Cuộc hội ngộ đầy cảm động của người thợ săn già với con khỉ mặt đỏ

Nguyễn Khang |

Nhận ra chủ cũ, con khỉ mặt đỏ vui mừng nhảy nhót, kêu chít chít trên đầu người thợ săn già. Sau khi ném quả rừng cho người chủ cũ đang trong cơn khát giữa rừng sâu thẳm như một lời tri ân, con khỉ còn theo cụ ra tận bìa rừng rồi mới chịu quay trở lại nơi đàn của nó đang chờ.

Cứu con khỉ lạc bầy thoát khỏi cái chết

Tôi tình cờ được nghe những câu chuyện đi săn đầy ly kỳ của người thợ săn già Nguyễn Văn Mùa (87 tuổi, trú tại xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Trong đó, câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa cụ với con khỉ đực giữa rừng sâu khiến người nghe cảm động bởi tình cảm chân thành của loài vật.

Cụ Mùa từng là một thợ săn nức tiếng khắp vùng với tài thiện xạ chính xác. Chỉ với một cái nỏ, cụ săn chim thú, nuôi sống cả một gia đình. Tuy năm nay đã đến tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Mùa còn khá tinh anh và khỏe mạnh, tay cụ vẫn kéo được dây nỏ căng và rất nặng.

“Hồi đó, cách đây cũng tới 70, 80 năm rồi, thú nhiều lắm, rừng núi lúc đó rậm rạp chứ không như bây giờ. Đêm đến, những con hổ đói mò vào tận cửa nhà, nước rãi của nó nhỏ hôi rình ở trước thềm. Hổ mò vào để bắt trâu, bắt lợn tha đi. Người dân phải gõ mõ, khua chiêng hoặc lấy hai thanh tre đập vào nhau đuổi hổ đi”. Năm 15 tuổi, cụ Mùa bắt đầu cầm nỏ đi săn một mình và cụ cũng nổi tiếng từ đó với tài săn bắn giỏi của mình. Thời cụ còn niên thiếu, những năm đó còn đói kém nên cứ đến vụ giáp hạt (gần vụ thu hoạch lúa, ngô), lương thực cạn là những thợ săn như cụ Mùa lại phải đi săn nhiều hơn để lấy cái ăn cho gia đình. Theo cụ kể, những thợ săn vào rừng thường không kén chọn, gặp gì săn đấy. Chuyến nào không kiếm được con thú nào thì cũng cố bắn lấy vài con chim, hái ít măng rừng mang về để lấy cái ăn cho những người ở nhà.

Câu chuyện về con khỉ cụ cứu cách đây đã gần 60 năm. Hôm đó vào giữa tháng ba, tiết trời xuân lạnh, cụ Mùa đi rừng rất sớm. Do là mùa xuân nên chim thú gọi nhau ầm ĩ. Cụ đi vào rất sâu, tìm đến cái lán rừng đã từng cắm trước đó nhiều ngày. Đến khoảng khe đá, cụ Mùa bắt gặp một vật đen xì đang động đậy giữa đám lá. Nhìn kỹ thì ra là một con khỉ đực con còn nhỏ đang lần mò một mình, đâu đó cụ vẫn nghe thấy tiếng khỉ kêu. Cụ Mùa đoán, khỉ mẹ có lẽ đã chết, được bầy chôn gần đây hoặc bị thú ăn thịt nên khỉ con mới lạc bầy. Loài khỉ có một đặc tính là không nuôi con hộ nhau, thế nên khi khỉ mẹ chết, khỉ con nếu chưa theo được bầy thì chỉ còn nước chết hay lang thang một mình. Thương tình, cụ đặt nó vào chiếc giỏ mang theo bên mình.

May là con khỉ tuy còn yếu, nhưng đã biết ăn hoa quả nên còn cứu được. Cụ mang con khỉ về nhà và có ý định nuôi nó. Con khỉ lớn rất nhanh, chỉ sau vài tháng đã đổi lông. Nuôi đến 2 năm thì nó đã nặng đến 5-6 kg. Con khỉ rất tinh ranh và lanh lợi, suốt ngày bắt chí rận cho những người trong nhà và đùa nghịch với trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng, cụ cũng cho nó vào rừng theo mình với ý định tập cho nó quen với cảnh rừng, đồng thời nó có thể giúp cụ Mùa tránh được trăn, rắn hay báo động thú dữ.

