14 năm sau ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam

Hà Lê |

Đã 14 năm trôi qua, bé ghép gan đầu tiên của Việt Nam – Nguyễn Thị Diệp ở tỉnh Nam Định – nay khoẻ mạnh, đã trưởng thành và làm việc trong ngành y. Năm 2004, ca ghép gan cho bé Diệp thành công đã ghi dấu vào cuộc cách mạng ghép tạng của Việt Nam.

100 y bác sĩ trải qua 17 giờ ghép gan

Sau quá trình chuẩn bị gian truân, ca đại phẫu ghép gan đầu tiên Việt Nam diễn ra ngày 31.1.2004 tại Bệnh viện quân y 103. 100 giáo sư, bác sĩ tham gia vào ca ghép gan cho bé gái 9 tuổi Nguyễn Thị Diệp. Ca mổ ghép kéo dài gần 17 giờ. Người bố 31 tuổi tình nguyện hiến một phần lá gan.

Mới đó mà đã 14 năm trôi qua, gần 1 năm nay, Diệp đã trở thành người nhà của Bệnh viện quân y 103. Diệp đã tốt nghiệp trường Trung cấp quân y 1, và trở về đúng nơi đã cứu sống mình 14 năm trước làm việc.

Vẫn đôi mắt đen tròn, cặp lông mày rậm không khác so với 14 năm trước. Chỉ khác giờ Diệp đã trưởng thành, nói chuyện lém lỉnh và rất lạc quan. Diệp trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 24 của mình. Mỗi lần lên thăm con gái, thấy con khoẻ mạnh, công tác tốt anh Nguyễn Quốc Phòng phấn khởi: “Con bé phải uống thuốc hàng ngày, uống thuốc suốt đời, sức khỏe không thể như người bình thường, nhưng chưa bao giờ nó bi quan, than thở hay kêu ca mệt mỏi, đau đớn. Tính tình nó lúc nào cũng vui vẻ, hồn nhiên như thế”.

Còn với Diệp, “từ khi được cứu sống sau ca ghép gan 14 năm trước, em luôn mong sau này trở thành dược sĩ, được biết nhiều loại thuốc để chăm sóc tốt sức khỏe cho mình và cho mọi người. Mơ ước của em đã thành hiện thực”, Diệp nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Trong câu chuyện, Diệp không quên nhớ lại những kỷ niệm ca ghép gan khi em mới 9 tuổi. Lúc đó, Diệp còn quá bé để nhớ hết mọi chuyện nhưng qua lời kể của bố mẹ, qua các phương tiện thông tin đại chúng Diệp vẫn có những hình dung về ca ghép hồi sinh cuộc đời mình.

Diệp kể: Ông nội em mất mấy năm nay rồi. Ngày đó, ông ở bên em suốt thời gian em ghép và nằm viện điều trị. Em bị teo đường mật bẩm sinh, đã qua phẫu thuật Kazai (nối đường mật với ruột) từ lúc 3 tuổi, đến năm 9 tuổi em bị xơ gan, chảy máu. Gia đình đưa em đi khắp các bệnh viện... nhưng lá gan của em đã xơ lại thành một cục nhỏ, thêm biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và liên tục chảy máu tiêu hoá. Bụng em lúc đó căng như quả bóng, các bác sỹ nói, sự sống của con chỉ được tính bằng tháng…

Đúng lúc gia đình đang ở giai đoạn bi quan nhất, Học viện Quân y quyết định chọn Diệp thực hiện ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, ghép gan còn là một khái niệm xa lạ, nên đoàn bác sỹ đến từ Nhật Bản, Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tìm về tận huyện Hải Hậu, Nam Định để thuyết phục bố Diệp. Khi đoàn bác sỹ về Nam Định, Diệp cùng ông nội vừa rời Bệnh viện Nhi Trung ương sang Bệnh viện Việt Đức, nên bố Diệp mời đoàn bác sỹ ăn cơm, rồi anh đưa cả đoàn lên Hà Nội thăm Diệp.

Thời điểm đó, có 6 cặp được lựa chọn để thực hiện ghép gan, nhưng cuối cùng chỉ mình bố con anh Phòng giữ quyết tâm đến cùng, còn 5 cặp kia đều lần lượt bỏ cuộc. “Tết năm đó, bố con tôi ăn Tết tại Bệnh viện quân y 103 để ăn kiêng, nằm phòng cách ly chờ đợi ghép gan. Đó là một cái Tết vừa nặng nề, có thể hai bố con sẽ chẳng có cơ hội trở về nhà, nhưng cũng là cái Tết cho chúng tôi le lói hy vọng duy nhất cứu sống con”, anh Phòng nhớ lại.

