn lệch thưa dần. Đôi mắt anh Hùng díu lại với vẻ mệt mỏi. Nghĩ tới những đứa con đang tuổi ăn học ở nhà, anh Hùng cố nán thuyền lại để vớt thêm ít cá. Cầm trên tay giỏ cá khoảng 3 kg, anh Hùng chia sẻ: “Nghề của chúng tôi bạc bẽo lắm, lũ càng lớn là cá về càng nhiều. Nhưng lũ lớn thì bà con chòm xóm lại lao đao thì chúng tôi có vui được đâu”.   
Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Nỗi lòng người lao động đón Tết xa quê ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Tại Bình Dương, nhiều gia đình công nhân lao động do bị thất nghiệp, giảm giờ làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn không thể về quê đón Tết. Người lao động chấp nhận đón Tết ở Bình Dương để tiết kiệm chi phí, lo cho con cái trong năm mới.