Thế nhưng, trong một chuyến đi săn, ngủ lại qua đêm ở đó, sáng hôm sau tỉnh dậy, cụ không còn nhìn thấy con khỉ đâu nữa. Sợi dây buộc bị đứt chỉ còn dấu răng và vài sợi lông khỉ. Cụ Mùa đoán, có lẽ nó đã ngửi thấy hơi bầy cũ hoặc nghe theo tiếng gọi của con khỉ cái nào đó mà trốn theo.

 

Cụ Mùa vác cây nỏ lên rừng. 

Cuộc hội ngộ đầy cảm động

Một thời gian sau, cụ Mùa cũng dần quên con khỉ. Thỉnh thoảng, trong mỗi chuyến đi săn, cụ cũng để ý tìm nhưng chẳng thấy tung tích nó nữa. Bẵng đi mấy năm, trong một chuyến săn cùng người bạn ở vùng rừng mới, cụ Mùa ngồi nghỉ trên phiến đá giữa rừng, định bụng hết mệt sẽ đi tiếp thì thấy có gì đó động đậy trên cây cao trước mặt. Nhìn lên, cụ thấy một con khỉ đang ngồi trên đó. Như có linh tính mách bảo, cụ Mùa cho rằng, con khỉ đang ngồi trên cao kia nhìn mình có lẽ chính là con khỉ năm nào. Cụ bèn cất tiếng gọi nó như trước kia: “Khi… khi”. Một điều bất ngờ là sau tiếng gọi đó, con khỉ bỗng nhảy nhót kêu lên lạ thường. Rồi nó chuyền cành xuống gần chỗ cụ Mùa hơn, nhảy nhót và kêu lên vui mừng. Nhìn kỹ, cụ Mùa thấy nó đúng là con khỉ cụ nuôi ngày trước vì nó có vết sẹo ở mặt từ lúc nhỏ. Cả người và khỉ đều mừng rỡ, tuy nhiên con khỉ vẫn không lại gần cụ Mùa. “Có lẽ, những năm ở rừng nó đã xa hơi người và không còn bạo dạn như trước”, cụ Mùa nói.

Nhảy nhót chán rồi, con khỉ nhảy tót lên cây lồm côm (một loại quả rừng, rất hiếm và ăn rất ngon, giải khát rất tốt, chỉ có ở những vùng rừng miền Bắc - PV) cao tít. Cụ Mùa tưởng nó chuyền cành leo đi, nhưng không, nó bứt quả vứt xuống rào rào. “Nó bứt quả rồi thả xuống. Một vài con khỉ trong bầy của nó thấy vậy cứ đứng đằng xa nhìn, rồi có con cũng làm theo”, cụ Mùa kể. Đang trong cơn khát, được chút quả ăn, cụ Mùa vừa mừng vừa tủi.

Con khỉ còn nhảy nhót, kêu mãi trên đầu cụ như tỏ ý vui mừng, nhưng có điều là nó vẫn không lại gần cụ Mùa. “Có lẽ, nó sợ tôi sẽ bắt nó lại cũng nên, nhưng nó không hiểu rằng tôi không muốn bắt nó lại nữa”, cụ Mùa ngậm ngùi nói.

Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ ấy rồi cũng kết thúc. Cụ Mùa vác nỏ tìm đường về. Con khỉ vẫn không chịu rời, nó chuyền cành trên đầu cụ theo từng bước chân. Cụ Mùa biết là nó đi theo, nhưng cất tiếng gọi thì nó không chịu lại gần. Cụ ngoắc tay và ra hiệu xua để nói với nó rằng “đừng đi theo nữa”. Nhưng con khỉ vẫn theo cụ Mùa mãi cho tới gần bìa rừng. Lúc đó, cụ quay lại, thấy nó đu trên một cành cây cao nhìn theo nhưng không còn muốn đi theo nữa. Cụ hiểu là nó muốn tiễn người ân nhân của nó một lần cuối.

Từ ngày có cuộc hội ngộ bất ngờ ấy, cụ Mũi đã nhiều lần trở về khu rừng cũ xem còn gặp con khỉ đực đó nữa không. Nhưng bao năm qua, cụ chẳng còn có cơ may đó. “Có lẽ, trong đời tôi, chuyến đi săn ấy không bao giờ quên được”, cụ Mùa nói. Cuối câu chuyện, cụ nhìn vào khu rừng trước mặt, sờ lên cây nỏ quen thuộc của mình và nhẩm tính: “Tết năm nay là đúng 60 năm kể từ khi tôi gặp lại con khỉ đó. Tôi vẫn nhớ rõ thời gian lắm…”.

Nguyễn Khang
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.