Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến để hạn chế nạn nhũng nhiễu

H.Trân - M.Quân |

Mặc dù ngày 26.11, TPHCM mới chính thức công bố đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tuy nhiên từ những năm qua, TPHCM là địa phương triển khai khá tốt dịch vụ công trực tuyến – bước đi đầu tiên của đô thị thông minh.

Đến nay, TPHCM đã triển khai được hơn 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 (cấp độ 4 là cấp độ cao nhất) cho 24 quận - huyện, góp phần hạn chế tình trạng cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Người dân ngồi ở nhà để làm thủ tục hành chính

Q.Bình Tân là một trong những quận đầu tiên của TPHCM triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 theo chỉ đạo của UBND TP vào ngày 1.10.2016. Bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết, năm 2016, quận đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với 22 thủ tục, tập trung vào 4 lĩnh vực kinh tế, y tế, lao động và xây dựng. Trong năm 2017, Q.Bình Tân mở rộng cấp thêm 38 thủ tục ở cấp độ 3 và 18 thủ tục ở mức cấp độ 4.

Tương tự, UBND quận 1 cũng là một trong những địa phương không ngừng cải tiến, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên cấp độ 3 và 4 đối với các nhóm thủ tục hành chính. Bà Phạm Thị Ngọc Diệu khẳng định, dịch vụ công trực tuyến là một bước đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần gắn kết quan hệ giữa người dân và chính quyền. Đây cũng là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử mà TPHCM đang quyết tâm thực hiện.

Bên cạnh các quận – huyện, thì nhiều sở, ngành trên địa bàn TPHCM cũng đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp được thuận tiện, tiết kiệm chi phí và đỡ tốn thời gian đi lại nhiều lần. Cụ thể đối với dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp chỉ việc ngồi ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu có mạng internet kê khai hồ sơ, nộp, bổ sung hồ sơ qua mạng.

Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc tại trực tiếp cơ quan chức năng hoặc qua bưu điện. Người dân không cần phải nộp hồ sơ ngay tại UBND quận mà có thể scan hoặc chụp lại tài liệu, gửi đến trang thông tin của UBND quận và kê khai các thủ tục liên quan và nhận kết quả ngay tại nhà, thậm chí việc nộp phí cũng có thể thực hiện qua mạng...

Anh Nguyễn Văn Hưởng (Q.1), chia sẻ: “Vừa qua, khi làm thủ tục trích lục giấy khai sinh cho con trai, tôi chỉ cần ngồi ở nhà lên trang thông tin của UBND quận 1 và đăng ký, kê khai, nộp các thủ tục cần thiết qua mạng rất tiện lợi. Trên mạng hướng dẫn rất chi tiết các thủ tục, mình cứ làm theo là hoàn tất ngay. Trước đây, muốn làm những thủ tục này, mình phải lên quận ngồi chờ rất mất thời gian, đó là chưa kể những lúc thiếu hồ sơ phải đi lại nhiều lần để bổ sung”.

Mới đây vào ngày 30.11, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố phần mềm công khai quy hoạch trực tuyến giúp người dân ngồi nhà lên mạng có thể biết được thông tin quy hoạch toàn thành phố. Phần mềm công khai quy hoạch trực tuyến ứng dụng web (web app) https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng điện thoại (mobile app) “Thông tin quy hoạch TPHCM” cho hệ điều hành Android và iOS. Để truy cập sử dụng ứng dụng công khai thông tin quy hoạch trực tuyến, người sử dụng truy cập trực tuyến vào trang web: http://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn, người sử dụng có thể ở bất cứ đâu chỉ cần máy tính hoặc thiết bị di động (điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng) có kết nối sẵn với mạng internet đều có thể truy cập vào trang điện tử.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, việc công bố thông tin quy hoạch góp phần vào việc thực hiện Đề án đô thị thông minh. Đối với người dân, thông tin quy hoạch là một nhu cầu thiết yếu khi thực hiện các thủ tục xây dựng, cầm cố, mua bán nhà đất. Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, đây là một thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, đầu tư và ra các quyết định.

Người dân xem thông tin quy hoạch được công khai trực tuyến tại quận Bình Tân.
Người dân xem thông tin quy hoạch được công khai trực tuyến tại quận Bình Tân.

Tiếp tục cải tiến, triển khai đồng bộ để tạo thuận lợi cho người dân

Mặc dù, các cơ quan hành chính trên địa bàn đã triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực và tính hiệu quả về sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng thấy rõ, song thực tế số lượng người dân sử dụng dịch vụ này vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn tại quận Bình Tân, theo bà Diệu, số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này vẫn còn ít, chỉ chiếm khoảng 10-20%.

Tại các sở, ngành, quận khác, tuy đã có dịch vụ công trực tuyến, nhưng số lượng người dân đến trực tiếp các trụ sở để nộp hồ sơ vẫn đông, và phải lấy số thứ tự xếp hàng chờ cả giờ để đến lượt.

