Để các em biết đọc, biết viết như bao trẻ!

Kim Đồng |

Sinh ra trong gia đình khó khăn, nhiều đứa trẻ phải theo cha mẹ lên TP.HCM mưu sinh. Với các em, để đến trường và được đến trường là một điều xa vời. Thế nhưng từ khi Trung tâm phát huy Bình An (Trung tâm) mở lớp vận động đi học, hàng trăm trẻ trong khu vực đã may mắn được đến trường.

“Lớp học là để dành cho con của những người làm thợ hồ, cô lượm ve chai, bà bán vé số và các công nhân không đủ điều kiện đưa con đến trường. Chúng tôi nhận dạy miễn phí với mong muốn các em sẽ biết đọc, biết viết… như bao trẻ bình thường khác”, cô Đặng Thị Thu Hạnh (quản lý Trung tâm) chia sẻ.

Lớp học của những trẻ khó khăn

Tại Trung tâm phát huy Bình An (Quận 8, TP. HCM), nơi khoảng 256 trẻ em có độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi theo cha mẹ từ khắp các tỉnh lên TP.HCM kiếm sống không được theo học tại các trường chính quy được các thầy cô giáo là những giáo viên đã nghỉ hưu mở lớp học, dạy chữ miễn phí.

Cô Đặng Thị Thu Hạnh cho biết, chứng kiến cảnh trẻ em theo cha mẹ lên thành phố mưu sinh, không có điều kiện để học chữ, các em không biết đọc, biết viết, thiệt thòi so với các bạn cùng lứa… Trung tâm đã vận động kinh phí từ các tổ chức và xây thành lớp học để dạy chữ miễn phí cho các em. Đây là lớp thuộc một trong những chương trình của tổ chức Bạn trẻ em đường phố (FFSC) được thành lập năm 1984 để quy tụ những trẻ em lang thang sống ngoài xã hội.

“Các em tại đây được học theo chương trình của Bộ GD-ĐT với tất cả các môn. Mọi vật dụng từ sách vở, bút viết, trang phục, cặp sách... của các em đều được trung tâm cung cấp. Hầu hết các em xuất thân từ những gia đình có bố mẹ làm đủ các nghề như phụ hồ, bốc vác, bán vé số, lượm ve chai và là công nhân lao động trong các xưởng, công ty… với cuộc sống gia đình còn nhiều thiếu thốn”, cô Hạnh nói.

Tại trung tâm, cháu Lê Minh Nghiệp (học lớp 5) bị bại liệt teo cơ tủy sống bẩm sinh, không thể tự mình đi lại. Đến tuổi tới trường, cha mẹ xin cho cháu học tại một số trường trên địa bàn nhưng không được vì các trường cho là bất tiện. Anh Lê Hoàng Minh Nghĩa đã xin cho con vào Trung tâm học. “Mỗi buổi sáng, vợ chồng tôi thay phiên nhau chở cháu đến lớp, tới trưa lại đón con về. Con bị khuyết tật nhưng nhà tôi không để con mù chữ. Nhìn con lên lớp với bạn bè cùng lứa, tôi rất vui”, anh Nghĩa chia sẻ.

Cháu Đỗ Bảo Quý (8 tuổi, quê An Giang) sống cùng cha mẹ tại một căn chòi lá trên một ao cá tại giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh. Quý theo cha mẹ từ An Giang lên TP.HCM mưu sinh bằng việc mướn một cái ao để trồng rau, nuôi cá và bán trái cây dạo... Cứ mỗi buổi sáng, Quý được mẹ chở vào bờ rồi tự đi bộ hơn 3km tới trường.

Gia cảnh của cháu Phùng Thanh Quân và Nguyễn Thị Thúy Ngân học lớp 4 lại càng vất vả hơn. Mẹ Quân sống ở Vũng Tàu, ở với mẹ Quân không được đi học nên cháu sống với cậu tại TP.HCM. Gia đình khó khăn nên buổi sáng Quân đi học, chiều về lại đi lượm ve chai. Quân đi đến tận cao tốc Trung Lương, Nhà Bè, Cát Lái…. để lượm ve chai. Còn Nguyễn Thị Thúy Ngân, sau mỗi buổi học, cháu lại rong ruỗi khắp các con hẻm, góc phố ở An Phú Tây đi bán vé số phụ mẹ kiếm tiền. Thúy Ngân chia sẻ: “Cha bỏ mẹ, hàng ngày mẹ cháu làm thuê, phụ bán hàng để kiếm tiền nuôi các con. Thấy mẹ một mình vất vả nuôi 3 đứa con nên con bảo mẹ lấy vé số để con đi bán. Mỗi ngày con bán vé số, kiếm được từ 50.000- 100.000 đồng”. Được biết, để hỗ trợ gia đình Ngân, Trung tâm đã mua xe máy cũ cho mẹ cháu để tiện đưa đón em đến trường và phục vụ công việc.

