Chuyện cổ tích giữa đời thường

Phố Nhơn |

Hai con người cùng khuyết tật và mang nhiều nỗi bất hạnh, thậm chí hơn nửa đời người mới có giấy tùy thân, nhưng với tình yêu thanh cao của mình, họ đã đến với nhau như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Và, dù hành trình phía trước còn lắm gian nan, nhưng họ vẫn lạc quan để bước tiếp. Đó là vợ chồng anh Huỳnh Trọng Quý (53 tuổi) và chị Nguyễn Thị Yến Nhi (34 tuổi, ngụ khu vực 5, phường Quang Trung, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Dù bất hạnh vẫn khao khát yêu thương

Trong ký ức của anh Quý không có lấy hình ảnh nào về nơi chôn nhau cắt rốn. Anh không biết mình được sinh ra vào lúc nào, cha mẹ là ai. Ký ức tuổi thơ của anh chỉ là những tháng ngày được lớn lên trong Cô nhi viện Từ Tâm (TP.Quy Nhơn). Cái tên Huỳnh Trọng Quý là mọi người đặt cho anh, ngày 1.2.1964 trên giấy khai sinh cũng chỉ là ngày tượng trưng.

Những năm 1970, Cô nhi viện Từ Tâm giải tán, anh được đưa về Ty Thương binh xã hội tỉnh Bình Định. Hy vọng lớn lên được tìm lại gốc gác của anh bị dập tắt hoàn toàn khi nhận ra mình mắc căn bệnh bại liệt, hai chân dần dần teo lại, đến nay chỉ như chân đứa trẻ lên năm. Năm lên 10 tuổi, anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho mọi người nên đã xin ra ngoài mưu sinh bằng đủ thứ nghề.

Để sống qua ngày, người đàn ông bại liệt này phải rửa bát cho quán ăn, làm bánh bao, bán vé số dạo, đan lát hay bất cứ nghề gì ai thuê ai mướn mà với khả năng mình làm được. Sau vài năm bươn chải, anh dành dụm được 2 chỉ vàng để đi học nghề cơ điện. Năm 2003, anh về làm chung với một người bạn ở xưởng làm xe máy gắn hộp số lùi cho người khuyết tật. “Lúc đầu công việc cũng khó khăn với người bại liệt như tôi, nhưng rồi mọi việc cũng quen. Tôi thủng thẳng làm công việc của mình một cách chậm rãi, miễn sao hoàn thành là được”, anh Quý tâm sự.

Cũng trong thời gian này, anh Quý tham gia các hoạt động xã hội trong Chi hội khuyết tật Sức Sống Quy Nhơn (thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bình Định). Một thời gian sau, anh được bầu làm Chi hội phó. Năm 2007, anh ra Hà Nội tham gia hội nghị người khuyết tật và ngã ngửa vì suốt mấy chục năm qua đến một cái giấy tùy thân mình cũng không có. Sau lần đó, anh về Quy Nhơn xin làm chứng minh nhân dân. Một gia đình khuyết tật ở cùng Chi hội đã tạo điều kiện cho anh nhập khẩu để làm giấy chứng minh. Thế là mãi đến năm 43 tuổi anh Quý mới thật sự trở thành một công dân, tự tin hòa nhập xã hội.

Năm 2009, trong một lần đi dự hội thảo người khuyết tật ở Hà Nội, anh Quý được người quen giới thiệu chị Nhi (quê ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) qua số điện thoại. Chị Nhi vốn bị khuyết tật chân từ nhỏ, đi lại vô cùng khó khăn. Đã tật nguyền, cô bé Nhi lại sớm mồ côi mẹ, sau này cha cũng mất sớm. Nhà có 2 anh trai thì một người mất sớm, một người thất lạc đến nay chưa rõ tung tích. Nhi chỉ được học lớp 9 rồi phải tự bươn chải kiếm sống.

“Chúng tôi cùng khuyết tật nên cũng hay than thở hoàn cảnh cho nhau nghe. Rồi không biết từ khi nào, tôi thấy nhớ anh ấy, anh ấy cũng vậy. Tình cảm lớn lên theo từng lần gọi điện, từng cái tin nhắn hỏi thăm. Đến đầu năm 2014, tôi đón xe xuống Quy Nhơn thăm anh”, chị Nhi tâm sự.