Được biết, nguyên chính vẫn là do thói quen của người dân muốn đến trực tiếp trụ sở để nộp hồ sơ cho yên tâm. Nhân viên một doanh nghiệp đóng tại địa bàn quận Tân Phú ngồi chờ tại Sở KHĐT TPHCM để làm thủ tục bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, cho biết: “Đến đây nộp hồ sơ cho chắc ăn. Có gì chưa rõ thì mình hỏi luôn hoặc sai gì mình sửa trên hồ sơ. Còn làm trực tuyến chưa quen, rồi không biết hồ sơ mình gửi có tới không…”.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, để thay đổi thói quen của người dân, thành phố cần triển khai đồng bộ các biện pháp, liên thông kết nối từ sở, ngành để phát huy tối đa tiện ích của mô hình “một cửa điện tử” này. UBND Q.Bình Tân cũng kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương không thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính với trường hợp cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến do Sở - ngành, UBND quận – huyện, phường – xã trên địa bàn TP cung cấp, để khuyến khích người dân tham gia.

Theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, để thực hiện hiệu quả cải cách hành chính sắp tới theo chỉ đạo của UBND TP, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên phải thực hiện là tiếp tục thực hiện xây dựng chính quyền điện tử các cấp tại TPHCM. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thực hiện triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử tại chính quyền các cấp để hoàn thiện hệ thống ứng dụng văn phòng điện tử.

Cũng theo ông Lắm, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo định hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi. Đặc biệt là triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao để người dân, DN dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP được UBND TP giao phối hợp với các sở - ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến các cấp độ 3 và 4. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, cho biết, thành phố bắt đầu xây dựng đô thị thông minh phải lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Thực tiễn người dân vẫn chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến, một phần nguyên nhân là do chất lượng phục vụ còn hạn chế, vì vậy cần tiếp tục cải tiến để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, tạo thuận lợi cũng như khuyến khích người dân, DN và tổ chức tham gia cơ chế một cửa điện tử này.

Tại một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “TPHCM sẽ đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến giúp giảm dần tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân và doanh nghiệp để tránh nhũng nhiễu, giảm những khoản chi phí không chính thức”. 

Triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến sẽ hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu

Theo GS,TS Nguyễn Trọng Hòa – Nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, trong đó có quản lý đô thị thông minh là tất cả các dịch vụ người dân được tiếp cận thoải mái và nhanh nhất. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến chính là đi liền với bài toán chống tham nhũng. Nếu thành phố triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến thì sẽ hết được tham nhũng, các cán bộ khó khăn hơn trong việc gây phiền nhiễu cho người dân. Bởi dịch vụ công chính là nơi phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu trực tiếp, người dân và doanh nghiệp thường phải xin xỏ, chạy chọt. Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM đang quyết tâm triển khai ráo riết dịch vụ công trực tuyến nhưng quan trọng là các cơ quan cung cấp dịch vụ công họ có sẵn sàng chưa hay còn muốn giữ lại.

Ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích nhưng người dân vẫn còn thờ ơ, bởi đa số người dân không tin có lúc dịch vụ công thông thoáng. Tâm lý người dân ai cũng nghĩ đi xin gì cũng phải mất tiền, làm gì có chuyện cán bộ nhiệt tình hướng dẫn. Người dân không ngại đi lại, chỉ mong đừng bị làm khó. Vì vậy, thành phố phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phải chứng minh được những lợi ích của dịch vụ công trực tuyến để người dân tin. Ngay bản thân tôi đi làm thủ tục cũng cảm thấy lo, bởi liệu nộp đơn vào có dễ dàng không hay lại phải đi lên đi xuống. Cả những người có hiểu biết và trình độ còn như vậy, chưa kể đại bộ phận người dân lao động người ta ít hiểu biết càng lo. Chính vì vậy mới có đất cò các loại, “cò” khắp nơi, như cò nghĩa trang, bệnh viên, hộ khẩu, trường học.

H.Trân - M.Quân
TIN LIÊN QUAN

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội phát triển của Việt Nam

T.L |

Sáng 17.11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo: Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức.

Quảng Ninh: Sử dụng mạng xã hội để giám sát hành chính công

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh vừa thí điểm sử dụng trang mạng xã hội để phục vụ giám sát chất lượng dịch vụ công và điều hành kinh tế cấp cơ sở, trong những nỗ lực không ngừng của tỉnh này nhằm tiếp tục cải cách hành chính và thu hút đầu tư.

Người dân vẫn còn thờ ơ với dịch vụ công trực tuyến

MINH QUÂN |

Chương trình dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và nắm rõ tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhưng số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này tại Q.Bình Tân (TPHCM) vẫn còn ít. Sau 8 tháng triển khai dịch vụ này, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến của Q.Bình Tân chiếm chưa tới 10%.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội phát triển của Việt Nam

T.L |

Sáng 17.11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo: Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức.

Quảng Ninh: Sử dụng mạng xã hội để giám sát hành chính công

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh vừa thí điểm sử dụng trang mạng xã hội để phục vụ giám sát chất lượng dịch vụ công và điều hành kinh tế cấp cơ sở, trong những nỗ lực không ngừng của tỉnh này nhằm tiếp tục cải cách hành chính và thu hút đầu tư.

Người dân vẫn còn thờ ơ với dịch vụ công trực tuyến

MINH QUÂN |

Chương trình dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và nắm rõ tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhưng số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này tại Q.Bình Tân (TPHCM) vẫn còn ít. Sau 8 tháng triển khai dịch vụ này, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến của Q.Bình Tân chiếm chưa tới 10%.