Ngoài ra, tại trung tâm còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn khác, có những trẻ chậm phát triển, nói ngọng, có vấn đề về sức khỏe… Đối với các em, con đường đến trường là cả hành trình gian nan và thử thách.

Lớp học của những trẻ em khó khăn tại TP.HCM.
Lớp học của những trẻ em khó khăn tại TP.HCM.

Những giáo viên nhọc nhằn đưa học sinh lên lớp

Năm 2009, Trung tâm mới thành lập và chỉ vỏn vẹn vài học sinh theo học. Cô Đặng Thị Thu Hạnh nhớ lại: “Khi trung tâm mở lớp học, chúng tôi cảm thấy rất vui. Lớp học sẽ giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn được học chữ… các em sẽ biết đọc, biết viết như những đứa trẻ may mắn hơn. Thế nhưng, mới đầu chỉ gần chục em theo học, chúng tôi phải đi khắp nơi để vận động. Thời điểm đó cũng chỉ có một giáo viên dạy và vài sơ hỗ trợ”.

Lớp học tại trung tâm được mở ra là niềm vui của những người quản lý nơi đây. Thế nhưng, để vận động các em đến học chữ không đơn giản. Cô Hạnh tìm hiểu trong vùng và được biết, nhiều em học sinh không được đến trường vì cha mẹ sợ tốn tiền nên đã đến tận nhà để động viên cho con đi học.

“Tôi đến nhà, hỏi thăm, động viên và nói cho họ biết việc cho con đi học là quan trọng. Các con sẽ được học miễn phí, sách vở, dụng cụ học tập, áo quần… đều do trung tâm lo. Mới đầu khi tôi đến vận động, họ không tin, nhưng đến vài ba lần thì cũng cho con lên lớp”.

Ngoài đến tận các nhà, cô Hạnh còn đi khắp các con đường, góc phố trên địa bàn Quận 8 để tìm những trẻ em lang thang ngoài đường và đưa các em về học. Tại một số điểm như quán internet, cô Hạnh cũng có mặt để vận động… Nhờ những lần đi vận động không mệt mỏi ấy, nhiều gia đình đã nhận ra tầm quan trọng của việc cho con đi học nên đã chủ động đưa con đến.

Hiện nay trung tâm đã có 256 em theo học chia thành các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, học vào buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Một khóa học với 20 em lớp 5 (năm 2016) đã ra trường và theo học tại các trường cấp 2 trên địa bàn. Trung tâm có 7 giáo viên và 3 sơ dạy các em.

Tại Trung tâm, việc các em bỏ học thất thường khiến nhiều cô giáo lo lắng... Mỗi lần các em bỏ học, cô Hạnh và những thầy cô ở đây phải đến tận nhà các học sinh để tìm hiểu. Một học sinh có chiếc xe đạp do Trung tâm mua tặng lại bị cha mẹ cầm đem bán để có tiền cờ bạc, đánh số đề... Không còn xe đạp, trường thì ở xa nên em này nghỉ học. Có những trường hợp gia đình bắt các em đi bán vé số, lượm ve chai thay vì đi học, họ cho rằng học không đem lại tiền....

Khó khăn hơn là việc dạy chữ cho các em, cô Vũ Thị Thoa (62 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu) đang dạy tại Trung tâm cho biết: “Trung tâm có khoảng 1/3 trẻ tiếp thu tốt. Còn lại do nhiều nguyên nhân khiến các em học sa sút. Trong đó, khi về nhà nhiều em không được cha mẹ dạy thêm, không quan tâm, số còn lại phải đi bán vé số, lượm ve chai để mưu sinh… Để các em học tốt, các thầy cô ở đây đã dạy bằng hết khả năng và cả tình thương, chỉ mong các cháu biết con chữ”.

Những thầy cô đáng kính

Những giáo viên dạy tại Trung tâm chủ yếu là thầy cô đã nghỉ hưu. Cô Vũ Thị Thoa, trước đây dạy tại trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8). Sau khi nghỉ hưu, cô Thoa tìm đến Trung tâm xin vào dạy. Từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, cô Thoa đều đặn đạp xe đạp đến trường dạy chữ. “Được dạy các cháu có hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm thấy rất vui. Bản thân tuổi già, sức yếu, nhưng làm được việc gì có ích cho xã hội là tôi làm hết mình”, cô Thoa nói.