May mắn, sau nhiều cuộc hội chẩn, chọn lọc kỹ lưỡng em được chọn ghép gan và được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội (Nguyễn Quốc Được, 56 tuổi – PV) hoặc bố (Nguyễn Văn Phòng 31 tuổi – PV). Nhưng cuối cùng, người cho gan phù hợp là bố em. Ca ghép được thực hiện vào ngày 31.1.2004. Ca mổ được tiến hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, đứng đầu là GS M. Makuuchi. Hội đồng ghép gan với đội ngũ các y bác sĩ đầu ngành đã được huy động.

GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, nguyên Giám đốc Học viện quân y 103 nhớ lại: Ca ghép gan cho bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp là ca ghép tạng lịch sử. Để chuẩn bị cho ngày mổ, toàn bộ ekip y bác sỹ chuẩn bị từ 5 giờ sáng và thức trọn đêm đến 5 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành ca ghép. Ngày hôm sau lại tiếp tục túc trực suốt đêm như vậy, nếu có mệt quá thì chỉ chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một chút. Ghép gan không giống như ghép thận: đối với gan, mình không sử dụng được máy hỗ trợ vì thế phải đảm bảo ổn định cho cả người cho – người nhận. Chúng tôi bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn và gần như không ai dám ngủ. Ca ghép thành công, hiện bệnh nhân vẫn khỏe và có cuộc sống bình thường. Đó là niềm hạnh phúc của người thầy thuốc.

“Ca phẫu thuật đã thành công, không như những lo lắng ban đầu của nhiều chuyên gia. Vì gan của Diệp đã phẫu thuật cho nên bị dính rất nhiều thứ, rất dễ chảy máu khi tiến hành phẫu thuật. Vì lo sợ điều này nên ekip đã chuẩn bị 20l máu. Nhưng rất may là khi phẫu thuật, Diệp không mất nhiều máu và chỉ cần khoảng 1l máu. Trong cuộc phẫu thuật các bác sĩ đã cung cấp cho Diệp 1l máu, 250ml huyết tương, 300 ml tiểu cầu. Chi phí của ca ghép gan là 2,6 tỷ đồng. Trong đó, Học viện Quân y trích quỹ 1,5 tỷ đồng, Cục Quân y 300 triệu đồng, Bộ Khoa học - Công nghệ chi cho đề tài ghép gan 800 triệu đồng”, GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường nhớ lại.

Sau ca mổ, anh Phòng hồi phục tốt, cơ thể Diệp thích nghi tốt với 33% lá gan của bố hiến tặng. Sau 8 tháng nằm viện, Diệp đã hồi sinh, trở về nhà với cuộc sống đời thường.

Nguyễn Thị Diệp mạnh khoẻ sau 14 năm ghép gan và đang thực hiện mơ ước của mình.
Nguyễn Thị Diệp mạnh khoẻ sau 14 năm ghép gan và đang thực hiện mơ ước của mình.

Các bác sĩ sinh ra con lần thứ hai

Anh Nguyễn Quốc Phòng, đã 14 năm trôi qua vẫn gương mặt xương xương nhớ lại: Hồi mới từ Học viện quân y 103 về sức khoẻ có giảm sút nhưng giờ đỡ hơn nhiều. Trước khỏe còn đi làm ăn xa chứ giờ cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi con lợn, ai trong làng thuê sửa điện nước thì tranh thủ làm thêm lo cho các con ăn học, thuốc thang cho 2 bố con. Mặc dù có bảo hiểm chi trả thuốc nhưng những thuốc không được thanh toán gia đình vẫn phải bỏ tiền ra mua. Diệp và em trai đi làm, đi học xa hàng tháng cũng phải gửi tiền sinh hoạt cho các cháu. Vất vả nhưng mừng vì Diệp đã khỏe lại, được đi học. Chỉ mong con khỏe để tương lai tốt hơn.