Sau lần gặp mặt đầu tiền ấy, tình cảm của hai mảnh đời bất hạnh càng thêm sâu đậm. Và, anh Quý đã dành điều bất ngờ cho người yêu. “Để chứng minh tình cảm của mình, tôi quyết định âm thầm đi chiếc xe máy ba bánh do chính mình độ chế, vượt quãng đường dài hơn 400 cây số lên Lâm Đồng thăm người thương. Buổi chiều hôm ấy, cô ấy không kìm được xúc động, rơi nước mắt hạnh phúc”, anh Quý thổ lộ.

Anh Quý kể, sau chuyến đi để đời ấy một thời gian, anh lại tiếp tục lặn lội lên thăm người yêu lần thứ hai. Lần này anh cũng một thân một mình với chiếc xe ba bánh do chính mình độ chế. Nghe đến đây, tôi ra vẻ thán phục, anh chỉ cười: “Người ta bảo yêu nhau mấy núi cũng trèo mà. Hơn nữa, tôi cũng đã chuẩn bị một ít tiền trong túi, nếu lỡ giữa đường xe cộ có gì thì mình cũng bắt xe lên gặp được cô ấy”.

Hàng ngày anh Quý đi làm bằng chiếc xe ba bánh do mình độ chế. Ảnh: P.N

 

0 + 0 = có

Kể về đám cưới của mình, chị Nhi tâm sự: “Chúng tôi quen biết và thầm thương trộm nhớ gần 5 năm nhưng quyết định tổ chức đám cưới thì chỉ trong vòng 1 ngày. Ngày hôm trước tôi xuống thăm anh thì hôm sau làm đám cưới. Ban đầu tôi bảo đừng cưới hỏi chi tốn kém nhưng anh em, bạn bè của anh cứ động viên nên làm một bữa tiệc nhỏ để vừa ra mắt mọi người, vừa là dịp cảm ơn tôi vì đã dành tình cảm cho anh mà bỏ hết mọi thứ ở Lâm Đồng xuống đây làm vợ anh”.

Đầu tháng 11.2014, đám cưới vợ chồng anh Quý diễn ra trong một ngày cơn bão số 4 đổ bộ vào Quy Nhơn. Đám cưới không có rạp, cổng hoa, chỉ có sự trợ giúp của bạn bè và những nhà hảo tâm, người góp cái bánh kem, người cho thuê áo cưới giá 200.000 đồng, người làm MC không công, người lo phần nhạc… Chỉ vỏn vẹn 4 bàn tiệc mà đám cưới rôm rả, rộn ràng nụ cười và nước mắt.

“Có một người chị khi tặng phong bì đã ghi bên ngoài là chúc mừng hạnh phúc 0 + 0 = có! Đó là một phép tính ngắn gọn nhất về hoàn cảnh và chuyện tình của chúng tôi. Tôi không cha mẹ, không nhà cửa, cô ấy cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng nhưng giờ đây, chúng tôi có một gia đình”, anh Quý tâm sự.

Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh Quý thuê một căn phòng trọ ở đường Tây Sơn, gần nơi anh làm việc để sinh sống. Còn chị Nhi xin vào một công ty may cách nơi ở hơn 5 cây số để vừa học vừa làm. Sáng sớm, anh Quý dậy sớm chở vợ đến công ty may rồi mới ngược đường trở về để đi làm.

Chị Nhi cho biết: “Cách đây một năm, lúc hai vợ chồng đi làm thì căn phòng trọ bị cháy. Những người ở trọ gần bên đã cố gắng phá cửa xông vào và dập lửa nhưng hầu như mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi. Vật dụng gia đình cũng khá đơn giản nhưng nó rất quý giá với vợ chồng tôi, bởi được sắm từ những đồng tiền chắc góp, dành dụm từng ngày. Sau lần ấy, nhiều người thương tình cho được mấy triệu để sắm sửa vật dụng gia đình và thuê căn nhà trọ này để ở”.

Hiện tại, mỗi tháng anh Quý sửa xe thu nhập được gần 2 triệu đồng, còn chị Nhi vừa học vừa làm ở công ty may cũng được hơn 1 triệu, số tiền nhỏ bé nhưng cũng giúp vợ chồng anh xây đắp cuộc sống gia đình. “Trước mắt lo cái ăn cái mặc đã, khi nào công việc hai vợ chồng đều ổn định và nhắm có khả năng lo cho con thì mới nghĩ đến việc sinh đẻ. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Nhi bộc bạch. 

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.