Còn cô Lưu Thị Hoa từng là giáo viên của trường Tiểu học Nguyễn Danh Lâm (quận 8). Cô gắn bó với Trung tâm đã khá lâu. Sau mỗi lần đứng lớp, cô lại vội vàng chạy xe về nhà để chăm sóc cho cậu con trai. Cô Hoa cho biết, cách đây hai năm, đang là sinh viên trường Đại học Sài Gòn thì con trai cô phát hiện có vấn đề về thận. Cô phải chạy thận cho con hàng tháng. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, phải chăm sóc con bệnh tật nhưng cô Hoa vẫn dành thời gian dạy chữ miễn phí cho các em.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ràng gắn bó với Trung tâm từ ngày mới hoạt động. Đối với cô, các em học sinh ở đây như những đứa con trong gia đình. Mỗi buổi sáng cô đều đặn chạy xe máy khoảng 6km đến dạy chữ cho các em. “Lớp học, các em là một gia đình. Tôi rất thương các con. Mặc dù được lên lớp học chữ, nhưng hiện nay Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, thiếu bàn ghế, sân chơi cho các em…”, cô Ràng chia sẻ.

Ngoài ra, Trung tâm còn có thầy Richard Joseph Hoesch (66 tuổi, quốc tịch Mỹ). Mỗi sáng thứ tư hàng tuần, thầy Richard đạp xe đạp thể thao từ quận 1 đến Trung tâm dạy tiếng Anh cho hai lớp học và dạy tiếng Anh nâng cao cho các giáo viên… Đã hơn hai năm nay, thầy Richard là người trực tiếp đứng lớp. Không chỉ dạy tiếng Anh, thầy Richard còn nhiệt tình chỉ dẫn nhiều kỹ năng khác cho học trò của mình…

Rời Trung tâm, chúng tôi suy nghĩ về nhiều thứ, nghĩ về Trung tâm, về các em học sinh và những thầy, cô đang dạy chữ miễn phí... nơi đây. Có những người cô, người thầy đã có tuổi, gia đình có con bệnh tật… nhưng họ vẫn thầm lặng, dành tình thương dạy chữ cho các em.

Kim Đồng
TIN LIÊN QUAN

Nghị lực và tấm lòng của cô giáo trẻ

TRẦN LƯU - NAM DU |

Trên đường đến trường - thời điểm còn dạy học tại Trường THPT Tân Thành (huyện Tân Hồng) - cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên môn toán, Trường THPT Thiên Hộ Dương (phường 6, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) - bị chiếc xe tải cán nát chân trái, phải cắt bỏ.

Bám đảo gieo chữ ở biển Tây

LỤC TÙNG |

“Chưa có đường, phải lần theo lối mòn để đến điểm phụ dạy học. Nhiều lúc phải lùi 3-4 mét để lấy đà. Vậy mà có hôm vẫn không vượt qua được! Quần áo, giáo án ướt hết... Nhưng vẫn phải đi tiếp để kịp giờ, vì mỗi ngày giáo viên phải dạy đến 3 ca”.

Cô giáo 9X xinh như nàng tiên và “tuyệt chiêu” thuần phục học trò

HUYÊN NGUYỄN |

Gương mặt thanh tú, nụ cười rạng ngời cùng phong thái nhẹ nhàng như một nàng tiên, cô giáo 9X Phan Hồng Anh, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) là gương mặt trẻ nhất trong số hàng trăm giáo viên được Sở GDĐT Hà Nội tuyên dương nhà giáo Thủ đô có đổi mới sáng tạo và tâm huyết trong dạy học vào sáng nay (8.11).

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Nghị lực và tấm lòng của cô giáo trẻ

TRẦN LƯU - NAM DU |

Trên đường đến trường - thời điểm còn dạy học tại Trường THPT Tân Thành (huyện Tân Hồng) - cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên môn toán, Trường THPT Thiên Hộ Dương (phường 6, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) - bị chiếc xe tải cán nát chân trái, phải cắt bỏ.

Bám đảo gieo chữ ở biển Tây

LỤC TÙNG |

“Chưa có đường, phải lần theo lối mòn để đến điểm phụ dạy học. Nhiều lúc phải lùi 3-4 mét để lấy đà. Vậy mà có hôm vẫn không vượt qua được! Quần áo, giáo án ướt hết... Nhưng vẫn phải đi tiếp để kịp giờ, vì mỗi ngày giáo viên phải dạy đến 3 ca”.

Cô giáo 9X xinh như nàng tiên và “tuyệt chiêu” thuần phục học trò

HUYÊN NGUYỄN |

Gương mặt thanh tú, nụ cười rạng ngời cùng phong thái nhẹ nhàng như một nàng tiên, cô giáo 9X Phan Hồng Anh, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) là gương mặt trẻ nhất trong số hàng trăm giáo viên được Sở GDĐT Hà Nội tuyên dương nhà giáo Thủ đô có đổi mới sáng tạo và tâm huyết trong dạy học vào sáng nay (8.11).