Anh Phòng kể tiếp: Thời gian trôi nhanh quá. Khi chưa phát hiện bệnh, Diệp yếu lắm, hay mệt. Chỉ đến khi Diệp ăn vào là nôn ra cả máu, đi khám hết viện này sang viện khác mới ra bệnh. May mắn ca ghép gan thành công cho cháu có cuộc sống như ngày hôm nay.

Trong lúc tôi ngồi nói chuyện, Diệp không quên mở những tấm ảnh về ca ghép gan của em được lưu giữ trong điện thoại. Diệp nói từng người: Ông Lê Thế Trung (GS Lê Thế Trung – nguyên giám đốc Học viện quân y – đã cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công ca ghép cho Diệp – PV) đây ạ. Giờ ông đã cao tuổi nhưng lần nào em vào thăm ông vẫn nhớ lắm. Ông Đỗ Tất Cường, nguyên Giám đốc Học viện quân y 103 cũng giúp đỡ em nhiều lắm. Còn nhiều bác sĩ nữa. Mỗi lần vào viện em đều qua chào hỏi các bác. Ai cũng yêu quý, động viên em học giỏi.

Chia tay Diệp, chúc cho cô bé kiên cường có đủ sức khỏe để thực hiện thành công mơ ước làm bác sĩ để cứu người, như một món quà Diệp muốn trả ơn cho đời.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Bé gái 3 tuổi được cứu sống nhờ lá gan của anh họ

Khương Quỳnh |

Ê-kíp các bác sĩ của Trung tâm ghép tạng bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vừa ghép gan thành công cho bé gái 3 tuổi ở TPHCM. Đây là ca phẫu thuật ghép gan từ người sống thứ 12 của bệnh viện.

Chuyện về cậu bé 10 tuổi nhận nửa lá gan từ mẹ

Khương Quỳnh |

“10 ca ghép gan trước, các bệnh nhi còn rất bé và chưa hiểu chuyện nhiều. Ca ghép gan thứ 11 này, thực sự đặc biệt với chúng tôi, bé đã 10 tuổi và đã biết suy tư. Trước ca mổ, dù bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ và nắm chắc tỷ lệ thành công cao, nhưng không hiểu sao vẫn lặng người, bật khóc khi bé đặt câu hỏi – Bác sĩ ơi, nếu ca ghép của con không thành công, nếu gan của mẹ không dính vô người con thì sẽ ra sao?”. Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bác sĩ trực tiếp tham gia ca ghép gan xúc động kể lại.

Xúc động người bố hiến 60% gan cứu con gái và ca ghép tạng “đỉnh cao“

Thùy Linh |

Chiều 3.4, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã cung cấp cho báo chí thông tin về ca ghép gan từ cặp bố con ruột. Đây là ca ghép tạng vô cùng phức tạp, thể hiện trình độ rất cao của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam. Hơn thế, phía sau đó là cả một câu chuyện xúc động về tình cha con.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Bé gái 3 tuổi được cứu sống nhờ lá gan của anh họ

Khương Quỳnh |

Ê-kíp các bác sĩ của Trung tâm ghép tạng bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vừa ghép gan thành công cho bé gái 3 tuổi ở TPHCM. Đây là ca phẫu thuật ghép gan từ người sống thứ 12 của bệnh viện.

Chuyện về cậu bé 10 tuổi nhận nửa lá gan từ mẹ

Khương Quỳnh |

“10 ca ghép gan trước, các bệnh nhi còn rất bé và chưa hiểu chuyện nhiều. Ca ghép gan thứ 11 này, thực sự đặc biệt với chúng tôi, bé đã 10 tuổi và đã biết suy tư. Trước ca mổ, dù bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ và nắm chắc tỷ lệ thành công cao, nhưng không hiểu sao vẫn lặng người, bật khóc khi bé đặt câu hỏi – Bác sĩ ơi, nếu ca ghép của con không thành công, nếu gan của mẹ không dính vô người con thì sẽ ra sao?”. Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bác sĩ trực tiếp tham gia ca ghép gan xúc động kể lại.

Xúc động người bố hiến 60% gan cứu con gái và ca ghép tạng “đỉnh cao“

Thùy Linh |

Chiều 3.4, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã cung cấp cho báo chí thông tin về ca ghép gan từ cặp bố con ruột. Đây là ca ghép tạng vô cùng phức tạp, thể hiện trình độ rất cao của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam. Hơn thế, phía sau đó là cả một câu chuyện xúc động về tình cha con.